Hà Tĩnh: Đền thờ Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí - Công thần hai lần khai quốc

Đền thờ Nguyễn Xí còn có tên là đền Chính, đền Bản thuộc, đền Sở tại, trước thuộc làng Động Gián, tổng Cổ Đạm, nay là thôn Song Nam, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

1-1657188853.jpg
Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Viết Hải

Nguyễn Xí (1397 - 1465), là người con ưu tú đất Hồng Lam đã có công lao lớn trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Lê Lợi. Ông vốn quê gốc ở làng Động Gián (nay là xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Thân sinh là Nguyễn Hội và ông nội là Nguyễn Hợp làm nghề muối ở quê sau chuyển ra định cư và làm nghề nấu muối ở làng Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Tương truyền, đến làng Thượng Xá, nghề muối của gia đình ông Nguyễn Hợp phát đạt và mang đi bán khắp nơi tận miền thượng du tỉnh Thanh Hóa. Từ đó họ thân quen với gia đình cụ Lê Khoáng (thân sinh Lê Lợi), một hào trưởng hiền lành nhân nghĩa có trang trại sản xuất lớn ở đất Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ mối thân tình đó, ông Nguyễn Hội xin cho con trai là Nguyễn Biện làm công ở trang trại. Năm Ất Dậu (1405), ông Hội qua đời và một thời gian sau thì mẹ mất, hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí được gia đình cụ Lê Khoáng cưu mang, đùm bọc. Tại Lam Sơn, Nguyễn Xí được gia đình cụ Lê Khoáng giao cho việc luyện tập 100 con chó để bảo vệ trang trại. Với tài năng thiên bẩm, Nguyễn Xí đã luyện tập thành thục mọi việc theo hiệu lệnh. Gia đình cụ Lê Khoáng rất thán phục, coi đó là dấu hiệu, tài năng của Nguyễn Xí và Lê Lợi xem Nguyễn Xí như anh em ruột thịt.

2-1657186569.jpg
Cổng tam quan (phía sau) và hai cột nanh (phía trước) hiện còn nét khắc câu đối chữ Hán: "Khai quốc công thần huân danh bất hủ/ Bình minh thượng tướng dũng lược vô song". Nghĩa là: Thượng tướng dẹp quân giặc Minh nghìn thu nổi tiếng/ Công thần khai lập nước muôn thuở lừng danh.

Năm 1416, Lê Lợi dấy nghĩa chống giặc Minh xâm lược bằng việc cùng 18 chiến hữu mở hội thề Lũng Nhai, hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí không thuộc thành phần tham gia lễ ăn thề nhưng lại là những người có mặt đầu tiên. Đầu năm Mậu Tuất (1418), ngọn cờ khởi nghĩa phất cao ở Lam Sơn, anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí chính thức trở thành nghĩa quân. Năm đó, Nguyễn Xí 21 tuổi, đã cùng anh trai và các chiến hữu lập công đầu trong các trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi... thuộc các vùng thượng lưu sông Chu. Từ đây đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời ông. Ông đã gắn bó với sự nghiệp cứu nước của Lê Lợi và triều đại nhà Lê.

Mười năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, Nguyễn Xí đã trở thành một vị tướng tài ba, dũng cảm. Đặc biệt, trong trận đánh tiêu diệt giặc lần cuối cùng tại Xương Giang, vai trò của Nguyễn Xí trong khi cùng Đinh Liệt chỉ huy 3.000 quân thiết đột và 4 thớt voi để phối hợp tác chiến với các cánh quân khác của Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Văn An... là rất vẻ vang. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang kết thúc cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm chống giặc Minh. “Bình Ngô đại cáo” vang dội khắp non sông.

6-1657186569.jpg
Tòa hạ điện. Ảnh: Viết Hải

Sau đại thắng, ngày 24 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi đọc “Bình Ngô Đại Cáo” tuyên bố quốc gia độc lập, thành lập vương triều nhà Lê và lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, quốc hiệu là Đại Việt và thành Đông Quan được đổi thành Đông Kinh. Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần và được nhà vua ban phong “Long hổ Thượng tướng quân”, “suy trung Bảo chính công thần”, được ban quốc tính thuộc họ Lê gọi là Lê Xí.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ (húy danh Lê Lợi) băng hà. Nguyễn Xí nhận di chiếu cùng một số quần thần lập Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi vua, tức Lê Thái Tông lúc mới 10 tuổi, và ông giữ chức “Phụ nhiếp chính triều” (điều hành triều chính nhà Lê). Năm 1437, Nguyễn Xí được cử giữ chức “Tham tri chính sự kiên trị từ tụng”.

Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, củng cố chế độ nhà Lê. Khi đất nước bị ngoại xâm, ông lại cầm quân đi đánh giặc, đó là năm Bính Tuất (1446) giặc Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi phía Nam. Cùng với các tướng trong triều, Nguyễn Xí đã đánh thắng trận và bắt được nhiều tướng giặc. Đặc biệt, khi vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh Lê Nghi Dân giết Lê Băng Cơ và Hoàng thái hậu chiếm đoạt ngôi vua, gây ra sự nhiễu loạn trong triều đình, Nguyễn Xí đã chủ xướng cuộc chính biến vào ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) diệt trừ bọn phản loạn. Sau khi dẹp bỏ Lê Nghi Dân và bè đảng, Nguyễn Xí đưa Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông lên ngôi báu. Đây là vị vua anh minh, được sử sách đánh giá là một vương triều cực thịnh, toàn diện nhất trong chế độ phong kiến nước ta và một quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á.

7-1657186569.jpg
Tòa trung điện. Ảnh: Viết Hải

Với chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và công lao vĩ đại đối với quốc gia trong việc lập lại triều chính, Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông ban tước “Khai quốc suy trương dung võ minh nghĩa, phụ quốc tá lý, tịnh nạn, trung hưng công thần, Thái nguyên trấn phiêu kỵ thượng tướng quân, đặc tiến khai phủ nghi đồng, tam ty nhập nội kiểm hiệu tả phụ hữu tướng quốc thái phó bình chương quân quốc trọng sự, lệnh thiết đột trung kiên dực tướng thiết đột, tả kiên dực thánh thượng trụ quốc, tứ kim ngư, đại kim phù á quận công, tự Lê Tính”.  

Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều vua Lê, Nguyễn Xí một lòng một dạ trung trinh, khai quốc công thần, mở mang đất đai bờ cõi non sông, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại. Không chỉ là một võ tướng tài ba, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại thời kỳ đó. Ông đã có vai trò khá quyết định trong nhiều chính sách tiến bộ. Theo đó, chia quân ra làm 5 phiên, chỉ để một phiên tại ngũ còn lại cho về làm ruộng theo đường lối “Động vi binh, tĩnh vi dân” (khi động thì làm lính, khi tĩnh thì làm dân), cấp cho dân những nơi không có ruộng đất đến cày cấy ở những nơi thừa ruộng đất, cấm không được giữ đất để bỏ hoang, cho miễn thuế, miễn mọi thứ tạp dịch phu phen nhằm tạo sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân ở các vùng mới khai phá.

10-1657186569.jpg
9-1657186569.jpg
Tòa thượng điện mặt trước có đắp nổi 4 chữ Hán: "Lê triều chính khí". Ảnh: Viết Hải

Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông hết lòng kính trọng. Lê Thánh Tông còn viết bài “Chế dụ” dành tặng Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng: “Xét người khí độ trầm hùng, tính người cương trực, giúp đức Cao Hoàng khi trước, trăm trận gian nan”.     

Ngày Giáp Thìn 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí qua đời, hưởng thọ 69 tuổi. Linh cửu ông được chuyển ra quàn tại điện Kính Thiên (Điện tế trời) 43 ngày và sau đó được chuyển về an táng tại quê nhà. Trong lễ tang, vua Lê Thánh Tông có bài chế ca ngợi công lao của ông. Với vai trò công lao to lớn của Nguyễn Xí đối với đất nước, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1473), vua Lê Thánh Tông ban sắc thần cho Cương quốc công Nguyễn Xí tới bậc “Hồng Ân đại vương, Thượng đẳng phúc thần”. Các triều đại phong kiến về sau đều có truy phong, gia tặng “Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần” và giao cho nhân dân phụng thờ theo quốc lễ.

11-1657186569.jpg

Hai năm sau khi Nguyễn Xí mất, nhà vua cho dựng đền thờ ông theo chế độ Quốc lập (nhà nước dựng nên) và Quốc tế (nhà nước tế tự), sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia để khắc vào đá. 

Trong số đại công thần dưới chế độ phong kiến Việt Nam nói chung, triều đại Lê sơ nói riêng, Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là vị công thần đầu tiên được định danh là người hai lần khai quốc.

Với công lao hiển hách, Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí đã được giao giữ các chức vị, tước vị cao hàng đầu dưới 4 triều đại Lê sơ. Sau khi ông mất, đền thờ được lập ở nhiều nơi, tại Hà Tĩnh hiện có các đền thờ liên quan đến Cương Quốc công Nguyễn Xí: Làng Động Gián, làng Yên Ninh (thôn Bắc Sơn, xã Cương Gián); làng Cương Đoán (xã Nghi Liên); làng Phù Lạp (xã Cổ Đạm) thuộc huyện Nghi Xuân; làng Đỉnh Lữ (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà); làng Kiệt Thạch (xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc)… Ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Thừa Thiên Huế cũng đều có các đền - miếu được lập để thờ Nguyễn Xí. 

12-1657186570.jpg
Ao sen thường nở vào mùa hạ, sen nở hoa có mùi thơm ngát. Ảnh: Viết Hải

Tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Xí, tại quê cũ làng Động Gián, huyện Nghi Xuân, nhân dân và dòng họ lập đền thờ ông với quy mô lớn, gồm 3 tòa hạ, trung và thượng điện, cột nanh, cổng tam quan cách sân đền hàng trăm mét. Hàng năm, vào ngày 30/10 âm lịch, tại các đền thờ, nhân dân trên địa bàn tổ chức lễ giỗ rất trang nghiêm nhằm tưởng nhớ và ghi ơn một bậc anh hùng đã có nhiều công lao cho quê hương, đất nước.

Năm 2006 - 2007, đền thờ Nguyễn Xí được Nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo với các hạng mục: Hệ thống cổng tam quan, cột nanh, ba tòa hạ, trung và thượng điện, hai nhà tả hữu vu, tắc môn và sân vườn… Ngày 28/9/2006, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 74/2006/QĐ-BVHTT xếp hạng đền thờ Nguyễn Xí là di tích Quốc gia.

Với những giá trị về văn hóa và lịch sử tiêu biểu nêu trên, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng đền thờ và lăng mộ Nguyễn Xí là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-tinh-den-tho-thai-su-cuong-quoc-cong-nguyen-xi-cong-than-hai-lan-khai-quoc-a22195.html