Nghị quyết 54 triển khai nhanh chóng, phát huy hiệu quả
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, Nghị quyết 54 đã trao một số cơ chế đặc thù cho TPHCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
TPHCM đã triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể. Trong đó, nội dung đầu tiên được TPHCM triển khai là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Dù chưa thể đạt mức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc, nhưng chính sách này ra đời phù hợp với năng suất thực tế của người lao động TPHCM, gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước, đã tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài.
TP đã thực hiện được một số công việc, như ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với hơn 12.900 tỷ đồng; thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. TP phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương. Đồng thời, UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TP cũng ủy quyền 85 đầu việc cho các sở ngành, UBND quận huyện và thủ trưởng các đơn vị.
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 54, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu nhấn mạnh, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết 54 đã được triển khai nhanh chóng, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM thời gian qua.
Qua giám sát, HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thực hiện các đề án, dự án, chương trình đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 25 cũng như các nội dung đã được đề ra trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 54 của UBND TP nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP, trong đó đặc biệt cần lưu ý các đề án, nội dung tạo nguồn thu cho TP. Cụ thể như: Đề án thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; Đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương…
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm các vấn đề còn hạn chế để có giải pháp thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra từ nay đến hết thời gian thực hiện thí điểm. Bên cạnh đó, tích cực kiến nghị, phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch đối với địa chỉ nhà đất đã được phê duyệt phương án để được hưởng 50% khoản thu này theo quy định của Nghị quyết 54.
Ngoài ra, kiến nghị các cơ quan Trung ương tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn kịp thời việc xây dựng phương án sử dụng đất đối với các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa và cần có sự chủ động, nhanh chóng xây dựng phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại kỳ họp, các đại biểu đánh giá từ khi Quốc hội có Nghị quyết 54, người dân TPHCM phấn khởi khi mục đích cuối cùng của các cơ chế chính sách đặc thù vẫn là phát triển kinh tế - xã hội, có chính sách phát triển sát với thực tiễn của TP. Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, tính pháp lý của Nghị quyết hạn chế về thời gian so với luật. Do vậy, cần có luật về đô thị đặc biệt để giúp TPHCM giải quyết nhiều vướng mắc của TP.
Theo đại biểu Cao Thanh Bình, mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 54 đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa được như mong muốn của TP. Cụ thể như chính sách đặc thù nhưng quá trình thực hiện vẫn còn theo quy trình cũ. TP phải xin hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương. Dù TP rất tích cực đeo bám, gửi nhiều văn bản nhưng các bộ ngành vẫn chậm hướng dẫn. Đây là vấn đề khó nhất của TP khi thực hiện Nghị quyết 54, khiến việc giải quyết các bất cập không được làm sớm. Do đó, TP cần mạnh dạn đề xuất những cơ chế phù hợp trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Tăng cường trách nhiệm công vụ từng cơ quan, cán bộ được giao giải quyết thủ tục
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn TP đã có nỗ lực lớn, đạt kết quả khá tích cực, như: kiểm soát được dịch, phục hồi nhanh và khá toàn diện. Đối với cải cách thủ tục hành chính, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 7/2022, UBND TPHCM sẽ ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, quy định trách nhiệm, thời gian, các vấn đề liên quan làm cơ sở kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm công vụ từng cơ quan, cán bộ được giao giải quyết thủ tục; tăng cường thanh tra kiểm tra công vụ và xử lý. Đồng thời để giải quyết các vướng mắc khó khăn của người dân, doanh nghiệp, TP tiếp tục phát huy các tổ công tác, phân nhóm và giải quyết các vấn đề mà người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND TP đã có trên 40 cuộc họp chuyên đề theo các nhóm để giải quyết, trong đó có các vấn đề đô thị, nhà ở, đất đai… Đến nay, có 118 dự án bất động sản còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai liên quan đến các vụ việc. UBND TP sẽ phân nhóm vấn đề và giải quyết. Vừa qua, TP đã cho ý kiến về gỡ vướng cấp giấy chứng nhận các dự án vướng 20% nhà ở xã hội. Thời gian tới, hàng ngàn hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong quá trình thực hiện, TP sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, TP đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chung, liên thông dữ liệu, nhất là các lĩnh vực nhiều hồ sơ như quy hoạch, tài nguyên và môi trường, xây dựng, kế hoạch, thuế. “Nếu đến năm 2025 hoàn thiện được cơ sở dữ liệu chung sẽ có thể điều hành trên nền tảng số sẽ rất thuận lợi, nâng được năng suất hiệu quả”- đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Liên quan đến số lượng biên chế công chức, viên chức tại TPHCM có sự chênh lệch so với số biên chế Trung ương giao, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM đang chuẩn bị báo cáo đầy đủ để Trung ương xem xét giải quyết với tinh thần không phải đòi hỏi nhiều, nhưng phải đủ, phù hợp thực tế để đảm đương được công việc của TPHCM.
Liên quan đến tổng kết Nghị quyết 16, Nghị quyết 54, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP sẽ tiếp thu các ý kiến trong báo cáo giám sát để tổng kết Nghị quyết 54 và đề xuất nghị quyết mới thay thế. Đến nay, TP đã có bản dự thảo, nửa đầu tháng 7 sẽ tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, HĐND, lãnh đạo TP qua các thời kỳ, các cơ quan liên quan, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tháng 8/2022, TP báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho rằng việc phân cấp cho TPHCM trong thời gian qua, nhiều việc đã phân cấp nhưng khi thực hiện vẫn phải đi hỏi bộ ngành, khi đó quay về quy định của pháp luật. “Phân cấp phải đi liền với giao cho điều kiện để thực hiện, là điều cốt lõi của nghị quyết mới” – đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về đầu tư công và đầu tư xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, Quốc hội đã thông qua chủ trương đường Vành đai 3, TP với vai trò cơ quan đầu mối đã họp với các tỉnh, bộ, ngành và thống nhất chương trình phối hợp. Trong tháng 7 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tổ chức thực hiện dự án đường Vành đai 3. Trong 8/2022, sẽ bàn giao ranh tuyến. Tháng 1/2023, sẽ duyệt dự án bồi thường giải phóng mặt bằng; tháng 4/2023 duyệt dự án khả thi đường vành đai 3. Đến tháng 4/2023, thực hiện đấu thầu xây lắp, đẩy nhanh chuẩn bị để khởi công vào tháng 6/2023, cuối năm 2023 giải phóng mặt bằng xong. Và dự kiến cuối năm 2025 thông xe kỹ thuật, 6/2026 hoàn tất dự án, năm 2027 quyết toán.
Đối với đề án xây dựng huyện thành quận hoặc TP, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, đây là chủ trương, đang nghiên cứu. “Thời gian qua, nói rằng huyện A, B sẽ lên TP, thông tin này không chính xác” - đồng chí khẳng định.
Với Chương trình phát triển nhà ở, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận TPHCM cần có cách tiếp cận mới, cần có cơ chế tài chính để huy động nguồn lực xã hội cùng thực hiện. Về xử lý rác thải, nước thải và nhiều vấn đề khác, TPHCM sẽ tiếp cận hướng giải quyết là thuê mua dịch vụ để giải quyết tốt hơn.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, sau kỳ họp này, UBND TPHCM sẽ khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND TPHCM, tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2022.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cap-phai-di-lien-voi-giao-cho-dieu-kien-de-thuc-hien-a22212.html