Từ tinh mơ sáng, hơn 1.000 cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú và thiếu nhi trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu đi dọc đường Hồ Xuân Hương, tề tựu về sân đền Độc Cước chuẩn bị cho phần nghi lễ chính thức.
Sau phần đọc chúc văn là chương trình nghệ thuật đặc sắc ca ngợi vẻ đẹp, sự đổi thay từng ngày của quê hương Sầm Sơn; sự tích về bánh chưng, bánh giầy.
Bên cạnh đó, du khách và đông đảo Nhân dân thích thú với phần thi làm bánh giầy giữa các phường, xã trên địa bàn.
Theo truyền thống, đây là Kỳ tế Đảo Vũ. Kỳ Đại tế này đã trở thành lễ hội lớn trong năm của cả vùng Sầm Sơn, lễ vật chủ yếu là bánh chưng, bánh giầy. Với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên, biển lặng, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền, mùa du lịch bội thu.
Lễ hội “bánh chưng - bánh giầy” mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh của cư dân thành phố biển Sầm Sơn. Lễ hội nhắc nhớ truyền thuyết Hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy làm lễ vật dâng lên Vua Hùng.
Không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, lễ hội “bánh chưng - bánh giầy” còn dung hòa các sắc thái văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tôn vinh “Thần Sơn tiêu Độc Cước thượng thượng đẳng tối linh” - nhân vật biểu tượng của cư dân vùng ven biển nói chung và cư dân Sầm Sơn nói riêng, tạo nên bức tranh văn hóa rất nhiều sắc màu, củng cố nền tảng phát triển, đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Lễ hội “bánh chưng, bánh giầy” cùng nhiều lễ hội khác như: Carnival, lễ hội cầu ngư - bơi chải… không chỉ góp phần làm đa dạng thêm các sản phẩm phục vụ du lịch của Sầm Sơn mà còn tạo nên một đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà nét văn hóa truyền thống.
Hồng Hạnh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tp-sam-son-thanh-hoa-to-chuc-le-hoi-banh-chung-banh-giay-a21968.html