Huế - điểm sáng du lịch Việt

Bằng việc thay đổi chất lượng dịch vụ và đa dạng các sản phẩm du lịch, Huế đã trở thành điểm đến sáng giá của du lịch Việt Nam thời hội nhập.

Đánh thức tầng sâu văn hóa

Đứng ở lầu Ngũ Phụng - nơi các nghệ nhân đang hoàn thành những hạng mục cuối của giai đoạn 1 Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn (Đại nội Huế) - nhìn xuống sân điện Thái Hòa mới 8 giờ sáng nhưng xe điện, xe ngựa đã tấp nập hoạt động đón khách du lịch. Khung cảnh cứ thế kéo dài đến chiều tối mỗi ngày, các đoàn khách liên tục được các hãng du lịch lữ hành trong và ngoài nước mua vé đưa qua cổng Ngọ Môn để vào Đại nội Huế tham quan, tìm hiểu các di tích vừa được trùng tu, tôn tạo như: Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, lầu Tứ Phương Vô Sự...

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Từ năm 1996 đến nay, được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, đã có gần 100 công trình di tích ở cố đô Huế được phục hồi, trùng tu tôn tạo; hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp theo đúng các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế và được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Qua đó giúp di sản Huế vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước hồi sinh, diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần được hồi phục, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách trong nước và quốc tế”.

 
 
Du khách tham quan Đại nội Huế.

Song song việc đầu tư tôn tạo các công trình kiến trúc đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, bằng những thay đổi mạnh mẽ trong chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch thời gian gần đây, Huế đã trở thành điểm đến sáng giá của du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Trong đó, có tour hướng dẫn du khách trải nghiệm tay nghề nông nghiệp hay thợ thủ công ở các làng nghề truyền thống là một hướng đi riêng. Anh Trần Hùng, hướng dẫn viên du lịch tại Huế chia sẻ, cùng với làng hương (nhang) Dương Xuân Thượng chỉ dẫn khách du lịch trải nghiệm qua cách xe hương thì nhiều làng nghề truyền thống khác tại Huế cũng ăn nên làm ra nhờ biết tạo ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch như nón Thúy (Phủ Cam), hoa giấy (Thanh Tiên), đan lát Bao La… Đây được xem là cách “né tránh” thời khủng hoảng thay vì quanh quẩn khai thác các tuyến du lịch cũ để hạ giá chất lượng dịch vụ giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, cách làm này không chỉ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu tầng sâu văn hóa mà họ còn trực tiếp thực hiện các thao tác tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống ở những ngôi làng cổ, cách xa đất nước họ cả hàng ngàn cây số để mang về nước làm quà và khoe với người thân và bạn bè do chính đôi tay họ làm ra. Đó là cái hồn của du lịch Huế với hàm lượng văn hóa cao cùng thế mạnh từ các di sản.

Liên kết để hút khách

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra thời cơ và đặt ra thách thức cho ngành du lịch của tỉnh. Du lịch Thừa Thiên - Huế lựa chọn hướng phát triển bền vững, trong đó tập trung khai thác thế mạnh du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái trên cơ sở khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc các loại hình văn hóa truyền thống. Ngoài việc tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, xúc tiến các hoạt động mời các đoàn Famtrip (tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Bắc Mỹ đến khảo sát thị trường Huế, chủ động tổ chức các kích hoạt thương hiệu tại TPHCM, Hà Nội… thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng để đón và phục vụ khách du lịch trong điều kiện tốt nhất.

Trước mắt, Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với Công ty NewGen Airways (Thái Lan) thử nghiệm, chuẩn bị đưa vào khai thác đường bay trực tiếp từ Bangkok đến sân bay Quốc tế Phú Bài (TP Huế) và ngược lại theo hình thức charter flight (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành). Phía NewGen Airways cam kết bay thử nghiệm và bù lỗ trong vòng một năm. Nếu đường bay này thành công sẽ đẩy mạnh việc khai thác, quảng bá du lịch Huế. Đặc biệt, để xây dựng cảng Chân Mây trở thành một trong những điểm dừng chân cho các hãng tàu du lịch quốc tế, Công ty TNHH Một thành viên Cảng Chân Mây đang tập trung hoàn thành dự án đầu tư nâng cấp Bến số 1 tại thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án thực hiện với mức đầu tư 310 tỷ đồng nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu dài 348m, dung tích toàn phần 158.000 GT và hạng Oasis dài 360,3m, dung tích toàn phần 225.282GT. Ngoài ra, Tập đoàn Royal Caribbean International (RCI) và Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (cơ quan chủ quản cảng Chân Mây) vừa ký kết biên bản đầu tư nâng cấp cảng Chân Mây. Theo đó, RCI sẽ đầu tư 5 triệu USD để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại cảng Chân Mây đủ điều kiện đón các tàu chở khách trọng tải lớn chở từ 4.000 - 5.000 khách và có chiều dài hơn 360m của RCI.

Với những hướng đi và cách làm riêng, du lịch Huế phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó có gần 2 triệu lượt khách quốc tế.

Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, địa phương đã đón khoảng 1.580.000 lượt khách, tăng 1% so cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch quốc tế lưu trú đạt 412.000 lượt, tương đương cùng kỳ năm 2014 (cả nước giảm 12% so với cùng kỳ năm 2014). Doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Theo Văn Thắng/SGGP Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hue-diem-sang-du-lich-viet-a2202.html