Về nơi địa đầu dòng Lam: Huyền thoại một vùng đất (Kỳ 1)

Thấy chàng trai thông minh, người cha đồng ý cho đưa vợ về và nhường lại vùng đất này cho con rể cai quản. Từ đó vùng đất này có tên là Xá Lượng. “Xá” là vùng đất của người Xá (Khơ Mú), còn “Lượng” là Nhượng lại cho chàng con rể; Xá Lượng là vùng đất người Xá nhượng lại.

cau-tre-1653877418.jpg
Cầu tre ở Cửa Rào làm năm 1938. Ảnh: Võ An Ninh

Tên đất gắn với một tình yêu đẹp

Tên gọi xã Xá Lượng đã có từ lâu. Theo cuốn Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1886 - 1889) có ghi: Phủ Tương Dương kiêm lý 4 huyện là Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên và Kỳ Sơn. Trong đó, huyện Kỳ Sơn có 4 tổng và 7 xã, tổng Chiêu Lưu có 2 xã Chiêu Lưu và Xá Lượng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền mới đã bãi bỏ cấp tổng, châu, phủ để thành lập huyện, xã mới. Lúc này xã Xá Lượng thuộc huyện Tương Dương. Ngày 17/04/1965 theo Quyết định 143-NV của Bộ Nội vụ đã chia xã Xá Lượng thành 2 xã Xá Lượng và Lượng Minh.

Không chỉ hình thành từ sớm mà tên gọi Xá Lượng còn được bắt nguồn từ một tình yêu đẹp giữa một cô gái người Xá và một chàng trai người Thái. Chuyện kể rằng, ngày xưa vùng đất của xã Xá Lượng ngày nay là nơi cai quản của người Xá (người Khơ Mú). Viên quan cai quản vùng đất này rất giàu có nhưng chỉ sinh được một cô con gái. Cô con gái rất xinh đẹp, lớn lên nhiều người tới hỏi cưới nhưng đều không được chấp thuận. Đến một hôm, cô gặp và đem lòng yêu một chàng trai người Thái. Hai người yêu nhau và được gia đình viên quan người Xá chấp thuận nhưng ra một điều kiện cho chàng trai là phải ở rể đến khi nào cây cỏ Tranh ra hoa khắp núi đồi mới được về. Ý của người cha là muốn chàng trai người Thái phải ở rể suốt đời, vì theo người Xá cỏ Tranh ít khi ra hoa. Chàng trai đồng tình và nghĩ cách để đưa vợ về. Đến mùa khô, chàng trai bèn cho người đốt hết cả đồi cỏ Tranh, sau đó, gặp mưa, cỏ Tranh lên tốt và ra hoa khắp núi đồi, đúng như ý của cha vợ. Thấy chàng trai thông minh, người cha đồng ý cho đưa vợ về và nhường lại vùng đất này cho con rể cai quản. Từ đó vùng đất này có tên là Xá Lượng. “Xá” là vùng đất của người Xá (Khơ Mú), còn “Lượng” là Nhượng lại cho chàng con rể; Xá Lượng là vùng đất người Xá nhượng lại.

Thuở hồng hoang

Xá Lượng là vùng đất có sự hình thành dân cư từ sớm. Theo PGS Ninh Viết Giao viết trong cuốn Địa chí huyện Tương Dương: Trên đất Tương Dương, các nhà khảo cổ học mới tìm thấy dấu vết văn hóa đồ đá ở bản Ang.

Bản Ang là một bản cổ của xã Xá Lượng, tên gọi này gắn với một truyền thuyết cho biết: Từ thời trước công nguyên rất nhiều năm, vùng bản Ang đã có người sinh sống. Họ là một bộ tộc hùng mạnh, sống trong hang đá, gọi là hang Tham Pạng. Bộ tộc do một người đứng đầu gọi là Tạo Áng Pắc Áng Pọng. Tạo Áng Pắc Áng Pọng là vị thủ lĩnh cai quản toàn bộ vùng này và kéo dài sang cả vùng Kỳ Sơn. Tạo có công giúp dân làm ăn, bày dân làm việc, dạy dân múa hát… Nên sau khi Tạo Áng Pắc Áng Pọng mất nhân dân gọi vùng này là bản Áng để ghi nhớ công ơn, sau này đọc chệch đi mà thành bản Ang.

Tại bản Ang trước đây, người dân vào trong hang Tham Pạng phát hiện được nhiều đồ đá, đồ đồng, tượng Phật và các ký tự như chữ viết ở trên hang.

Ngoài bản Ang, các di vật ở di chỉ khảo cổ học cồn Đền được đánh giá có niên đại cách ngày nay 4.000 năm. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, những di vật tìm được ở Cồn Đền thuộc vào sơ kỳ đồ đồng. Sách Địa chí huyện Tương Dương cho biết: Di tích Đồi Đền hay Cồn Đền ở Cửa Rào cách thị trấn Hòa Bình khoảng 5km, thuộc xã Xá Lượng. Tại đây ngày 16/04/1985, đã phát hiện được trống đồng thuộc loại II theo bảng xếp hạng của Heesger. Trống cao 46cm, mặt trống có đường kính 70cm, chính giữa mặt là hình sao 7 cánh. Từ trong ra ngoài có 7 vành hoa văn. Vành 1 hoa văn xương cá, 6 vành còn lại là hoa văn ô vuông. Rìa mặt có tượng cóc quay ngược chiều kim đồng hồ. Tang và thân trống có 11 vành hoa văn. Vành 1 và 11 là hoa văn xương cá, các vành còn lại là hoa văn ô vuông. Giữa tang và thân trống có 2 đôi quai.

Trước đó, năm 1975, Đồi Đền cũng đã được tìm hiểu. Diện tích khu di chỉ rộng khoảng 1.000m2, tầng văn hóa dày 0,8m, hiện vật thu được trong lần tìm hiểu này phần lớn là đồ đá như rìu, bàn mài có rãnh, hòn cuội có dấu vết sử dụng, đồ gốm, chì lưới kiểu chân giò. Riêng đồ gốm có phong cách của đồ gốm Phùng Nguyên ở Bắc Bộ. Từ đó người ta nhân định di chỉ Đồi Đền có niên đại hậu kỳ đồ đá mới.

Trong những năm gần đây, nhiều hiện vật đã được phát hiện thêm một cách ngẫu nhiên, mở ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu. Điều đáng tiếc cần nói tới là, di tích đã bị đào bới tới 7 hố (mỗi hố 4m2), với mục đích “tìm của”. Đồ gốm bị vỡ họ đã ném xuống dòng sông, xương cốt và các di vật khác bị họ phá nát. Đoàn cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An đi thám sát, đã thu được một số hiện vật như sau:

- Đồ đá: Một số rìu mài có vai, đá granit màu gan trâu, một số phác vật rìu thô, một số chày đá cuội, 1 khuôn đúc, 300 chuỗi đá màu đỏ gạch hình trụ.

- Đồ đồng: 3 rìu đồng (1 rìu xéo gót tròn), 1 chuông voi, 1 vòng tay, 2 lưỡi câu to có ngạnh, 1 giáo, 1 hộp đựng nhỏ.

- Đồ đất nung: 63 hòn chì lưới.

- Đồ thủy tinh: 2 chuỗi hạt.

Nhiều hiện vật làm bằng các chất liệu khác còn được lưu giữ trong dân. Đồi đền có nhiều tầng văn hóa mang di tích các giai đoạn khác nhau. Tầng dưới có những viên đá cuội là những chày nghiền, lớp giữa là những đồ gồm cùng các hiện vật đồng, đá, thủy tinh, sắt và mộ táng, trên cùng là đền Vạn.

untitled-1653879622.png
Cửa Rào nơi địa đầu sông Lam. Ảnh tư liệu 

Trung tâm đô hội của một thời

Là xã có vị trí địa lý quan trọng, trong hàng trăm năm, Xá Lượng được chọn làm trung tâm lỵ sở của phủ Tương Dương. Theo các tài liệu cho biết: Lỵ sở của phủ Trà Lân trong đời Lê, đầu đời Nguyễn và sau này khi đã đổi tên là Tương Dương đều đóng ở Thành Nam thuộc làng Trầm Hương cũ, xã Chính Yên. Thời thuộc Pháp chuyển lên Cửa Rào. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền mới của huyện Tương Dương vẫn chọn Cửa Rào để đóng, đến năm 1965 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, để tránh sự bắn phá của máy bay địch, các cơ quan hành chính cấp huyện được chuyển về khe Chi, xã Thạch Giám.

Ngoài ra, ở vùng Cửa Rào xưa còn có thành Hoàng Mật, tương truyền thành là nơi đóng quân của nghĩa quân Lê Duy Mật. Sau này trong thời Pháp thuộc ở đây là nơi đóng của nhiều dinh thự công sở của Tri phủ và tòa Đại Lý của người Pháp. Đứng đầu tòa Đại Lý là một viên quan võ người Pháp, y nắm toàn bộ quyền điều hành các công việc về dân sự, binh sự ở phủ Tương Dương. Tòa Đại Lý đóng ở ngã ba Cửa Rào, là một vị trí vô cùng lợi hại trong việc án ngữ con đường giao thông và để đối phó với các cuộc nổi dậy của nhân dân trong vùng.

Do đây là ngã ba sông, trước đây muốn đi từ bên này sang bên kia chỉ có một cách là đi bằng đò. Tuy nhiên từ năm 1937 đến năm 1938, một cây cầu tre dài hàng trăm mét đã được thi công và hoàn thành. Đây là cây cầu tre dài và lớn nhất tại thời điểm đó ở Nghệ An. Đến năm 1940, toàn phủ Tưng Dương lại làm một cầu phao nối liền hai bờ sông để Vua Bảo Đại ra thăm phủ Tương Dương. Các tư liệu cho biết, vua Bảo Đại ra thăm phủ Tương Dương vào ngày 9/4/1940. Nhà vua và Khâm sứ Trung Kỳ cùng tùy tùng đi từ Huế ra Vinh trên chuyến tàu Sài Gòn - Hà Nội. Ngay sau khi xuống ga Vinh, lúc 7h, nhà vua cùng tùy tùng khởi hành lên Cửa Rào (Tương Dương). Dọc đường vua đi được canh phòng rất cẩn mật. 10h, đoàn đến Tương Dương. Đồng bào các dân tộc nghe tin vua lên đã kéo đến rất đông...

Còn tiếp...

Hoàng Kiểm

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-noi-dia-dau-dong-lam-huyen-thoai-mot-vung-dat-ky-1-a21845.html