Trải qua thăng trầm, di tích Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Hổ Bái (xã Yên Trường) bị xuống cấp nghiêm trọng, được UBND tỉnh chấp thuận cho phép trùng tu, tôn tạo. Năm 2019, xã Yên Bái đã triển khai thi công với tổng mức đầu tư 5,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn lại nguồn huy động của huyện, xã và nhân dân đóng góp.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai trùng tu, tôn tạo, di tích lịch sử Quốc gia đền Hổ Bái vẫn còn ngổn ngang chưa hoàn thiện, mái đền chưa lợp ngói được phủ bạt che chắn tạm bợ.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều hạng mục của di tích vẫn còn ngổn ngang, nham nhở; gạch, đá chất đống vương vãi, lộn xộn; phía trước đường dẫn vào đền cỏ cây đã mọc,…
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Yên Trường thừa nhận dự án triển khai chậm, một số hạng mục chưa hoàn thiện do nhà thầu đang dừng hoạt động. Sắp tới xã sẽ đấu giá đất lấy nguồn để xây dựng nốt các hạng mục còn lại của di tích.
Theo sử sách, đền Hổ Bái thờ thần Lạc hầu Hợp Lang, người con thứ 11 của Vua Hùng Vương thứ nhất. Do có công lập nên làng Hổ Bái, người dân đã lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của thần Hợp Lang. Đây cũng là một trong những ngôi đền cổ có tuổi đời gần 2.000 năm. Năm 1993, đền Hổ Bái được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Theo các cụ cao niên làng Hổ Bái kể lại, ngoài sự kiện thần Hợp Lang về cho xây dựng đền thì vẫn còn có 3 sự kiện lớn quan trọng và ý nghĩa khác. Sự kiện thứ nhất, trong một lần Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, sau khi đánh tan quân giặc Hai Bà về đất Trang Trân Bái mở hội ăn mừng trong một tháng và hạ lệnh tu sửa đền thờ ngay sau đó.
Tiếp đó là năm 1286, khi đất nước vừa đánh tan năm mươi vạn quân Nguyên - Mông thì lại rơi vào cảnh hạn hán khốc liệt khiến nhân dân điêu đứng vì đói kém. Vua Trần Nhân Tông lệnh cho các Đình thần trở về chính ngôi đền thờ ở Trang Trân Bái làm lễ tế để xin cho đất nước thoát được cơn hạn hán.
Đến năm 1888, trước sự tấn công của thực dân Pháp, nhân dân Trang Trân Bái đã tập hợp đội quân theo Vua Hàm Nghi chống giặc. Bỗng một hôm, ngôi đền bốc cháy dữ dội. Từ nghinh môn, đền chính, tẩm cung, tượng, ngọc phả đều biến thành tro bụi. Đến đời Vua Thành Thái (1896), đền đã được xây dựng lại bề thế và vững chắc như trước.
Hồng Hạnh