Làm du lịch từ làng

Xu hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững từ giá trị văn hóa bản địa không chỉ là lợi thế mà còn là cơ hội và tiềm năng của huyện Nam Giang trong tiến trình hội nhập và bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống.

 
Sự đa dạng về sản phẩm du lịch sẽ tạo sức hút cho du khách đến với Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Du lịch cộng đồng

Vùng đất Nam Giang, nơi ngụ cư lâu đời của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... từ lâu luôn được xem là “cửa ngõ” ở dãy Trường Sơn với những loại hình văn hóa độc đáo, đa màu sắc. Ngoài đặc trưng về văn hóa làng, đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang còn lưu giữ được màu sắc riêng của từng tộc người và đang trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.

Theo ông Trần Dư - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang, địa phương có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, nổi bật là các công trình kiến trúc độc đáo, đường Trường Sơn huyền thoại gắn với những địa danh lịch sử, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú,... luôn tạo được sức hút cho du lịch khám phá của du khách trong và ngoài nước. Khi giá trị du lịch được phát huy, đời sống của đồng bào bản địa sẽ dần được thay đổi, tạo ra cơ hội phát triển để “sống” cùng sản phẩm du lịch của chính chủ thể ở vùng cao. “Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững, trước hết là tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, không trùng lắp giữa các địa phương và luôn đáp ứng với nhu cầu của du khách. Trong đó, chú trọng đến công tác phát triển các làng nghề truyền thống, giữ môi trường sinh thái, cũng như có thêm những tour du lịch đặc trưng của vùng đất để giữ chân du khách” - ông Dư chia sẻ.

Là vùng đất cộng cư của nhiều thành phần dân tộc, Nam Giang đón đầu cơ hội phát triển du lịch cộng đồng bằng chính văn hóa chủ thể, tạo được thương hiệu trong lòng du khách. Không chỉ có làng nghề dệt Za Ra, thác nước Grăng (ở xã Ta Bhing), sản phẩm du lịch cộng đồng ở Nam Giang còn có thêm các điểm tham quan, mua sắm hàng nông sản dọc trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn các xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ; chợ phiên Abát (xã Chà Vàl); cung đường Trường Sơn huyền thoại với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp gắn với những câu chuyện lịch sử về vùng đất và con người huyện Nam Giang. Ngoài vũ điệu tâng tung, da dá truyền thống của đồng bào Cơ Tu, đến với các xã vùng cao của huyện Nam Giang du khách còn bị lôi cuốn bởi các điệu múa ting tít, rê rê của đồng bào Ve; vũ điệu truyền thống kết hợp với thổi đinh tút của người Tà Riềng; cùng các món ẩm thực độc đáo của đồng bào bản địa ở vùng giáp biên với nước bạn Lào. Tất cả hứa hẹn mang đến cho du khách những lựa chọn thú vị, hấp dẫn và đầy dấu ấn cộng đồng.

Bảo tồn văn hóa

Hình thành sản phẩm du lịch dựa vào yếu tố cộng đồng, vừa giúp quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người, vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là mục tiêu của huyện Nam Giang trong những năm qua. Trong đó, chú trọng đến việc xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng và kết hợp hiệu quả các chủ trương đến với người dân bản địa. Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, cần dựa vào chính cộng đồng dân cư bản địa để giữ văn hóa truyền thống của từng vùng, từng tộc người. Bởi chính họ là những chủ thể văn hóa, có nhiều khả năng để bảo tồn giá trị văn hóa của mình trước nguy cơ mai một. Do vậy, cùng với việc đầu tư phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm..., chính quyền địa phương còn quan tâm đến công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm thông qua du lịch cộng đồng; đưa các sản phẩm du lịch đến với du khách một cách gần gũi, thân thiện. “Giá trị từ sản phẩm du lịch cộng đồng mang lại sẽ trở thành đòn bẩy về kinh tế, giúp đồng bào nhận thức được tầm quan trọng việc bảo tồn văn hóa truyền thống của mình. Đó chính là lợi ích kép, gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc ở đồng bào vùng cao” - ông Sơn nói.

Bên cạnh việc đưa văn hóa bản địa thành sản phẩm du lịch cộng đồng, huyện Nam Giang cũng khuyến khích đồng bào các bản làng vùng cao chung tay, góp sức bảo tồn bản sắc truyền thống, cùng bảo lưu những giá trị văn hóa độc đáo vùng miền. Thông qua các hoạt động văn hóa cơ sở, các chương trình lễ hội ẩm thực, liên hoan “Âm vang cồng chiêng”... đã từng bước giúp đồng bào gìn giữ, phát huy và trân trọng văn hóa truyền thống của cha ông. Theo già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih), để văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao được gìn giữ nguyên vẹn, các địa phương cũng cần quan tâm đến công tác giáo dục nhận thức cho lớp trẻ ở từng làng bản - chủ thể tiềm năng để vực dậy văn hóa, góp phần lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa làng, văn hóa con người vùng cao. “Việc hình thành các câu lạc bộ dân ca, dân vũ nhí, câu lạc bộ đan lát, thêu thùa, đội cồng chiêng nhí ở từng thôn bản, địa phương... cũng là một trong những cách giúp lớp trẻ được tiếp cận, nâng cao nhận thức và kế thừa văn hóa cha ông, buôn làng” - già Hạnh bảo.

Theo Quảng Nam Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lam-du-lich-tu-lang-a2176.html