Măng khô Nang Non - Sản vật của Quan Sơn

Măng khô Nang Non - sản phẩm của HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa được khai thác tự nhiên, sản xuất thủ công, không sử dụng chất bảo quản, chất cấm trong thực phẩm,… là sản phẩm OCOP 3 sao đã và đang được người tiêu dùng ưu chuộng.

mang-1-1656493575.jpg
Măng khô Nang Non có nguồn gốc tự nhiên

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cũng như nâng cao thu nhập, giúp bà con thoát nghèo nhanh, bền vững, UBND thị trấn Sơn Lư đã tập hợp các hộ có diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn thị trấn và liên kết với một số hộ dân trong huyện thành lập HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư xây dựng sản phẩm măng khô Nang Non (Nàng ngủ).

Theo ông Phạm Đức Lương - Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Lư, vào chính vụ măng, các hộ thành viên HTX thu hái từ 550 ha rừng tại địa phương. Sau khi được thu hái, măng tươi được tuyển chọn kỹ, loại bỏ hết phần già, măng được rửa đưa vào luộc bằng nguồn nước tự nhiên trong khe núi từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Măng luộc chín, chờ ráo nước rồi được xé nhỏ thành sợ hoặc cắt thành miếng rồi đem ra phơi nắng.

mang-2-1656493575.jpg
Măng sau khi được phơi nắng, chờ đóng gói

Có thể nói, công đoạn quyết định đến độ ngon của măng chính là việc phơi, làm khô măng. Măng khô Nang Non được phơi kiệt và phơi khô hoàn toàn bằng tự nhiên. Nếu gặp thời tiết nắng đẹp, măng sẽ được nắng, màu sắc vàng ruộm, tự nhiên. Nếu thời tiết xấu, bà con nơi đây thường treo măng lên gác bếp để măng được sấy khô. Khi măng đã chuyển sang màu vàng, măng được phơi thêm lần nữa, sau đó sấy và hút chân không để bảo quản.

Thường thì măng khô có màu vàng, song đôi khi có màu hơi thâm của khói bếp. Tuy nhiên theo ông Lương đây mới là măng an toàn, không chứa chất bảo quản và nguyên gốc.

“Dù là phơi nắng hay gác bếp thì măng khô Nang Non vẫn có mùi thơm tự nhiên, màu sắc đặc trưng. Khác với măng đắng, măng tươi, măng khô được chế biến hết sức cẩn thận, cầu kỳ. Đặc biệt là măng được trồng và chế biến hoàn toàn thủ công và truyền thống, đảm bảo an toàn” - Ông Lương khẳng định.

Thường có 2 loại măng là măng khô lưỡi lợn và măng khô xé sợi. Măng lưỡi lợn là loại măng củ, được bổ miếng và sấy khô, khi nấu xắt miếng hình lưỡi lợn và được hầm với thịt, xương, chân giò… Măng xé sợi là măng tươi được tước nhỏ thành những sợ mỏng rồi đem phơi khô, hong qua khói bếp nên có màu nâu đậm, mùi ngai ngái.

mang-3-1656493696.jpg
Măng khô Nang Non được công nhận sản phẩm OCOP 3 và là niềm tự hào của người dân Quan Sơn

Hiện HTX có khoảng 45 thành viên với thu nhập bình quân đạt 4,5 - 5 triệu đồng/ người/ tháng. Doanh thu tăng qua các năm, năm 2020 đạt tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Năm 2021 đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Mỗi năm HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư sản xuất trung bình được 4,53 tấn măng khô. Định hướng đến năm 2025 HTX mở rộng quy mô lên 750ha đạt 6 tấn măng khô, đáp ứng đủ 80% nhu cầu thị trường trong huyện, 20 - 25% nhu cầu thị trường trong tỉnh và 2% nhu cầu thị trường ngoài tỉnh.

“Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư đã ký kết hợp đồng cung cấp măng khô Nang Non tới các đại lý thu mua trong và ngoài tỉnh, sản phẩm cũng được bán trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử như Facebook, Shopee,…” - Ông Lương thông tin thêm.

Hồng Hạnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mang-kho-nang-non-san-vat-cua-quan-son-a22117.html