Hà Tĩnh: Nơi ghi dấu tích 33 em học sinh bị bom Mỹ sát hại

Di tích tội ác chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc (thuộc thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi khắc sâu tội ác chiến tranh man rợ của đế quốc Mỹ khi đã ném bom sát hại tại chỗ 33 học sinh, 24 em nhỏ bị thương vào năm 1966…

1-1656300353.jpg
Bia di tích tội ác chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc. Ảnh: PV

Những năm 1965 - 1966, bị thất bại liên tiếp và nặng nề của cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đem hàng vạn quân chiến đấu chủ lực vào chiến trường miền Nam. Đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Xã Hương Phúc và Hương Trạch (nay là Xã Hương Trạch) là điểm tận cùng của miền Tây - Nam huyện Hương Khê, giáp với tỉnh Quảng Bình; là điểm giáp ranh, tập kết hàng hoá, kho tàng vũ khí quân sự, là điểm dừng chân của bộ đội chủ lực trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam. Nơi đây có Quốc lộ 15A và đường mòn Hồ Chí Minh đi qua, là con đường chiến lược quan trọng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Với vị trí chiến lược, trọng yếu như vậy, cho nên đế quốc Mỹ đã phải sử dụng sức mạnh của bom đạn để tàn phá mảnh đất và con người ở đây. Những trận mưa bom, bão đạn đế quốc Mỹ liên tục được ném xuống, ruộng đồng, nhà cửa, làng mạc bị cày nát bởi bom đạn.

2-1656301287.jpg
Phần mộ của 33 học sinh bị máy bay của đế quốc Mỹ ném bom sát hại. Ảnh: PV

Năm 1966, huyện Hương Khê có một sự kiện làm chấn động cả thế giới. Theo cứ liệu lịch sử, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 09/02/1966 một tốp máy bay giặc Mỹ đã ném hàng trăm quả bom xuống khu vực xã Hương Phúc, có 6 quả bom rơi vào khu vực nhà trường; toàn bộ ngôi trường 2 gian bị bom Mỹ phá huỷ hoàn toàn, lớp học biến thành hố bom sâu; trong đó có 2 quả rơi trúng vào lớp 5A; các quả bom khác rơi xuống hầm trú ẩn, sách vở, giấy bút, dụng cụ học tập đều bị phá huỷ, nhuốm máu, vương vãi khắp nơi; không khí tràn ngập tang tóc, đau thương, xót xa, uất hận.

Sau tiếng bom dứt, lực lượng bộ đội, dân quân du kích, thầy cô giáo cùng nhân dân địa phương đã đến đào bới tìm kiếm, đến ngày hôm sau thi thể 33 học sinh mới được quy tập về đầy đủ. Chính quyền địa phương phối hợp với hội đồng nhà trường và gia đình các nạn nhân tổ chức lễ truy điệu, an táng, đồng thời quyết định để tang các em trong thời gian 3 tháng.

Tin giặc Mỹ giết hại học sinh trường cấp 2 Hương Phúc được truyền đi rất nhanh, gây nên một làn sóng căm phẫn trong nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sự căm thù giặc Mỹ xâm lược đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ, rộng khắp với các hoạt động phản đối chiến tranh, đòi đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam.

3-1656300354.jpg
4-1656300355.jpg
02 hố bom nằm trong khuôn viên khu di tích. Ảnh: PV

Ngày 12/02/1966, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức mít tinh, gửi kiến nghị lên Chủ tịch hội nghị Giơ - Ne - Vơ yêu cầu có biện pháp đòi đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh. Giáo viên, học sinh toàn miền Bắc lúc đó đã để tang học sinh Hương Phúc bị giết hại. Ngày 13/02/1966, Bộ ngoại giao nước ta đã ra tuyên bố cực lực lên án hành động vô nhân đạo tàn sát học sinh trường cấp 2 Hương Phúc ở Hà Tĩnh và đòi đế quốc Mỹ rút về nước.

9-1656300354.jpg
Máy bay Mỹ ném bom vào trường cấp 2 Hương Phúc ngày 09/02/1966. Ảnh tư liệu.

Hơn mười ngày sau (20/02/1966), đoàn đại biểu trường cấp 2 Hương Phúc gồm thầy giáo Thái Văn Nhậm, phụ huynh Trương Thị Vỹ và học sinh Nguyễn Thị Mão (sống sót trong trận bom ngày 09/02/1966; hiện nay cô Mão đang sinh sống tại thành phố Hà Tĩnh),... do ông Lê Sỹ Nghĩa, Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh làm trưởng đoàn ra Hà Nội họp báo tố cáo tội ác của giặc Mỹ trước đại diện các đoàn thể Trung ương và Hà Nội, các trường đại học và phổ thông, hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà báo trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, ngày 28/02/1966 đoàn vinh dự được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Thời gian gặp Bác kéo dài hơn dự kiến. Tại buổi gặp mặt, Bác rất xúc động, chia sẻ trước những đau thương mất mát đối với các gia đình có con em bị chết, ân cần động viên chỉ bảo, nhắc nhở thầy trò nhà trường phải vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dạy tốt và học tốt, và căn dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, Hương Phúc phải có nhiều thầy giỏi, trò giỏi. Riêng cháu Mão phải học giỏi để Bác khen”.

10-1656300355.jpg
Học sinh Nguyễn Thị Mão họp báo tố cáo tội ác man rợ của giặc Mỹ tại Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Năm 1969, xã Hương Trạch đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác. Để khắc ghi sự kiện lịch sử này, năm 1988, Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Khê, xã Hương Trạch đã xây dựng đài tưởng niệm ngay tại hai hố bom, nơi đã giết hại 33 em học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Quốc Hội - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: Địa phương đã và đang phát động kêu gọi nguồn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, các em học sinh; nguồn ngân sách nhà nước để trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục tại di tích. Đến nay mới được khoảng 1,5 tỷ đồng. 

Để khắc sâu tội ác chiến tranh và tưởng nhớ 33 học sinh đã mất, ngày 28/02/2001, Bộ Văn hoá và Thông tin đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-BVHTT xếp hạng chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc là di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-tinh-noi-ghi-dau-tich-33-em-hoc-sinh-bi-bom-my-sat-hai-a22083.html