Anh lính đặc công quân giải phóng với cô gái du kích miền Tây Nam Bộ

Từ trên Đồng Tháp Mười hành quân xuống xã Mỹ Hạnh Trung mất hai đêm. Nơi đơn vị nghỉ lại cũng gần căn cứ địch (được gọi là Khu Trù Mật lộ 12 của huyện Cai Lậy).

dac-cong-mien-tay-1654283443-1654316374.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Nguyên do là kênh ông Mười Đ có một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 7 ngụy đã lấn chiếm sau khi ký Hiệp Định Pari. Đã nhiều lần trung đoàn 10 của khu 8 bao vây đánh chiếm nhưng đều bị địch đánh bật ra vì địch có nhiều hỏa lực mạnh và máy bay yểm trợ (một trung đoàn bộ binh quân giải bao vây một tiểu đoàn ngụy cả tháng trời nhưng địch vẫn bắn trả quyết liệt).

Xã Mỹ Hạnh Trung là vùng Giải phóng, tiếp giáp với các xã Mỹ Phước Tây, xã Tân Hội và quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1). Địa danh nêu trên là vùng kháng chiến một thời lừng danh khắp năm châu, nơi diễn ra trận chiến Ấp Bắc đã làm cho Mỹ nguỵ bạt vía kinh hồn.

Như vậy điểm đến xã Long Hưng nơi đồn trú của đơn vị 279 còn một đêm nữa mới tới là phải qua Tân Hội và vượt Quốc lộ 1 nơi có rất nhiều đồn địch kiểm soát.

Đơn vị 279 theo biên chế của quân khu và bộ tư lệnh Miền là một tiều đoàn nhưng chỉ có lúc nhiều nhất cả cán bộ chiến sỹ, cả bao gồm thông tin liên lạc, hậu cần quân nhu y tá... vẻn vẹn cả chỉ có 40 người là nhiều nhất, có thời kỳ cả tiểu đoàn 279 chỉ còn có 6 tay súng nên mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ.

Ví dụ: chỉ huy kiêm prc 25  liên lạc bộ chỉ huy Miền và quân khu, chính trị viên kiêm y tá và kiêm thêm đài kỹ thuật luôn theo dõi đài địch các căn cứ địch xung quanh, anh nuôi kiêm mua lương thực thực phẩm và vũ khí ở ngoài vùng tự do còn gọi là vùng địch kiểm soát.

Thế rồi cũng mất 3 đêm hành quân đến được xã Long Hưng, xã Long Hưng là vùng đất có truyền thống cách mạng từ thời chống pháp cho đến thời Kháng Chiến Chống Mỹ cứu nước. Quê hương của nữ Anh Hùng Liệt Sỹ Lê Thị Hồng Gấm. Địa danh này nằm kẹp giữa nhiều đồn bốt địch dày đặc như phía bắc quốc lộ 4 (nay quốc lộ 1) có hai căn cứ lớn của địch đó căn cứ Long Định và tiểu khu ngã ba Trung lương, phía nam là sông Tiền và căn cứ Đồng Tâm- trung tâm chỉ huy hành quân của sư đoàn 7 ngụy, phía đông giáp căn cứ Bình Đức ngụy và thành phố Mỹ Tho. Nơi đây có hàng trăm cuộc hành quân càn quét của địch để lập ấp chiến lược thời gia đình họ Ngô Đình Diệm nhưng đều bị du kích và bộ đội địa phương đánh bật ra (câu VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH ĐÃ BỊ PHÁ SẢN là từ địa danh Anh hùng này). Đơn vị tôi (279)  lúc này còn có tổng cả cán bộ chiến sỹ vẻn vẹn có 21 người nhưng trực tiếp chiến đấu chỉ còn đúng 6 người (sáu tay súng), bộ phận phục vụ đông vì thông tin cơ yếu 2 người, hậu cần tài vụ 3 người nhưng 3 người còn thiếu vì còn phải mua vũ khí quân trang lương thực phẩm cho bộ đội, y tá...

Không hiểu sao đưa đẩy tôi đến trú quân một gia đình rất đông người có đến 13 người (hai ông bà và chín đứa con, gồm 5 con trai và con gái tất cả đều có gia đình vợ con duy nhất hai cô gái Út Một và Út Hai là chưa có chồng, tuổi mười lăm mười bảy.

Ông bà có bốn con trai đi lính ngụy nhưng toàn là lính thợ xây, thợ mộc, thợ sửa chữa ô tô . Còn ông và người con trai thứ bảy theo Cách Mạng quân giải phóng làm bên cơ quan an ninh của khu 8. Ở nơi đơn vị cơ quan an ninh khu 8 quân giải phóng ông lại thương một cô gái cùng đơn vị, và ông lại có thêm "dân số". Gia đình ông bà có cã thảy là 13 thành viên. Trong gia đình Nam Bộ, sau đứa con thứ 9 là gọi Út Một rồi Út Hai, Út Ba...

Mười một người con của ông, trong đó có hai con của người phụ nữ khác đều làm nhà gần nhau chỉ cách nhau ấp trên ấp dưới. Riêng có một chị gái của Út Một là lấy chồng cùng ấp nên chị hay sang mẹ đẻ chơi cùng hai em gái nhỏ.

 Có hôm chị gái hỏi tôi lúc tôi rảnh: "Chú con thứ mấy trong gia đình? Đã có người yêu chưa"?

Tôi giật mình bối rối, không hiểu chị có vấn đề gì mà biết trả lời cho đúng. Thật thà quý người là bản chất tốt đẹp của người dân Nam Bộ mà không nơi nào có được (vì những năm công tác và chiến đấu tôi may mắn đi khắp chiều dài đất nước từ Móng cái đến Đảo Phú Quốc, từ Sơn la Mèo Vạc Đồng văn đến tiếng chày Trên sóc Bom bo và Bản đôn tây nguyên).

Tôi trả lời chị nhưng hơi ấp úng: "Dạ... em là thứ sáu trên em có mấy chị và một anh đều vào chiến trường. Em là út trong gia đình, bố thoát ly mẹ làm ruộng". Mẹ tần tảo nuôi sáu anh em tôi khôn lớn.

Chị bảo tôi từ nay tôi gọi chú là chú Sáu Út, à mà chú tên gì vậy, tôi trả lời chị dạ em là Dân. Vậy là từ nay chị gọi chú là Chú Sáu Dân nhé em. Nghe thân thương lắm.

Chị nhìn tôi từ đầu đến chân như ngắm nghía đều gì và hỏi luôn tôi chú Sáu Dân chưa trả lời hết đâu nhé, em trả lời luôn cho chị đi. Tôi giả vờ như chưa được nghe chị hỏi lúc nãy và tôi hỏi ngược lại chị: "Út Một tên gì chị"? thế là chị vui vẻ nét mặt tươi tỉnh: "Chú Sáu Dân quá thông minh. Út Một ra đây chị bảo, trả lời Sáu Dân tên gì, Sáu Dân vừa hỏi chị đó". "Dạ anh Sáu Dân em là Mai ạ, gọi Út Mai hay Chín Mai cũng được ạ".

Bấy giờ tôi mới trả lời câu hỏi lúc nãy của chị: Dạ thưa chị em vừa học chưa hết cấp 3 (10/10 ) mới hết lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10 thì em xung phong đi bộ đội ạ. Đời học sinh lo học, mẹ em là tối ngồi học không cho đi chơi kể cả ngày chủ nhật . Em nhiều lần bị đòn roi mẹ đánh nên có thời gian đâu mà có người yêu. Còn thời gian quân ngũ ngoài bắc lại được tuyển vào đơn vị Đặc biệt Đặc công nên kỷ luật quân đội khắt khe lắm chị ơi.

- Bởi thế em chưa biết cầm tay hay gần con gái mà bây giờ chị hỏi em đang run lên đây này.

Chị lại gần tôi chị bảo đưa tay chị xem, vừa cầm tay tôi chị kêu lên sao em run vậy mà tay lạnh ngắt, chị ăn thịt em đâu mà run vậy?

ÚT Mai đứng gần đó nghe chị gái nói vậy cười tủm tỉm.

Tôi ở nhà (chỉ có mình tôi) một bà già gần 60 tuổi nuôi chín đứa con đều trưởng thành. Một mình bà nuôi con khôn lớn chồng thì lên rừng theo kháng chiến làm cách mạng. Nếu ông về chỉ được hai ba ngày trong chuyến công tác ghé qua nhà rồi lại đi miết mấy chục năm. Bà là thứ ba nên tôi gọi là Thím Ba. Thím Ba cũng trạc tuổi mẹ tôi ngoài Bắc nhưng đông con lại vất vả một mình nên trông già trước tuổi. Cả nhà rất quí tôi đặc biệt là Thím Ba (có mấy ông theo lính ngụy là chưa biết tôi vì đang ở lính).

Lúc rảnh rỗi Thím Ba luôn hỏi tôi người ngoài Bắc sống thế nào, rồi cách xưng hô, ăn nói đi lại, anh em họ hàng, tôi có cảm giác như Thím đang tìm kiếm phong tục dân Bắc. Tôi trả lời Thím là dân Nam dân Bắc tập quán sinh sống không khác nhau mà giống nhau cả. Thím nghe rồi bảo: "quân Thiệu nó tuyên tuyền là Việt Cộng có đuôi".

Có lẽ nhiêu đây không phải, mà có hàng ngàn gia đình ở miền Nam giống gia đình Thím Ba, nửa đi theo "chánh phủ quốc gia" nửa còn lại lên rừng gian khổ đi theo Kháng chiến làm Cách mạng. 

Tiếp theo tôi sẽ kể về anh lính Đặc công Giải phóng và cô Du kích Miền Tây Nam Bộ.

Lê Phú Dân (Chuyện làng quê)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/anh-linh-dac-cong-quan-giai-phong-voi-co-gai-du-kich-mien-tay-nam-bo-a21903.html