Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ I)

Lần tìm trong tiềm thức, tôi trở về vành nôi đã chở che, ôm ấp, nuôi dưỡng mình. Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện) tại xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) ăn sâu, bám rễ vào tâm thức những ai đã và đang sống dưới mái đền linh thiêng, cổ kính. Nét đẹp ấy được tạc, khắc, chạm vào nơi đã lưu giữ hồn cốt văn hóa của một vùng - miền biển.

Mang trên mình một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, Tuần Thiện đàn là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.

Hồi ức

Tôi nhớ rất rõ, lúc còn nhỏ vẫn nom dậy sớm theo mẹ qua đền Thiện thắp hương cầu bình an, sức khỏe vào các ngày sóc, vọng. Ấy thế, mỗi lần trở về, đoái trông qua con sông Đào tắm mát bao thế hệ, tôi vẫn nhớ như in, từ đường đi cho đến cách bày trí trong đền. 

z3527546117969-e923206064a93f5f0b00aa0a53b424c3-1656431036.jpg
Cổng vào Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện) xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Nắng mùa hạ miền biển bỏng rát. Tìm về đền Thiện lúc chính Ngọ, tôi vô thức đến bên giếng đền, vái lạy các Ngài và xin được ghi lại những tấm hình - nơi mà tuổi thơ tôi đã gắn bó, lưu giữ. 

Tuần Thiện Đàn được xây dựng cuối thế kỷ XIX, trên một khu đất cao ráo, tọa Tây hướng Đông. Hiện nay, bốn phía chung quanh là khu dân cư trù mật. Đây là vùng có phong cảnh hữu tình, gắn liền với nhiều cảnh đẹp trong Đông Thành bát cảnh. Xa xa phía trước là “Bích hải quy phàm” (thuyền về cửa Bích). Phía bắc là “Bùng giang thu nguyệt” (trăng thu trên sông Bùng). Phía nam là “Cao Xá long cương” (gò rồng Cao Xá) chầu về. Phía tây là “Kiên sơn ngật lập” (Núi Hai Vai sừng sững) án ngự. Tuần Thiện đàn hội tụ đầy đủ nhất linh khí của đất, trời; phản chiếu bản tính thật thà, siêng năng, chịu khó, “ăn sóng nói gió” của những người con miền biển. 

Theo các tài liệu lưu tại di tích như hoành phi, câu đối, mộc bản, sách kinh, văn cúng… “Tuần” nghĩa là noi theo, tuân theo; “Thiện” nghĩa là tốt, lành… “Tuần thiện” nghĩa là noi theo điều thiện.  

z3527544644837-c207492f682a0ded746dda97d3cce56f-1656431156.jpg
Tuần Thiện Đàn được xây dựng cuối thế kỷ XIX, gắn liền với nhiều cảnh đẹp trong Đông Thành bát cảnh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đàn là một loại hình công trình tín ngưỡng truyền thống của người Việt, ví dụ như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên, đàn Tiên Nông, đàn Thanh Minh, Thiện Đàn… Đàn có thể để lộ thiên hoặc có các công trình nhà cửa. Có những loại đàn chỉ mang tính chất tạm thời như đàn cầu siêu, đàn cầu an… (những đàn này chỉ lập lên khi có việc cầu cúng, xong thì triệt giải). Tuy nhiên cũng có những đàn có quy mô lớn, xây dựng kiên cố, có lịch sử hàng trăm năm như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên và hệ thống các thiện đàn…

Đàn Thiện hay Thiện Đàn là tên gọi chung của những di tích do Hội Thiện lập nên nhằm giữ gìn phong hóa, khuyến khích điều thiện, tuyên truyền các tư tưởng yêu nước thương nòi, giải phóng dân tộc, ví dụ như: Hiếu Thiện Đàn, Cư Thiện Đàn, Lạc Thiện Đàn, Giác Thiện Đàn, Công Thiện Đàn, Khuyến Thiện Đàn... 

Và “Đền Thiện” là do người dân địa phương gọi chệch “đàn” thành “đền”.  

Lịch sử hình thành Tuần Thiện Đàn

Các thiện đàn vừa có ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo, vừa có ý nghĩa chính trị. Các nhà yêu nước đã mượn tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền chính trị nhưng sau lại “bị tôn giáo hấp dẫn mà tác động trở lại khiến ý thức lợi dụng lúc đầu đã bị chìm ngập vào không khí tôn giáo thực, kèm theo ý nghĩa chính trị”.

z3527544645490-935e239934dbd3a262477edf8fe73f6f-1656431332.jpg
Là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Việc lập thiện đàn để khuyến thiện là việc có từ lâu trong xã hội phong kiến nước ta, nó thường lẫn lộn với việc thờ cúng và cầu phúc, cầu tiên của Đạo giáo. Về bản chất, Thiện đàn chính là đạo quán của Đạo giáo dân gian. Đặc biệt, từ khi nước ta bị Thực dân Pháp xâm lược, các nhà nho bất hợp tác với giặc và triều đình, hoặc tham gia khởi nghĩa, hoặc về quê mở trường dạy học, hoặc lậpThiện đàn để bảo vệ cương thường, đạo lý.  

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đứng trước tình cảnh nước mất nhà tan, xã hội loạn lạc, phong hóa bị suy đồi, con đường cứu nước còn mù mịt, các sĩ phu yêu nước đã “cầu viện” đến “hồn thiêng sông núi, tinh anh dân tộc”. Họ thành lập các hội thiện tổ chức các đàn cầu cơ, cầu tiên mượn lời thánh huấn, thánh giáo của các bậc tiên thánh để dạy đời, cứu dân, trước là để giữ gìn thuần phong mỹ tục, sau là để thức tỉnh nhân tâm ái quốc, ái quần. 

Từ năm 1908 trở đi, sau khi phong trào Duy Tân (Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục) thất bại, trước cuộc đàn áp của chính quyền thực dân, các nhà nho ái quốc nhiều người đã rút lui sau hình thức thiện đàn để tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng ái quốc, do đó phong trào thiện đàn phát triển mạnh mẽ hơn trước nhiều. 

z3527561603087-a52a080d599d6150eefd4bcfb7ef3b06-1656431403.jpg
Thiện đàn là nơi truyền dạy những lời vàng ý ngọc khuyên đời cứu dân của các bậc tiên thánh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng phong trào thiện đàn có mặt ở hầu khắp các tỉnh. Đặc biệt là miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Như đền Ngọc Sơn, quán Trấn Vũ ở Hà Nội, thiện đàn Đồng Lạc, cung Thiên Trường, thiện đàn xã Hạc Châu, thiện đàn xã Hành Thiện (huyện Xuân Trường), thiện đàn xã Phương Để (huyện Trực Ninh) ở Nam Định đều là các trung tâm thiện đàn có tiếng ở miền Bắc...

Ở Nghệ An, phong trào thiện đàn cũng phát triển rất sôi nổi. Bởi xứ Nghệ là nơi sản sinh ra hàng ngàn nhà Nho yêu nước, cái nôi của các phong trào chống Pháp như Cần Vương, Đông Du, lại có các tư tưởng mới như Tân Thư, Tân Văn truyền vào. Thiện đàn là nơi truyền dạy những lời vàng ý ngọc khuyên đời cứu dân của các bậc tiên thánh. 

Các Thiện đàn ở Nghệ An có chung một đặc điểm là đề cao tư tưởng “tam giáo đồng tôn” hay “tam giáo đồng nguyên”. Đó là ba hệ tư tưởng lớn của phương đông thời bấy giờ là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Điều đó được thể hiện rất rõ trong nội dung các bài kinh giáng bút, trên hoành phi, câu đối, trong cách bài trí thờ phụng.

z3527561610331-426bf0c3bcb4e662a98f7aa3d0582afd-1656431499.jpg
Tuần Thiện đàn là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích. Ảnh: Nguyễn Diệu

Hoạt động của các Thiện đàn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc. Đây là một phong trào mang tính lịch sử, góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước thương nòi của nhân dân ta hồi đầu thế kỷ XX.  

Trong không khí sôi nổi của phong trào thiện đàn thời bấy giờ, Tuần Thiện Đàn ra đời như một sự hưởng ứng tích cực. Cư dân làng Lý Nhân nói riêng và xã Tiên Lý nói chung chủ yếu sống bằng nghề biển, thông qua hoạt động buôn bán bằng đường biển (chủ yếu buôn nước mắm và các loại hải sản). Từ xưa họ đã có điều kiện để giao lưu, thông thương với các vùng miền khác, đặc biệt là khu vực phía Bắc nên việc tiếp thu các tư tưởng mới cũng khá nhanh nhạy. Mặt khác, cuộc sống phụ thuộc vào biển cả, luôn có nhiều mối nguy hiểm rình rập trên sóng nước nên đời sống tâm linh của người dân ở đây cũng sâu đậm hơn những vùng khác. Đó là những điều kiện thuận lợi cho thiện đàn hình thành và phát triển. 

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tuan-thien-dan-den-thien-mach-nguon-van-hoa-mien-bien-ky-i-a22107.html