Sóc Trăng: Chiều vàng nghiêng bóng chùa

Vào một ngày khởi đầu cho năm mới, tôi lại về miền Tây và lần này Sóc Trăng là điểm đến của tôi. Là một trong hai tỉnh có nhiều người dân tộc Khmer nhất trong cả nước, tỉnh kia là Trà Vinh, Sóc Trăng cũng là nơi ba tộc người Việt, Hoa (chủ yếu là người gốc Triều Châu hay còn gọi là Tiều Châu), Khmer cùng chung sống, tạo thành những nét văn hóa riêng biệt nhưng đồng thời cũng tiếp biến lẫn nhau. Ước tính ở tỉnh Sóc Trăng có đến hơn 200 ngôi chùa của ba dân tộc này, trong đó có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng trong cả nước.

soc-trang-chieu-vang-1654917800-1656492829.jpg

Bản thân địa danh Sóc Trăng cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer. Tên gọi Sóc Trăng xuất phát từ chữ “Srok Kh'leang” trong tiếng Khmer. Srok tức là "xứ", "cõi" “vùng”, Kh'leang (còn viết là Khlé1ang) là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang có thể dịch nghĩa là xứ có kho chứa bạc. Có lẽ khi người Khmer gọi tên vùng đất này, họ đã xuất phát từ sự trù phú thịnh vượng của chính Sóc Trăng. Ngày nay sự trù phú, thịnh vượng vẫn còn ở lại với nơi này qua những khu du lịch sinh thái nặng trĩu cây trái, qua những vàng son lộng lẫy của những ngôi chùa Khmer, qua những đặc sản về ẩm thực mà nổi tiếng nhất có lẽ là những món như bánh pía và lạp xưởng cùng với bún nước lèo. Mỗi lần đến Sóc Trăng, tôi lại không thể cầm lòng trước những món ngon mang đậm dấu ấn của sự kết hợp ẩm thực của ba tộc người Việt, Hoa và Khmer.

soctrangchieuvang2-1654913480-1656492873.jpg
Chùa Khléang

Lần này đến với Sóc Trăng, nhân dịp đầu năm mới, tôi đến một loạt những ngôi chùa nổi tiếng ở đây. Đầu tiên tôi ghé chùa Khléang ở ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng. Chùa được gắn biển là một địa chỉ đỏ vì ngày xưa có nhiều sư sãi hoạt động cách mạng. Được xây dựng từ năm 1532, là ngôi chùa cổ nhất ở đây, du khách đa phần tìm đến chùa này vì tên chùa gắn liền với truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng. Như ở trên đã nói, Khléang (hay Kh’leang) có nghĩa cái kho, vựa, tượng trưng cho sự trù phú, giàu có của vùng đất này. Srok tức là xứ, là cõi. Srok Khléang là cõi, xứ kho. Theo thư tịch cổ của người Khmer thì vào giữa thế kỷ 16, có một viên quan tên là Tác khi làm quan tại đây đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do người dân quyên góp. Do đó ông đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srok Khléang, tiếng Khmer có nghĩa là "xứ có kho”. Khi người Việt tiến về phương Nam đi mở cõi, họ gọi trại âm ra là Sóc (Sốc) Kha Lang rồi Sốc Trăng và cuối cùng thành Sóc Trăng. Cũng trong thời gian ông Tác làm quan tại đây, vua Chân Lạp là Ang Chăn đã đi kinh lý qua vùng đất này. Nhận thấy vùng đất này chưa có nơi thờ Phật, vua Ang Chăn đã ra lệnh cho ông Tác phải xây dựng một ngôi chùa để dân chúng có thể đến đây cầu cúng, lễ bái. Ông Tác đã nhanh chóng huy động dân chúng đóng góp xây chùa và đặt tên chùa là Khléang theo tên vùng đất. Trải qua bao năm tháng, ngôi chùa đã được xây dựng thêm và trùng tu nhiều lần, trở thành một trong những ngôi chùa đẹp nhất tỉnh Sóc Trăng.

soctrangchieuvang3-1654913792-1656492908.jpg

Chùa được xây trên một nền đất cao, nhiều cây xanh bao bọc, đặc biệt là có nhiều cây thốt nốt. Chính điện có 12 cây cột gỗ to, sơn son thiếp vàng, vẽ nhiều hình ảnh nói về cuộc đời Đức Phật. Tường và trần cũng vẽ nhiều tranh ảnh về cuộc đời Đức Phật và những hoạt động Phật pháp. Nhưng nét đặc sắc của chùa không phải chỉ ở kiến trúc. Chùa vẫn mang nét kiến trúc đặc thù của chùa Khmer Nam Bộ, dù có lai chút Hoa - Việt. Nét đặc sắc của chùa là nơi đây có một ngôi trường dạy học chương trình phổ thông và cả chương trình Phật học Pali trung cấp có tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trường lớn, khang trang, có cả ký túc xá cho học trò. Tôi dừng chân hỏi thăm một ông lục (tức là sư theo tiếng Khmer). Ông lục có vẻ rất tự hào về ngôi trường và dẫn tôi đi thăm để hiểu thêm về những hoạt động của chùa. Với người dân Khmer, chùa không chỉ là nơi để thờ phụng, lễ bái đức Phật, mà chùa còn là trung tâm văn hóa với những hoạt động thiết thực. Hầu như ngôi chùa Khmer nào tôi đến cũng kiêm luôn việc dạy tiếng Khmer. Chùa Khléang ngoài việc tổ chức những lễ hội tôn giáo, còn là nơi tổ chức tết Chol Chnam Thmay (lễ mừng năm mới theo lịch của người Khmer thường vào giữa tháng tư dương lịch và kéo dài ba ngày, tết Dolta hay còn gọi là lễ cúng ông bà tổ tiên, tương tự như ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân của người Việt (tổ chức ba ngày từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 âm lịch), tết Ok Om Bok tức là tết cúng trăng (tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch), tương tự như lễ hội trung thu của người Việt, tổ chức đua ghe ngo…

Từ chùa Khléang tôi ghé tiếp ngôi chùa thứ hai là chùa Đất Sét, tên chữ là Bửu Sơn Tự, chỉ cách đấy khoảng 300m. Chùa của người Việt, nhưng mang dáng dấp lai kiến trúc Hoa. Ngôi chùa này nổi tiếng nhờ một vị cư sĩ đã qua đời, ông Ngô Kim Tòng. Chùa vốn là địa điểm tu tại gia của ông Ngô Kim Tòng, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Ông đã bỏ ra mấy chục năm ròng rã từ năm 1928 đến năm 1970 để tạc hơn 1000 pho tượng lớn nhỏ bằng đất sét. Chùa có ba cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6 m, ngang 1 m (chứa 200 kg sáp), được đúc từ năm 1940 và một cặp đèn nhỏ hơn (mỗi đèn chứa 100 kg sáp). Hiện nay hai đèn nhỏ nhất cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (cháy từ ngày 18-7-1970 đến nay). Chùa có thờ Bác Hồ. Trong chùa có đầy đủ cả Thanh Long, Bạch Hổ, Bạch Tượng bằng đất sét được tô màu. Chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ cả Khổng Tử, Lão Tử, Ngọc hoàng thượng đế… mang dáng dấp “tam giáo đồng nguyên”. Thật sự tôi không đánh giá cao về tính nghệ thuật của những pho tượng đất sét, nhưng đánh giá cao sự nhẫn nại, tỉ mỉ cùng như kiên trì tạc tượng của ông Ngô Kim Tòng, một người nông dân ít học. Đây có thể nói là một ngôi chùa của gia đình vì những thế hệ sau của ông Ngô Kim Tòng vẫn tiếp tục sở hữu và trông coi ngôi chùa này. Miền Tây có lắm dị nhân. Ông Ngô Kim Tòng cũng là một dị nhân. Tôi thích tính cách “không giống ai” của người miền Tây Nam Bộ. Nơi này có những thần đèn dời nhà cửa. Có những người đi xây cầu từ thiện, chế tạo máy móc làm nông nghiệp… Miền Tây đầy rẫy những phát minh của những ông “Hai Lúa”, điều mà chúng ta ít khi thấy được ở những nông dân miền Bắc, càng hiếm thấy ở những nông dân miền Trung.

soctrangchieuvang4-1654914189-1656492954.jpg
Chùa Đất Sét, tên chữ là Bửu Sơn Tự

Ngôi chùa thứ ba tôi dừng chân thì cực kỳ nổi tiếng: chùa Dơi (tiếng Khmer là chùa Wathseraytecho Mahatup, có nghĩa là: do phúc đức tạo nên). Theo thư tịch cổ trong chùa ghi lại, thì chùa được ông Thạch Út khởi công xây dựng năm 1569, là một trong những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Sóc Trăng. Năm 2007 Chùa Dơi đã bị cháy rụi và giờ được xây mới hoàn toàn. Trên tường chùa vẽ nhiều tranh về cuộc đời Đức Phật. Ra đời cách đây khoảng 400 năm, là một ngôi chùa cổ, nhưng chùa Dơi nổi tiếng vì là nơi trú ngụ của nhiều con dơi khổng lổ, có con sải cánh dài đến 1,5 m. Ban ngày chúng ngủ ở trên cây trong vườn chùa, tối mới bắt đầu đi kiếm mồi. Nghe bảo ngày xưa gần chùa có một quán thịt dơi nổi tiếng, nay không biết có còn không. Chùa Dơi làm tôi nhớ đến chùa Hang. Chùa Hang ở Trà Vinh, mấy chục năm về trước cũng có một đàn dơi trú ngụ, nhưng nay đàn dơi đã không còn, thay vào đó là một đàn cò trắng có đến cả ngàn con, chiều chiều bay về chùa đậu lại qua đêm.

Chùa Dơi không chỉ có dơi mà còn là nơi có những câu chuyện đậm màu sắc thần bí, chẳng hạn như những ngôi mộ heo năm móng trong chùa. Theo quan niệm của người Khmer, nếu heo mẹ sinh ra heo con có năm móng thì đấy là con heo thành tinh, sẽ hại người. Vì vậy người Khmer gửi những con heo năm móng vào chùa Dơi, nhờ nhà chùa nuôi giúp, heo chết đi thì được chôn cất tử tế xuống mộ. Hay chuyện vì sao những con dơi chỉ đậu ở những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài chùa và không bao giờ bay qua nóc chính điện vẫn được người dân ở đây lý giải là vì chúng muốn nương nhờ phúc lành của Phật.

Chùa thứ tư tôi đến cũng là một ngôi chùa đặc biệt. Đó là chùa Sà Lôn xuất phát từ tên gọi trong tiếng Khmer là Wat Sro Loun hay còn gọi là chùa Chén Kiểu, vì phía sau chùa có trang trí nhiều chén, đĩa kiểu bằng sứ. Chùa có kiến trúc rực rỡ, nhìn đặc trưng Khmer. Chùa Chén Kiểu vốn là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ năm 1815, có nhiều lần trùng tu nhưng đến năm 1980, do thiếu kinh phí để trùng tu tiếp cho nên các nhà sư nảy ra sáng kiến dùng các chén, đĩa kiểu để trang trí cho chùa. Nhờ vậy chùa trở nên nổi tiếng. Ở Đà Lạt cũng có một ngôi chùa tương tự, thậm chí còn lớn hơn và trang trí cầu kỳ hơn, gọi là chùa Ve Chai, tên chữ là chùa Linh Phước. Tuy nhiên khác với vẻ nhuốm màu tục lụy trần gian của chùa Ve Chai ở Đà Lạt, chùa Chén Kiểu vắng vẻ và thanh tịnh, không tấp nập ồn ào.

soctrangchieuvang5jpg-1654914608-1656492816.jpg
Chùa Dơi

Kiến trúc chùa của người Khmer khoáng đạt, không gò bó nặng nề như nhiều ngôi chùa Phật giáo Đại thừa. Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh có nhiều dân Khmer nhất, cũng là nơi có nhiều chùa Khmer nhất miền Nam. Chùa Khmer vàng son lộng lẫy với những khuôn viên rộng rãi, với những ông lục cười hiền từ, sẵn lòng trả lời những câu hỏi đến từ khách hành hương và khách du lịch, tạo cảm giác gần gũi với đời hơn. Người ta có thể thành tâm hướng Phật bằng nhiều cách và hệ phái Theravada phổ biến ở nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á cho thấy rằng hình ảnh của Phật giáo nguyên thủy vẫn tồn tại đâu đây.

Dành trọn một ngày thăm những ngôi chùa ở Sóc Trăng, tôi được ngắm những sắc vàng son rực rỡ của những mái chùa ánh lên cùng với nắng hoàng hôn. Sóc Trăng chiều vàng nghiêng bóng chùa, gợi nhớ về một thủa cha ông đi mở cõi, người Minh Hương di cư đến nơi này cùng với người dân Khmer bản địa. Ba tộc người quần tụ lại để tạo ra những nét văn hóa vừa truyền thống, vừa giao thoa, tiếp biến với nhau. Nhà văn hóa Nam Bộ nổi tiếng thế kỷ 20 Vương Hồng Sển với xuất thân ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer, người con của đất Sóc Trăng chính là tiêu biểu cho sự hỗn dung văn hóa của ba tộc người. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 người Pháp mang đến những nét văn hóa phương Tây đến vùng đất này và chính cụ Vương Hồng Sển đã ghi lại câu ca dao lý thú trong tác phẩm “Chuyện cũ ở Sốc Trăng”:

“Sốc Trăng hai tiếng mỹ miều

Nửa Miên, nửa Việt, nửa Tiều, nửa Tây”.

soctrangchieuvang6jpg-1654914943-1-1656493044.jpg
Chùa Sà Lôn

Ngày nay Sóc Trăng vẫn đẹp mỹ miều, nhưng đó là với tôi, còn với những người khác thì chưa chắc, nhất là với những người đang thất tình. Tôi nhớ một câu ca dao của vùng đất này:

“Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn

Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài

Về nhà sau trước không ai

Hỏi ra em đã theo trai mất rồi.”

Người ta thường yêu hay không yêu một vùng đất, một nơi chốn nào đó vì đó là quê hương bản thân hay là có người thương đang ở đó. Còn tôi, lãng du qua những miền đất chỉ vì là để lãng du và khao khát hiểu biết thêm, bởi vì cuộc đời là một cuốn sách, ai đi càng nhiều thì càng đọc được nhiều trang./.

Hà Thanh Vân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/soc-trang-chieu-vang-nghieng-bong-chua-a22115.html