Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng những dấu ấn lịch sử

Thắng lợi đó đã đánh dấu sự phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, đồng thời giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng của ta. Cùng với đó, chiến dịch còn góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào nổi dậy đấu tranh giành chính quyền, thiết lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

canh-dong-chum-1653182858.jpg
Cánh đồng Chum. Ảnh: Tư liệu 

Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là vùng giải phóng quan trọng nhất của cách mạng Lào; địa bàn có giá trị chiến lược về quân sự, chính trị, kinh tế, có địa thế bảo vệ trực tiếp vùng căn cứ địa Sầm Nưa; trực tiếp uy hiếp căn cứ Long Chẹng của lực lượng Vàng Pao, thủ đô Viêng Chăn và kinh đô cũ Luangphabang. Đây cũng là một hướng chiến lược phối hợp tác chiến giữa ba nước Đông Dương và quan hệ mật thiết tới tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta. Chính vì vây, sau thất bại của chiến dịch mùa khô năm 1972, địch đã sử dụng lực lượng quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan tổ chức các cuộc hành binh tiến công, bao vây Cánh đồng Chum nhằm tái chiếm lại những vùng đã mất do quân giải phóng chiếm đóng.

Nhận rõ âm mưu và ý đồ của địch, để bảo vệ vững chắc vùng mới giải phóng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào và phối hợp với cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở chiến trường Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên, quân ủy Trung ương của ta và nước bạn Lào đã quyết định chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phòng ngự. Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương hai nước, công tác chuẩn bị về lực lượng và hậu cần cho chiến dịch gấp rút được tiến hành, đủ sức đánh địch trên các hướng.

Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng bắt đầu từ ngày 21/5/1972 và trải qua 4 đợt: Đợt 1 (21/5 - 10/8/1972), lực lượng của ta tổ chức ngăn chặn và phản kích địch giữ vững được khu vực trung gian; Đợt 2 (11/8 - 10/9/1972), địch mở cuộc tiến công lớn vào Cánh đồng Chum, ta lần lượt bẻ gãy các cánh quân địch, giữ vững địa bàn phòng ngự. Đợt 3 (11 - 30/9/1972), địch chuyển hướng tiến công, lấy hướng Tây là chủ yếu, ta tổ chức trận phản đột kích thứ 2, đánh bại quân địch. Đợt 4 (1/10 - 15/11/1972), địch mở đợt tiến công mới nhằm chiếm phía Nam Cánh đồng Chum; ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt phần lớn các cụm quân địch, sau đó phát triển sang truy kích, quét địch khỏi các điểm cao phía Nam Cánh đồng Chum, buộc chúng phải co cụm về giữ Sảm Thông - Loong Chẹng.

Qua 4 đợt tiến công, với 244 trận đánh, liên quân Việt - Lào đã loại khỏi chiến đấu hơn 5.600 tên địch (bắt sống 179 tên), thu 800 súng, pháo (có 4 pháo 105mm và 4 cối 106,7mm), bắn rơi 38 máy bay. Đến ngày 15/11/1972, chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta hoàn toàn làm chủ khu vực trung gian Cánh đồng Chum. 

image-6483441-31-1653027525033-1653205009.jpg
Hội thảo khoa học “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: Tư liệu 

Có được sự thắng lợi to lớn như vậy, yếu tố quyết định đầu tiên là là sự chủ động trong việc xây dựng thế trận phòng ngự, lấy điểm tựa và cụm điểm tựa làm nòng cốt, kết hợp với phản kích liên tục, vừa đánh nhỏ, vừa tập trung lực lượng đánh lớn lực lượng phương tiện chiến đấu của địch. Điều đặc biệt quan trọng là trong quá trình tiến hành chiến dịch, ta đã vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật trong phòng ngự; kết hợp khéo léo giữa phòng ngự trận địa với cơ động phản công đột kích. Với những yếu tố đó, chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, được xem là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Nhân dân Lào.

Thắng lợi đó đã đánh dấu sự phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, đồng thời giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng của ta. Cùng với đó, chiến dịch còn góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào nổi dậy đấu tranh giành chính quyền, thiết lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Với ý nghĩa to lớn như vậy, chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 thực sự đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với cách mạng Việt Nam.

Chu Chiến Sơn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chien-dich-phong-ngu-canh-dong-chum-xieng-khoang-nhung-dau-an-lich-su-a21758.html