Người “đánh thức” những mảnh ruộng hoang

Nông dân Lê Ngọc Tất (phố 5, phường Tào Xuyên, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được biết đến với biệt danh lão “gàn” khi ông đi đến từng nhà có ruộng bỏ hoang xin được cải tạo, làm ruộng. Giờ đây, những mảnh ruộng mà ông Tất “đánh thức” đã được phủ xanh bởi những vườn rau, cây ăn quả cho thu nhập cao…

img-1757-1656060559.JPG
Ông Lê Ngọc Tất - người cóp nhặt những mảnh ruộng hoang

Những ngày này, gia đình ông Tất đang bận bịu thu hoạch 5 sào ruộng lạc. Để tránh nắng nóng 40 độ C, vợ chồng ông Tất đi ra đồng từ 4 giờ sáng. Với 5 sào lạc của vợ chồng ông Tất sẽ cho sản lượng khoảng 7,5 tạ lạc tươi, với giá bán 30 nghìn đồng/1 kg, ông Tất sẽ thu về hơn 20 triệu đồng.

Ông Tất cho biết, khi các khu công nghiệp về địa phương, người người nhà nhà đi tìm việc làm mới ở các khu công nghiệp nhiều gia đình không có nhân lực làm nên ruộng bị bỏ hoang. Nhìn thấy thửa ruộng từng 1 thời là “bờ xôi ruộng mật” bị cỏ xâm chiếm, đất đai trở nên cằn cỗi ông buồn trong lòng.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, trằn trọc, ông quyết định đi đến từng nhà dân có ruộng quanh nhà để xin được làm ruộng. Từ lúc chỉ có 1,2 đám ruộng bên cạnh đến giờ ông Tất đã cải tạo được hơn 2ha cánh đồng bỏ hoang.

img-1755-1656060380.JPG
Những mảnh ruộng hoang ngày nào đã được phủ xanh bởi rau, cây ăn quả

Nhớ về những ngày đầu cải tạo những thửa ruộng hoang, ông Tất cho biết, việc cải tạo ruộng ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhiều thửa chỗ cao, chỗ thấp; có thửa bị bỏ lâu năm cỏ mọc um tùm dẫn đến việc cải tạo mất nhiều thời gian và chi phí. Gia đình ông phải đầu tư máy cắt cỏ, thuê người cắt cỏ, xới đất, đầu tư bạt để ủ cỏ tạo thành phân,… sau nhiều lần cải tạo đến nay những mảnh đất hoang trở nên màu mỡ, trồng cây nào cũng hợp, cho năng suất cao.

Để thuận lợi cho việc cách tác trên 2ha đất nông nghiệp, ông Tất đã bàn với vợ mua máy bơm nước, kéo điện từ nhà ra để thắp sáng cho rau màu, đầu tư máy cày, máy kéo,… Theo ông Tất dù mất nhiều tiền cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho nông nghiệp nhưng ngày ngày nhìn thấy cây cối trong vườn xanh mướt, đơm hoa, kết trái, cho thu nhập khiến ông có thêm động lực để làm.

Mùa nào thứ ấy, ông Tất sử dụng khoảng hơn 1 ha trồng các loại rau như rau muống, rau ngót, mồng tơi, cà chua; khoảng 0,5 ha diện tích trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, lạc, đậu; phần diện tích đất còn lại ông trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, mít thái, na,…

Ông Tất cho biết, vào thời điểm rau đắt giá thương lái đến tận vườn rau của ông để đặt mua hàng. Còn bình thường, vợ chồng ông thay nhau mang lên chợ đầu mối để nhập. Mỗi chuyến xe lên chợ đầu mối mang lại thu nhập 300 - 400 nghìn đồng.

Ông Tất bảo mình là chi hội trưởng chi hội nông dân mình làm gương cho các hộ. Nhiều hộ thấy ông Tất yêu đồng, yêu ruộng cũng không để ruộng hoang, cố gắng cấy lúa, rồng rau vừa là kiếm thêm thu nhập, vừa có lúa, gạo sạch để dùng. Với cánh đồng hơn 2ha, sau khi trừ hết chi phí, công sá, gia đình ông Tất thu về khoảng hơn 200 triệu đồng.

Ông Lê Xuân Thành - Phó Hội nông dân phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa cho biết, nhiều năm nay nguồn lao động trẻ ly hương đi xa lập nghiệp hoặc xin làm công nhân ở khác khu công nghiệp, các cơ sở gói nem rất phổ biến nên tình trạng đồng ruộng bị bỏ ruộng có chiều hướng gia tăng. Làm việc tại khu công nghiệp người lao động có thu nhập cao hơn làm ruộng, lại không lo thất thu do thiên tai hay được mùa, mất giá.

Tuy nhiên, với bản tính siêng năng, cần cù và rất yêu đồng ruộng, thích trồng cây, ông Tất đã biến những thửa ruộng khô cằn, chỉ có cây cỏ thành cánh đồng cho thu nhập cao. Chính ông Tất cũng đã làm “lan tỏa” tình yêu ruộng đồng, nhiều hộ dân đã thấy được thu nhập từ cánh đồng của ông Tất mà không bỏ ruộng hoang.

Hồng Hạnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-danh-thuc-nhung-manh-ruong-hoang-a22061.html