PV: Thưa bà, hiện nay đang có tranh chấp về mặt tên gọi tiếng Việt cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa hai đơn vị là công ty Minh Khang và công ty Sen Vàng. Từ góc độ pháp lý, với vai trò là luật sư, thành viên của Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, bà nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
Luật sư Thu Hà: Đầu tiên chúng ta phải xác định xem, tranh chấp ở đây là gì? Trên truyền thông các bên nói rất nhiều về những yếu tố liên quan đến nội dung chương trình, format chương trình rồi về mặt thương mại. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận rõ, tranh chấp này hoàn toàn không liên quan đến nội dung, kịch bản hay format của chương trình, cũng không liên quan đến tên gọi bằng tiếng Anh của 2 chương trình, một bên là Miss Grand International và một bên là Miss Peace International. Tranh chấp chỉ nằm duy nhất 1 yếu tố, đó là phần tên tiếng Việt của 2 chương trình: cụm từ Hoa hậu Hòa bình Quốc tế hoặc là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Với góc nhìn và phạm vi tranh chấp như vậy, tôi sẽ đưa ra ý kiến của mình liên quan đến những điểm mạnh điểm yếu của cả hai bên, trước hết là Sen Vàng và sau đó là Minh Khang.
Thứ hai là, bên Sen Vàng có đưa ra một đăng kí nhãn hiệu được cấp bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, đó là đăng kí số 384154 (chúng tôi đã tiến hành tra cứu trên trang web của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã được cấp đúng). Tuy nhiên đăng kí nhãn hiệu này được cấp cho cụm từ “Miss Grand International” và trong đăng kí nhãn hiệu này hoàn toàn không có bất kì một cụm từ nào có liên quan đến “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” hay “Hoa hậu Hòa bình Quốc tế” bằng tiếng Việt. Chính vì vậy, Sen Vàng đưa ra chứng cứ này để cho rằng họ có quyền sử dụng đối với cụm từ “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” thì tôi cho rằng đây cũng không phải một căn cứ vững chắc.
PV: Về mặt ngữ nghĩa, tôi thấy nếu Miss Grand International mà dịch ra là Hoa hậu Hòa bình cũng không hợp lí lắm?
Luật sư Thu Hà: Xét về mặt ngữ nghĩa tôi thấy tất cả các cuộc thi hoa hậu thì tên tiếng Anh và tên tiếng Việt tương ứng với nhau; ví dụ Miss Universe được dịch là Hoa hậu Hoàn vũ, Miss Earth thì được gọi là Hoa hậu Trái đất. Cái tên “Miss Grand International” khó có thể được hiểu sang tiếng Việt là Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam. Khi tôi đọc những thông tin trên truyền thông nói rằng, cụm từ Miss Grand International phải được hiểu là Hoa hậu Hòa bình Quốc tế thì lập luận này với tôi là không có tính thuyết phục.
Chính vì thế, tôi cho rằng nếu nhìn từ góc độ pháp lý thì tính sở hữu của Sen Vàng đối với cụm từ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam khá yếu (ngoài việc họ đã sử dụng đâu đấy trong một số trường hợp nào đó cho cuộc thi mà họ đang dự định tổ chức). Rõ ràng về căn cứ pháp lý tôi cho rằng những ghi nhận của cơ quan nhà nước đối với cụm từ tiếng Việt này dưới tên của Sen Vàng đến thời điểm này là chưa có.
Về phía Minh Khang, họ cũng nói rằng mình có quyền sở hữu đối với cụm từ “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Trên thực tế, họ đã nộp một số đơn đăng kí nhãn hiệu có chứa cụm từ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam hay Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, họ có đưa ra một số quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chấp nhận đơn đăng kí hợp lệ (những đơn này được nộp vào khoảng từ năm 2020 cho đến 2022, và những quyết định chấp nhận đơn hợp lệ được cấp vào khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 2022). Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì những quyết định chấp nhận đơn hợp lệ này chỉ mang tính chất ghi nhận là Minh Khang đã nộp những đơn xin bảo hộ nhãn hiệu như thế và đơn đó đang trong quá trình xét duyệt nội dung chứ chưa phải là một ghi nhận chính thức của cơ quan quản lí nhà nước cho quyền sở hữu của Minh Khang đối với những cụm từ này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận là cho đến thời điểm này thì chỉ có duy nhất Minh Khang đã tiến hành nộp đầy đủ các đơn đăng kí nhãn hiệu có chứa những cụm từ như vậy tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Cho nên khả năng rất lớn là sau khi những đơn này trải qua quá trình xét duyệt nội dung thì Minh Khang sẽ được cấp quyền sở hữu đối với những nhãn hiệu như vậy. Và khi họ trở thành chủ sở hữu thì họ có quyền sử dụng, có quyền ngăn chặn bên thứ 3 sử dụng những nhãn hiệu đó nếu không được phép của họ.
PV: Trong trường hợp nếu như Minh Khang đã nộp và được cơ quan quản lí nhà nước (cụ thể là Cục sở hữu Trí tuệ) cấp giấy chứng nhận là đơn vị sử dụng hợp lệ cụm từ này thì nếu như xảy ra tranh chấp thì phía Minh Khang phải tự bảo vệ bản quyền hay sẽ có đơn vị nhà nước đứng ra để bảo hộ cho nhãn hiệu Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam?
Luật sư Thu Hà: Đăng ký nhãn hiệu là một bằng chứng rất mạnh mẽ cho quyền sở hữu của một đơn vị - tổ chức đối với những nhãn hiệu. Nên trong trường hợp anh đề cập tới, tức là Minh Khang đã nộp đơn và sau đó thì Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Minh Khang thì lúc đó họ chỉ cần cầm đăng kí nhãn hiệu đó tới bất kỳ một cơ quan nhà nước nào, thậm chí tới chính bên đang có tranh chấp, thì đấy đã là một bằng chứng quá mạnh mẽ cho quyền sở hữu của họ đối với cụm từ và những hình ảnh được nêu trong nhãn hiệu rồi.
Tôi tin rằng ở giai đoạn ban đầu của những cuộc tranh trấp thì cũng chưa cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lí nhà nước, mà chỉ với những bằng chứng là những đăng kí nhãn hiệu do cơ quan nhà nước cấp thì họ đã đủ thuyết phục với bên kia rằng họ có quyền sở hữu đối với những nhãn hiệu được nêu trong đăng kí đó.
PV: Trong trường hợp cụ thể ở đây thì tôi lại thấy rằng, khi có thông tin về việc các cuộc thi như vậy sắp diễn ra, thì bên phía Sen Vàng lại là bên khơi mào tranh chấp bằng một văn bản của đại diện pháp lý của Sen Vàng (công ty luật Phan Law) gửi cho Minh Khang về việc không được dùng cụm từ “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Vậy theo chị phía Sen Vàng và đại diện pháp lý của Sen Vàng làm như vậy có đúng với pháp luật của Việt Nam hay không?
Luật sư Thu Hà: Việc Sen Vàng nhìn thấy có sự trùng lặp về mặt tên tiếng Việt giữa 2 cuộc thi, họ nhờ một công ty luật lên tiếng thì đấy là một thực tiễn rất thông thường trong các ngành công nghiệp. Chỉ có điều là chúng ta sẽ phải xem xét thêm là những yêu cầu của họ là có căn cứ pháp lý hay không, và nó có hợp lý hay không?
Tôi cũng tiếp cận được với một số thông tin liên quan đến những yêu cầu từ phía Sen Vàng qua đại diện pháp lý của họ gửi tới Minh Khang thì tôi nhận thấy, trong những giấy tờ như vậy thì phía Sen Vàng cũng chưa đưa ra được một căn cứ pháp lý vững chắc cho những yêu cầu của mình. Họ chỉ đưa ra thông tin một cách khá chung chung là, những cuộc thi này đã được tổ chức ở đâu đó, bên Sen Vàng đã dùng những cái tên như thế và với những căn cứ như thế thì họ yêu cầu Minh Khang phải thay đổi tên gọi cuộc thi của mình.
Tôi cho rằng, những yêu cầu đó nếu xét về mặt pháp lý là không thực sự có căn cứ. Bởi như tôi nói quyền sở hữu đối với cụm từ “Hoa hậu Hòa bình Quốc tế” hay “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” thì phía bên Sen Vàng chưa xác lập được quyền của mình đối với những tên gọi đó thông qua đăng ký nhãn hiệu. Cái duy nhất mà họ có chỉ là đăng ký về quyền tác giả đối với kịch bản chương trình (mà tên gọi chỉ là một phần rất nhỏ). Nếu chỉ dựa trên một cái đăng ký về kịch bản chương trình mà nói rằng họ có quyền sở hữu về tên gọi thì tôi cho rằng nó khá yếu về mặt pháp lý.
PV: Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Thị Thu Hà về những chia sẻ vừa rồi!
Theo VOV.VN
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tranh-chap-ten-cuoc-thi-hoa-hau-hoa-binh-viet-nam-nhin-tu-goc-do-phap-ly-a21974.html