Giá trị lịch sử của cầu Long Biên cần được tôn trọng và bảo tồn

Việc tu sửa cầu Long Biên đã và đang được Tổng công ty đường sắt tiến hành ráo riết nhằm phục vụ công việc vận chuyển cũng như đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông trên cầu.

 
 
Vẻ đẹp trầm mặc của cầu Long Biên khi ánh hoàng hôn buông xuống (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện ngắn với PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của cây cầu hơn 100 năm tuổi này.

- Thưa ông, hiện nay được biết Tổng công ty đường sắt đang tiến hành tu sửa cầu Long Biên trên diện rộng. Trước đây đã có ý kiến nên di dời cầu Long Biên, vậy ý kiến của ông về việc tu sửa này?

Cầu Long Biên là một công trình giao thông, nhưng bên cạnh nó còn mang trong mình một trọng trách lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Cầu Long Biên đã gắn với những lịch sử oai hùng của dân tộc ở các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Chính cầu Long Biên đã chứng kiến quân đội Pháp phải rút khỏi Hà Nội ra Hải Phòng để lên tàu về nước. Đấy là bước chân của những sỹ quan quân đội Pháp cuối cùng phải rút ra khỏi Hà Nội.

Cầu Long Biên cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sỹ phòng không Hà Nội, họ đã đặt pháo trên đỉnh cầu để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên và khu Đông Hà Nội. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử suốt 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh của người dân thủ đô.

Bên cạnh đấy, cầu Long Biên còn là huyết mạch giao thông, nó gắn nội thành với khu phía đông Hà Nội. Đây chính là cây cầu liên kết văn hóa giữa trung tâm Hà Nội với các vùng lân cận, vừa là trao đổi giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Quan điểm của tôi là phải nhìn nhận cây cầu như một di sản văn hóa. Giải quyết vấn đề cầu Long Biên không chỉ đơn thuần là vấn đề giao thông. Cầu Long Biên hoàn toàn đủ điều kiện trở thành di tích quốc gia cần được bảo vệ. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, về mặt kiến trúc, mỹ thuật, không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của cây cầu.

Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có nhiều chuyến tàu cùng hàng vạn phương tiện qua cầu mà chưa một lần được sửa chữa lớn, thì không biết cây cầu này còn có thể trụ vững được bao lâu khi nguy cơ sập là rất lớn. Cần phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành để đảm bảo sự an toàn của người dân nhưng vẫn đảm bảo được kiến trúc của chính cây cầu.

- Vậy theo ông nên tu sửa hay di dời cầu Long Biên để đảm bảo an toàn cho người dân?

Việc di dời cầu Long Biên theo tôi được biết là đã có quyết định dừng và Thủ tướng có yêu cầu không phá cầu Long Biên. Tuy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra quyết định không tháo dỡ di dời cây cầu nhưng nếu đưa cầu thành “di tích” thì nó cũng có thể trở thành phế tích và khi sập xuống thì không thể nào cứu vãn nổi.
Việc bảo tồn và sửa chữa cầu Long Biên là vô cùng cần thiết, nhưng bên cạnh đấy cần chú trọng giữ nguyên giá trị lịch sử mà cây cầu đang có, nó luôn thể hiện được sự giao thương giữa người dân ở hai bên bờ sông với nhau.

Có nhiều người lại cho rằng kiến trúc của người Pháp thì không cần bảo tồn và phát huy, tuy nhiên theo tôi giới trẻ và người dân cần được biết về giá trị văn hóa, lịch sử của cầu Long Biên. Cây cầu do người Pháp làm ra, không liên quan đến người Việt Nam. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng về kiến trúc là do người Pháp thiết kế, còn những công nhân, kỹ sư Việt Nam là người thực hiện, đổ mồ hôi nước mắt để xây dựng nên cây cầu như ngày hôm nay.

Cầu Long Biên gắn với cuộc sống của người Việt Nam và đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ này, nó là một phần của Lịch sử, của văn hóa Hà Nội, chúng ta cần tôn trọng, bảo tồn thì văn hóa, lịch sử của chúng ta mới phong phú, mới dầy lên. Cái gì chúng ta cũng bảo không liên quan, không gắn bó thì có lẽ rất nhiều di tích lịch sử của chúng ta sẽ bị bỏ qua hoặc lãng phí một cách đáng tiếc.

- Việc Bộ giao thông vận tải tiến hành tu sửa cây cầu Long Biên mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục bảo vệ di sản không hề hay biết. Ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Mỗi một Bộ, ngành sẽ có chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên nếu Bộ Giao thông vận tải sửa chữa cây cầu thì họ không nhất thiết phải báo cáo. Nhưng nếu sửa chữa trên diện rộng và thay đổi cấu trúc của cây cầu thì cần phải có văn bản và sự đồng ý của các chuyên gia. Những việc di dời hay đưa nó thành bảo tàng như văn bản của Bộ Giao thông vận tải đều đang làm biến dạng di sản của ông cha.

Nếu phá đi thì đúng là một hành động quá lạ lẫm ở cái quốc gia này. Một người dân bình thường ở Thủ đô người ta cũng sẽ phản đối chứ chưa nói đến các nhà văn hóa, lịch sử. Còn vì nhu cầu phát triển của đô thị mà chúng ta cứ nhất quyết xây cầu mới thì cứ xây chỗ khác. Tại sao cứ nhất thiết phải phá bỏ cây cầu này. Chúng ta hãy bảo tồn nguyên trạng, nếu có điều kiện trong thời gian tới chúng ta bảo tồn lại như cây cầu cũ. Phải bảo tồn cây cầu trong một khối hoàn chỉnh từ mấu cầu cho đến những con đường đi bộ lên xuống hai bên. Việc tháo dời, thay đổi đều không có ý nghĩa gì.

Cầu Long Biên là một di sản sống, cây cầu không chỉ có ý nghĩa với Hà Nội, mà lịch sử xây dựng và phát triển của nó còn có ý nghĩa trong khu vực và trên thế giới. Mọi người dân cần phải trân trọng những gì quá khứ để lại vì đó là hội tụ sức mạnh, tinh thần, trí tuệ của người Việt. Phải ý thức được rằng đó là sự liên kết toàn cầu ở Việt Nam, thế hệ trẻ phải nhìn nhận điều đó một cách đầy đủ và sâu sắc thì mới biết trân trọng và giữ gìn.

Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Theo Một Thế Giới

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gia-tri-lich-su-cua-cau-long-bien-can-duoc-ton-trong-va-bao-ton-a2187.html