Đền thờ danh tướng Hoàng Lục - địa chỉ văn hóa giáo dục truyền thống yêu nước

Đền thờ danh tướng Hoàng Lục nằm ở xóm Đoỏng Luông - Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), được người dân xây dựng từ thế kỷ XI để thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục nhằm giáo dục tình yêu nước, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

cao-bang-14622-1655427503.jpg
Du khách đến dâng hương tại Đền thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục. 

Chị Vi Thị Thảo, cán bộ văn hóa xã Đình Phong cho biết: Tương truyền, tướng quân Hoàng Lục là một tù trưởng người Tày, sinh vào thế kỷ XI tại vùng Lũng Đính, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh). Ông là người tài giỏi, am hiểu sử sách, tinh thông binh pháp. Năm 18 tuổi, ông đã được cử làm thổ tù cai quản một vùng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai, thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt, tướng Hoàng Lục đưa quân đánh vào đất Tống, đột phá nhiều thành trì, đập tan các căn cứ hậu cần phục vụ cuộc chiến xâm lược Đại Việt của giặc. Khi quân Tống tiến vào nước ta, với lối đánh du kích táo bạo, đội quân do ông chỉ huy đã đánh phá phía sau và gây tổn hao nhiều sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc. 

Với công lao to lớn đó, ông đã được triều đình phong là An Biên tướng quân và giao trấn giữ một dải biên ải rộng lớn từ Cao Bằng đến tận Lạng Sơn ngày nay. Để ghi nhớ công lao khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay tại quê hương Lũng Đính.

Chị Vi Thị Thảo cho biết thêm, Đền thờ danh tướng Hoàng Lục gồm 2 ngôi nhà cấp 4 với diện tích khoảng hơn 100m2 sắp theo hình chữ “Nhị”.  Đền lợp mái ngói âm dương, kèo làm bằng tre, gỗ. Đặc biệt, ngôi đền vẫn giữ được những bức tường trình bằng đất sét như lúc xây dựng. Theo các cụ xưa kể lại, khi xây dựng người dân đã dùng đất sét trộn mật mía đường phên, đóng khuôn ván sau đó dập, nện hỗn hợp đất đó tạo thành các bức tường xung quanh.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, ngôi đền vẫn còn đó bên dòng sông Quây Sơn như một địa chỉ văn hóa, lịch sử của đất nước. Ông Hà Đình Toàn, người dân xóm Đoỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong cho biết, hàng năm, ngày 28/2 âm lịch, bà con đến lễ rất đông. Gia đình ông sống ở gần Đền nên cứ vài ngày lại lên thắp hương cho danh tướng Hoàng Lục. Tự hào về một vị một tướng quân trấn giữ biên cương, người dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh; tham gia các phong trào đảm bảo an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia…

cao-bang1-14622-1655427544.jpg
Đền thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục. 

Ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đình Phong khẳng định, hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của việc bảo vệ chủ quyền đất nước, mỗi khi đất nước nguy nan, lớp lớp người dân xã Đình Phong đã xung phong lên tuyến đầu. Chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, địa phương đã có gần 100 con em hi sinh, hàng trăm thương bệnh binh đang mang trong mình những vết thương chiến tranh… Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền xã luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền truyền thống cách mạng, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, động viên nhân dân ra sức lao động sản xuất làm giàu cho bản thân, quê hương đất nước.

Hàng năm vào ngày tưởng nhớ tướng quân Hoàng Lục, nhiều con em xã Đình Phong xa quê vẫn luôn hướng về cội nguồn và có những đóng góp tích cực góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu mạnh. Ngôi đền cũng đang dần trở thành địa chỉ quen thuộc với du khách mỗi khi đến viễn cảnh Cao Bằng. Đến xã Đình Phong, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên của một vùng quê non nước hữu tình; trải nghiệm cuộc sống yên ả của người dân ven dòng Quây Sơn nên thơ; đặc biệt là được thắp nén hương tưởng nhớ những người có công đóng góp trong bảo vệ biên cương Tổ quốc...

Với nhiều ý nghĩa lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước, năm 2004, Đền thờ danh tướng Hoàng Lục được UBND tỉnh Cao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Theo TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-tho-danh-tuong-hoang-luc-dia-chi-van-hoa-giao-duc-truyen-thong-yeu-nuoc-a22015.html