Di tích có kiến trúc đồ sộ, gồm có hai phần là đình và đền. Đình được xây theo kiến trúc chữ Đinh, quay về hướng Đông; còn đền được xây theo kiểu chữ Nhất, quay về hướng Đông Nam. Hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị như khám thờ, kiệu, những tác phẩm chạm khắc bằng gỗ,...
Hằng năm, vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng hai âm lịch, người dân tổ chức lễ hội với phần tế lễ, rước kiệu và những trò chơi dân gian đặc sắc.
Khu di tích Đình và Đền Mạo Phổ được xây dựng từ thời Hậu Lê với quy mô kiến trúc chia làm 2 phần:
Đình Mạo Phổ
Đình nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, dân cư đông đúc. Đình quay đầu về hướng Đông với nền kiến trúc kiểu chữ Đinh. Đình gồm 3 gian 2 dĩ với 5 hàng chân cột - gian giữa và 2 gian bên có kích thước bằng nhau.
Đình được xây dựng với kỹ thuật gia cố cẩn thận theo mực thước chính xác với nghệ thuật điêu khắc - chạm trổ khéo léo tinh xảo. Hiện nay Đình Mạo Phổ còn lưu giữ 16 bức chạm trổ mang đậm nét nghệ thuật thời Lê và Nguyễn, loại hình chạm trổ chủ yếu là đục bong, chạm lộng và chạm nổi với những đề tài quen thuộc như Long, Ly, Quy, Phượng, Sen và các loại hoa lá khác.
Đền Mạo Phổ
Đền Mạo Phổ nằm trên một khu đất rộng cùng với Đình Mạo Phổ bên tả ngạn Sông Hồng. Đền thờ các vị thần tương tự ngôi Đình. Đền quay theo hướng Đông Nam, theo kiểu chữ Nhất (-) gồm 5 gian.
Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ kính mà thâm nghiêm, thanh thoát. Hiện nay trong đền còn giữ 8 bức chạm với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ khéo léo tình sảo mang đậm phong cách thời Lê.
Đây là nơi thờ phụng Bà Duyên Hóa thánh Mẫu (vợ thứ 6 của Vua Hùng Vương thứ 17), đền mới được xây dựng nhung vẫn giữ được kiến trúc cổ. Hiện nay trong đền thờ phụng tượng Đức Bà Thánh Mẫu.
Đình và Đền Mạo Phổ vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như đồ gỗ (Án giang, kiệu...) đồ gốm (lư, bát hương) các sắc phong.
Đây là khu di tích có giá trị lịch sử, nghệ thuật văn hóa cao, là nguồn tư liệu lịch sử quý báu bổ sung thêm phần nghiên cứu về thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc.
Tú Thanh TH