Thác Bờ hay còn gọi là Vạn Thác Bờ, nằm ở giữa lòng sông Đà. Được hình thành bởi hàng trăm phiến đá lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt khu du lịch Thác Bờ này còn gắn liền với lịch sử của vua Lê Lợi.
Đền bà Chúa Thác Bờ nằm trên địa phận hai xã là xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đền được xây dựng theo thế nhìn sông tựa núi với phong cảnh hữu tình, tuyệt đẹp, địa thế hùng vĩ.
Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, hành hương, du lịch tấp nập. Đây chính là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hòa Bình.
Sự tích chúa Thác Bờ
Đến đây, du khách sẽ được ngồi thuyền dạo quanh sông Đà, vừa ngắm cảnh vừa nghe sự tích nơi đây. Ngay khi đặt chân đến đây, mọi căng thẳng, mệt mỏi ngày thường dường như tiêu biến.
Xưa kia, bà vốn là người Mường, sinh ra và lớn lên trên đất Hòa Bình dưới thời Lê. Chúa có tên thật là Đinh Thị Vân - là con gái một gia đình tộc trưởng trong làng. Tương truyền năm 1430 - 1432, vua Lê Lợi đem quân đi dẹp loạn giặc ở Đèo Cát Hãn tại Mường Lễ, Sơn La. Khi vua tiến đến Thác Bờ thì thấy địa thế nguy hiểm với thác nước xô bọt trắng trời cùng rất nhiều xoáy nước dưới dòng sông. Quân ta không thể vượt qua được.
Lúc bấy giờ, có hai người con gái đã đứng lên vận động trai tráng trong làng lên rừng xẻ ván, làm thuyền độc mộc đưa quân qua thác. Một người chính là Đinh Thị Vân - cô gái dân tộc Mường và một người là cô gái dân tộc Dao.
Sau khi chiến thắng trở về, vua Lê Lợi dừng chân nơi Thác Bờ làm lễ khao quân. Hai cô lại vận động dân bản quyên góp thịt muối, cơm lam, rượu cần để liên hoan ăn mừng chiến thắng.
Tại đây, bà còn giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà làm lưới bắt cá. Tương truyền, người còn giúp dân trị thủy, chế ngự sống Đà cuồn cuộn sóng dữ.
Về sau khi hai bà mất, nhân dân nhớ công ơn đã phong cho hai bà là bà Chúa Thác Bờ và lập đền thờ trong vùng thờ cúng muôn đời.
Du khách thập phương hàng năm thường đến chầu cửa bà nhằm cầu lộc chữa bệnh, cúng lễ, cầu bình an, may mắn trong cuộc sống. Để tỏ lòng thành tâm tôn kính của mình, du khách thường sắm lễ chầu chúa bà rất tỉ mỉ và trang trọng. Một mâm lễ thường bao gồm một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, giấy tiền, thẻ hương, trầu cau, cút rượu, xôi thịt, cánh sớ.
Riêng với Chúa Thác Bờ, các thức lễ dâng lên chúa bà phải có màu trắng. Bởi khi thỉnh Chúa Thác Bờ, chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng.
Đền Chúa Thác Bờ đã trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại nên kiến trúc đền không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, những nét độc đáo đặc trưng của đền vẫn còn được lưu giữ lại.
Kiến trúc của Đền chúa Thác Bờ
Đền Chúa Thác Bờ phía tả ngạn có kiến trúc mặt bằng hình chữ Đinh gồm: Nhà Đại bái và nhà Hậu cung. Phía trước đền gồm 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu. Hai bên tả hữu ngũ ngan có đắp hình 2 ông khuyến thiện và trừng ác.
Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như công đồng quan lớn, Ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà.
Di tích đền Thác Bờ Hòa Bình nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và di tích danh thắng động Thác Bờ. Hàng năm, đền không chỉ đón khách hành hương đến xin lộc chúa bà mà còn đón cả khách du lịch tới thăm quan ngắm cảnh và hưởng thụ không khí trong lành, thanh mát.
Năm 2009, Động Thác Bờ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng quốc gia. Với cảnh quan tuyệt đẹp quần thể du lịch hồ Hoà Bình sẽ ngày càng thu hút đông đảo du khách tới thưởng ngoạn.
Hy vọng, du khách thập phương khi về hành hương ở Chúa Thác Bờ sẽ cảm thấy thích thú bởi vẻ đẹp và phong cảnh, non nước hữu tình của nơi đây, mang lại cảm giác thư thái và bình an, để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi du khách./.
Mộc Miên
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-thac-bo-ba-chua-linh-thieng-bac-nhat-hoa-binh-a21830.html