Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ tờ báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập

Để phục vụ cho đường lối cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, cảnh tỉnh, định hướng Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 21-6-1925, số báo đầu tiên của tuần báo Thanh niên ra đời - đây là tiếng nói của Báo chí cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đến nay đã trải qua 97 năm với những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ…

01-1-1655351985.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu. TTXVN

Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân

Theo Lênin “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung” cho cách mạng…

Xác định vai trò quan trọng của báo chí đối với phong trào đấu tranh cách mạng, cuối năm 1924, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị, đồng thời mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú để làm nòng cốt cho cách mạng sau này.

Sau thời gian chuẩn bị, Người chủ trương xuất bản báo Thanh niên, ra số 1, ngày 21- 6-1925. Đây là một phương thức hoạt động hoàn toàn mới lạ: vừa tổ chức, huấn luyện, vừa ra báo. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng từ khi ra đời được cắt nghĩa đơn giản mà lớn lao: Tuyên truyền để giai cấp biết mục đích của cách mạng (Án Nghị quyết ngay sau khi thành lập Đảng), gắn với tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh không khoan nhượng với các lực lượng đối lập, bảo vệ lý tưởng cộng sản.

Tổng quan lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy, cùng với những thăng trầm của lịch sử, mỗi chặng đường mà Báo chí cách mạng Việt Nam đi qua đều gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc. Đó là quá trình từ khi vận động thành lập Đảng, tới huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930, cổ vũ nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 Báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đi vào các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước thu giang sơn về một mối (30/4/1975), cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…

Từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo chí cách mạng Việt Nam qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự phát triển mạnh mẽ. Tính tới ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó: 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử, 114 báo và 116 tạp chí thực hiện 02 loại hình; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình (64 đài địa phương, 02 đài phát thanh và truyền hình quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng). Với lực lượng hùng hậu, gồm: 17.161 người được cấp thẻ nhà báo, trên 40.000 người công tác tại cơ quan báo chí, trên 27.000 hội viên hội nhà báo sinh hoạt ở 288 đơn vị cấp hội (63 hội nhà báo địa phương, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc Trung ương).

Nhiều loại hình báo chí, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhằm hướng đến nhiều đối tượng đã xuất bản bằng tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ trong và ngoài nước,…

Ngày nay, báo chí cách mạng tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân, đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, địa phương; ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội…

1-bao-chi-cach-mang-viet-nam-1655341092-1655352017.jpg
Bác Hồ với các phóng viên báo chí; và Báo Thanh niên số ra ngày 03-10-1926 (Ảnh: Tư liệu)

Phấn đấu không ngừng vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Đối với tỉnh Kiên Giang, hiện nay có 73 nhà báo, 231 hội viên hội nhà báo, hàng trăm người làm báo đang công tác hoặc cộng tác tại 03 cơ quan báo chí (Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Tạp chí Chiêu Anh Các), 15 đơn vị truyền thanh cấp huyện, trên 140 trạm truyền thanh cấp xã và cơ sơ, hàng chục trang - cổng thông tin điện tử của các sở, ban ngành cấp tỉnh và huyện. Báo Trung ương hiện có tại địa phương gồm: 05 văn phòng đại diện, 22 phóng viên thường trú, 15 phóng viên thường xuyên (chưa đăng ký thường trú). Với một số thành tích trong 5 năm qua, như đạt 01 giải C- Giải Búa Liềm Vàng; 01 giải C và 02 giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia,…

Tỉnh luôn xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp người làm báo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và hàng đầu, nhằm góp phần để các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích để người làm báo không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phục vụ tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình là nhằm góp phần xây dựng hoạt động báo chí của địa phương theo phương châm hành động: “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”.

Thời gian qua, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên được tham gia học tập chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật, đồng thời kịp thời triển khai, phổ biến các văn bản của của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí trong tình hình mới đạt trên 98% người làm báo tham gia học tập.

Trong bối cảnh chung, thời gian qua hoạt động báo chí của tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn do vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện truyền thông mới, doanh thu giảm sút không chỉ với báo in mà ngay cả phát thanh - truyền hình,… do sự thay đổi về hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng, đã đặt ra nhiều thách thức.

Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng, đội ngũ người làm báo tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân; đã tăng cường thông tin về người tốt- việc tốt, những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, những thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới…; đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, nhiều nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt và kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch… đã làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Nhân kỷ niệm 97 năm này Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2022, Hội Nhà báo đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như: Đã tổ chức cho gần 40 nhà báo, phóng viên, hội viên về thăm căn cứ Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh Rạch Giá trong kháng chiến chống Mỹ tại xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng và căn cứ đóng quân của Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh Rạch Giá tại xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận; thăm Khu di tích Ranh Hạt - nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang; viếng Nghĩa trang liệt sĩ Cây Bàng, và nhiều hoạt động tri ân khác. Qua đó đã tạo điều kiện cho các nhà báo - nguyên là phóng viên chiến trường trở lại thăm vùng căn cứ xưa; là dịp để các nhà báo, phóng viên thế hệ hôm nay tìm hiểu, tri ân những khó khăn, mất mát trong hoạt động tác nghiệp báo chí của thế hệ trước, đồng thời trải nghiệm, nắm bắt tư liệu, hình ảnh để sáng tạo tác phẩm mới, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố Rạch Giá, tổ chức Hội thao cho hơn 200 người làm báo đến từ các cơ quan báo chí; trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh các huyện, thành phố, những người lao động các doanh nghiệp viễn thông và thiết bị viễn thông trong tỉnh; cán bộ biên tập, phóng viên thường trú tại tỉnh Kiên Giang tham dự. Qua Hội thao là địp để những người làm báo, các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng thêm đoàn kết, giao lưu, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, rèn luyện sức khỏe để tiếp tục cống hiến…

Tổ chức họp mặt, khen theo chuyên đề năm 2021 tổng kết năm 2022 cho 16 cá nhân,… Đồng thời, qua phát động Giải báo chí tỉnh Kiên Giang năm 2022, Ban tổ chức cấp tỉnh nhận được 122 tác phẩm của 84 tác giả thuộc các loại hình báo chí: Báo in-Báo Điện tử, Phát thanh, Truyền hình; Phóng sự ảnh và Ảnh tin. Có 38 tác phẩm vào chung khảo. Cũng trong chuỗi hoạt động này sẽ trao 05 giải nhất, 08 giải nhì, 12 giải ba và 13 giải khuyến khích cho những người làm báo tỉnh Kiên Giang.

Phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục tổ chức, xây dựng đội ngũ những người làm báo tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển hơn nữa, Nhà báo Lê Thành Phương- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Thời gian tới, vượt qua những khó khăn, thách thức, người làm báo nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục nhận thức đầy đủ vai trò, tính chất nghề nghiệp của mình, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện không ngừng, đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Trần Quốc Giang - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-chi-cach-mang-viet-nam-ra-doi-tu-to-bao-thanh-nien-do-lanh-tu-nguyen-ai-quoc-sang-lap-a22002.html