Thầy giáo thương binh

Sau thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ thiết lập chiến lược “chiến tranh cục bộ” với mục đích nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực quân Giải phóng, “bình định nông thôn”. Chúng đã mở liên tiếp hai cuộc phản công chiến lược mùa khô: Đông - Xuân 1965 - 1966 và 1966 - 1967 bằng hàng loạt cuộc hành quân “tìm diệt” và "bình định”.

anh-tu-liej3636457889-1656075677.jpg
Lớp học trong chiến tranh (Ảnh mang tính minh họa)

Ở Quảng Trị, lúc bấy giờ chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, căm thù giặc Mỹ dày xéo mảnh đất quê hương, gieo rắc tang tóc đau thương cho bà con, theo tiếng gọi của Đảng, người thanh niên Phan Xuân Cảnh đang học dở lớp 9/10, chưa đầy 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu trả thù cho đồng bào bị địch giết hại. Ngày khoác ba lô lên đường, anh rạng rỡ niềm tin, hẹn trở về sum họp cùng gia đình. Sau khi nhập ngũ vào cuối năm 1966, anh lính trẻ Phan Xuân Cảnh được huấn luyện cấp tốc rồi biên chế vào Đại đội 3, Trung đoàn E229, Bộ Tư lệnh Công binh. Vào tháng 11-1967, trong lúc cùng đồng đội băng rừng, mở đường cho quân ta tiến sâu vào sào huyệt địch tại vùng Gio Linh, Quảng Trị, không ngờ bị pháo địch tập kích khiến nhiều đồng đội bị thương vong, anh bị thương nặng, phải cưa một cánh tay và một bàn chân, lúc này đôi mắt anh không còn nhận biết được ánh sáng nữa, chỉ nghe tiếng nổ uỳnh uỳnh… oàng oàng… rồi im bặt. Dù được đưa về Bệnh viện mặt trận cấp cứu qua cơn nguy kịch, nhưng do vết thương quá nặng nên anh được đơn vị cho chuyển ra Bệnh viện Quân y 103 - Hà Nội để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã không quản ngày đêm tận tình cứu chữa, rất may trả lại được đôi mắt cho anh và lắp cho anh chiếc chân giả. Từ đó, hàng ngày anh đi lại đọc sách, báo, nghe tình hình thời sự trên chiến trường.

Tết Mậu Thân năm 1968, khi hay tin chiến thắng của quân và dân ta trên khắp chiến trường anh mừng lắm. Lúc này vết thương cũng tạm ổn. Sau khi rời Viện Quân y 103 - Hà Đông, anh được chuyển về điều dưỡng tại Đoàn 70, Quân khu 4, đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù sức khỏe chưa hồi phục, nhưng anh không muốn viết thư về thăm gia đình và người thân, bởi đây là thời điểm đất nước rất khó khăn, chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nên anh tự an ủi mình an tâm điều trị, chờ ngày thống nhất đất nước sẽ trở về thăm quê hương, gặp lại bà con, bạn bè... Điều dưỡng ở Đoàn 70 một thời gian, anh được cấp trên chuyển ra phục vụ Trạm thương binh Đoàn 200, đóng tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Trong quá trình làm việc ở đây, anh đã tiếp xúc với nhiều thương binh nặng, thậm chí bị mù cả hai mắt, mọi hoạt động đi lại rất khó khăn. Anh nhận thấy hầu hết mọi người rất lạc quan, yêu đời và nhiều người trong số họ cũng đã lập gia đình, có vợ con, cuộc sống hạnh phúc nên đã giúp anh không còn tự ti mà càng thêm tin tưởng vào tương lai hơn.

Vết thương đã lành theo năm tháng, rồi một ngày thu đẹp trời, anh được cấp trên thông báo cho đi học Sư phạm tại thành phố Vinh. Niềm vui cứ thế dâng trào trong anh. Đó là ước mơ khát khao cháy bỏng của anh được trở thành thầy giáo sau khi hòa bình thống nhất, anh có dịp trở về quê hương dạy dỗ các em thơ. Nhớ lời Bác Hồ dặn: “Thương binh tàn nhưng không phế”, qua 3 năm học tập, rèn luyện, mặc dù kiến thức có phần rơi vãi, nhưng anh đã nỗ lực phấn đấu vươn lên. Được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và bạn bè trong lớp, anh đã đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Với tấm bằng đạt loại Giỏi, lại có thành tích trong chống Mỹ, đầu tháng 9-1969, anh được điều động về giảng dạy tại một huyện tuyến lửa miền Trung. Anh vừa là chủ nhiệm khối lớp 7 vừa dạy môn Văn, nhưng có chút năng khiếu chơi đàn Ghita từ thời học Sư phạm.

Ban ngày, do máy bay Mỹ ném bom, chúng tôi ngồi học trong chiếc lán được đắp bằng đất sét, bốn bức tường xung quanh có lối dẫn ra hầm chữa A để tránh bom và rốc-két của địch. Chúng tôi rất thương hoàn cảnh thầy vì một cánh tay và một bàn chân của thầy đã bỏ lại nơi chiến trường. Ngoài giờ học và những ngày nghỉ, Nguyễn Đức Quý - lớp trưởng phân công một số bạn có điều kiện đến giúp đỡ thầy. Chẳng bao lâu, tình cảm thầy trò chúng tôi càng trở nên thân thiết, gần gũi như anh em trong một nhà. Thầy Cảnh thường tâm sự: Quê thầy, nằm bên bờ sông Bến Hải hiền hòa và thơ mộng, nơi giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc, bom đạn cũng ác liệt như ngoài này. Trong trái tim thầy không bao giờ nguôi tắt nỗi nhớ da diết bố mẹ và người thân. Trong một lần đang làm nhiệm vụ cảnh giới cho bộ đội vượt sông sang bờ Nam, bất ngờ bị bọn địch phát hiện và bố thầy bị bắn chết tại chỗ. Nhà thầy neo người chẳng có ai làm đám, dân làng đưa về chôn cất tại nghĩa trang của thôn. Từ khi bố mất, mẹ thầy lầm lì ít nói, ốm yếu, chính quyền cách mạng động viên mẹ và cho đứa em gái út đi tập kết ra miền Bắc, nghe đâu em nó được một gia đình ở vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa nhận về làm con nuôi. 

Từ hoàn cảnh đó, thầy rất tận tụy với công việc, đêm đêm, thầy ngồi trong hầm chữ A, với chiếc đèn dầu gắn trong ống bơ chỉ vừa đủ ánh sáng lọt qua khe nhỏ, thầy chăm chú soạn từng trang giáo án cho ngày mai. Có những hôm chúng tôi tổ chức học nhóm mời thầy đến phụ đạo, thầy vui vẻ nhận lời không một chút đắn đo, suy nghĩ. Nhiều lúc thầy thức đến một, hai giờ sáng, với tâm niệm: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Hồi đó, hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đời sống cán bộ, giáo viên rất thiếu thốn, nhưng thầy đã tự mình trích một phần tiền lương mua sách, vở, giấy bút cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hoặc bố mẹ hy sinh vì bom đạn của giặc Mỹ. Tuy dăm ba cuốn sách không đáng kể, nhưng ẩn chứa bao nhiêu tình cảm sâu nặng đối với học trò. Trong lớp có bạn ốm đau mấy hôm không đi học, thầy đã tự mình đến trạm xá của xã để xin thuốc đem đến nhà và hướng dẫn các em học lại bài cũ. Với những nghĩa cử cao đẹp như vậy, thầy Phan Xuân Cảnh luôn được mọi người quý mến. Biết rằng, cuộc đời của mình sẽ không bao giờ có cơ hội lành lặn như bao người khác, nên bước đầu thầy cũng bi quan, chán nản, nhưng với tinh thần người lính “Cụ Hồ”, thầy đã xác định lại tư tưởng sẵn sàng cho một cuộc sống mới không vợ, không con, không gia đình để đợi đến ngày về với những người đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Thương thầy ở một mình vất vả, mọi công việc nặng nhọc đều đến tay, bạn bè đồng nghiệp tìm cách vun vén, làm mối cho thầy một cô giáo ở làng trên. Khi bạn bè dẫn thầy đến gặp, cô giáo e thẹn đỏ mặt không nói năng gì, nhưng nhìn thấy cử chỉ của thầy thương tật đầy người, cô giáo thương lắm. Bố của cô cũng thương tật như vậy, khiến tâm trạng cô lúc đó vừa bồi hồi lo lắng vừa rạo rực khó tả… Mặc dù, cô cũng đã từng nghe mọi người gièm pha “Què một chân, cụt một tay lấy nhau thì ôm nhau mà chết đói”. Bố mẹ cô thì không hề phản đối, nhưng cũng lo lắng cho cô lắm. Tuy nhiên, cô và thầy đã yêu thương nhau thì không có gì ngăn cản được. Thế rồi, trời xe duyên cho thầy gặp được cô giáo trẻ Thu Hương, chủ nhiệm khối lớp 1. Tốt nghiệp trường Sư phạm thị xã Hà Tĩnh giữa lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, lẽ ra cô được miễn đi nghĩa vụ quân sự vì bố đang nằm điều trị tại Trại điều dưỡng tỉnh Nghệ An, nhưng Thu Hương đã cùng bạn bè viết đơn tham gia đội Thanh niên xung phong, thuộc Tổng đội 559, trên con đường huyết mạch giao thông 15 A, Khe Giao - Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ngay từ những phút giây ban đầu, thầy rất có cảm tình với người con gái Hương Sơn, nơi anh đã được chăm sóc, chữa bệnh tại Đoàn 70, Quân khu 4, khi chuyển từ chiến trường Quảng Trị ra.

Đám cưới của thầy và cô giáo trẻ Thu Hương được tổ chức giản dị, nhưng vô cùng đầm ấm tại Văn phòng hội họp của nhà trường. Mọi người đến chúc mừng đông đủ. Từ mờ sáng, chúng tôi rất háo hức, ngoài những món quà tặng phẩm cho đám cưới, đứa nào cũng thích đăng ký hát tặng thầy cô trong ngày vui trọng đại này. Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, xong chuyện trăm năm thầy cô lại lao vào công việc “trồng người”. Một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Ai cũng phải trầm trồ thán phục về chuyện tình như mơ và hạnh phúc mái ấm của cặp vợ chồng thương binh bị cụt cánh tay, người vợ là cô giáo Trần Thị Thu Hương, nơi vùng quê nghèo miền Trung. Tết năm ấy, chúng tôi đến chúc mừng thầy cô, mỗi đứa chung nhau mấy quả cam và dăm ba chiếc bánh chưng làm cho thầy cô vô cùng xúc động. Cô Thu Hương kể cho chúng tôi nghe: Sau ngày cưới, vừa ở với nhau được 3 tháng thì vết thương cũ của thầy lại tái phát. Nhiều đêm ngồi soạn bài, thầy kêu đau, cô động viên thầy trở lại đơn vị an dưỡng, nhưng thầy bảo phải cố gắng vì khối lớp 7 sắp thi chuyển cấp đòi hỏi thời gian. Lúc này, cô biết mình đang mang thai đứa con đầu lòng, tâm trạng lo lắng bởi với người phụ nữ bình thường bụng mang dạ chửa đã vất vả, trong lúc chồng mình bị khuyết tật như vậy nhưng không thể bỏ học sinh. Nghĩ đến tương lai, cô khấp khởi mừng thầm, chờ đợi đứa con chào đời, cô động viên, an ủi thầy yên tâm công tác. Mặc dù phải "vượt cạn" trong hoàn cảnh quá sức tưởng tượng, nhưng nhờ được sự giúp đỡ của anh em cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường, cô giáo Thu Hương đã sinh hạ đứa con gái đầu lòng trong niềm vui vỡ òa, đặt tên là Phan Thu Huệ. 

Sau Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, nhưng ở miền Nam từng ngày, từng giờ chiến tranh vẫn xảy ra. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đứa lên đường vào Nam chiến đấu, đứa ở lại hậu phương sản xuất lương thực chi viện vào tiền tuyến, một số bạn thi đỗ đại học, cao đẳng tiếp tục vào giảng đường. Tạm biệt quê hương, tạm biệt mái trường, chúng tôi đến chia tay thầy cô trong cái nắng miền Trung, trời nóng như đổ lửa, gió Lào thổi bỏng da, bỏng thịt. Ấy vậy, mà trong lòng tôi vẫn cảm thấy dịu mát hẳn lên bởi được hòa lẫn trong không khí vui tươi hạnh phúc của cô giáo Thu Hương và thầy giáo thương binh Phan Xuân Cảnh. Thấy đoàn chúng tôi đến, Cô Hương ôm chầm từng đứa và mừng rỡ khoe: Thầy cô mới có thêm thằng con trai sau này nối nghiệp bố nó cho đi bộ đội, con bé lớn theo mẹ làm giáo viên. Giữa trời trưa bóng tròn, chúng tôi nắm chặt bàn tay thầy cô trong nỗi buồn luyến tiếc…

Giờ đây sống xa quê hương, xa thầy cô, bạn bè, nhưng có giây phút nào tôi không nhớ về cội nguồn, nơi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, cũng như công ơn cha mẹ nuôi con khôn lớn. Thầy cô dạy dỗ ta qua bao ngày, tháng để có chút kiến thức trong công tác sau này. Với tôi, trong ký ức tuổi thơ, còn giữ mãi một kỷ niệm thấm đẫm tình người về: “Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương/ Bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò/ Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm… Cho hôm nay…” ./. 

Nguyễn Duy Hiếu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thay-giao-thuong-binh-a22062.html