Chuyện kể rằng... Bác đòi nghe câu Ví

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất. Ở Người không chỉ tồn tại tình yêu quê hương, đất nước, con người; gói trong đó là những lời nhắn nhủ: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

bac-ho-voi-khuc-hat-dan-ca-1653151904.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Ảnh: Tư liệu

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Di sản văn hóa những thứ mà ta đang đắm chìm trong nó từng ngày từng giờ, là những thứ đã đắp bồi nên con người ta, tâm hồn ta. Nó là di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới các di sản văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả các nước trên thế giới. Người luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Người cho rằng, di sản văn hoá dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hoá một đất nước. Cho đến nay, quan điểm, những định hướng đúng đắn của Người đối việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với Người, xây dựng nền văn hóa, không chỉ thuần túy quan tâm đến ngành hay lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội. Trong "Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách đối với văn hoá vật thể; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc. Bác am hiểu sâu sắc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, các tác phẩm văn học cổ và thuộc nhiều làn điệu dân ca của quê hương, đất nước, đặc biệt là cân ca Ví - Giặm.

Di sản văn hóa di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay, và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…

Người thường nhắc nhở những người làm công tác văn hóa về thái độ trân trọng đối với văn hoá dân tộc. “Thanh niên phải chịu khó học. Âm nhạc của dân tộc ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ các câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên”.

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thế, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".

z3432524200839-f94a788e9bb7a3357ce60452b252f4ea-1653153495.jpg
Di sản văn hóa di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay, và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…

Di sản văn hóa phi vật thể -  di sản sống, giá trị sống

Không được chứng kiến câu chuyện xúc động của Bác Hồ lúc cuối đời, nhưng hình ảnh của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim của nhạc sĩ Trần Hoàn. Năm 1989, khi nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt - Xô cùng với đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động ấy. Theo dòng cảm xúc đối với Người cha kính yêu của dân tộc, nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác nên bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. 

“... Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ/Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi...”.

Trước lúc về với “thế giới Người Hiền”, Bác muốn nghe Ví, Giặm xứ Nghệ, bởi “nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ”. Tuổi thơ của Bác gắn liền với tiếng “ầu ơ” của mẹ, những điệu ví, câu giặm theo Bác từng ngày, từ khi “đi tìm hình của nước” rồi trở thành Chủ tịch cho đến khi mất. Những mong muốn ấy là chất chứa nỗi niềm gia đình, quê hương xứ sở và Tổ quốc mình.

”... Bác muốn nghe một câu hò Huế bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền/Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim/Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời/Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông...”

Ước nguyện cuối cùng của Người là minh chứng cho tình yêu lớn lao mà Người dành cho dân ca xứ Nghệ. Ước nguyện này cũng như một lời nhắn nhủ với hậu thế rằng tình yêu Tổ quốc trước hết phải bắt nguồn từ tình yêu quê hương. 

z3432529934535-c56996bbe8fdde197fee2dc9300243dd-1653153586.jpg

Truyền thống quê hương, gia đình và dòng chảy của dân ca xứ Nghệ đã nuôi lớn tâm hồn, nhân cách Hồ Chí Minh, một lãnh tụ vĩ đại có tâm hồn gần gũi với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa tình yêu và niềm mong mỏi gìn giữ, bảo vệ dân ca ví giặm tới các thế hệ sau này. Mong muốn bảo tồn loại hình diễn xướng độc đáo xứ Nghệ của Người đã được đền đáp. Năm 2014, UNESCO chính thức công nhận dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Yêu dân ca ví, giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Dân ca ví, giặm ngày càng được lan tỏa bởi mạch nguồn trong trẻo và chính mạch nguồn này đã tắm mát cho tâm hồn những người Nghệ xa quê. Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca ví, giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam.

Di sản văn hóa là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Đó cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. 

Để thấy rằng, di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Bảo tồn và phát huy di sản vì sự phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực của mỗi địa phương và của cả nước. 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là công việc thường xuyên, cấp bách, góp phần giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nhân cách, đạo đức theo chuẩn mực chân - thiện - mỹ; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có như vậy, di sản văn hóa mới thật sự là những bảo tàng sống, những giá trị sống./.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ke-rang-bac-doi-nghe-cau-vi-a21756.html