Vĩnh biệt Nhà văn Lê Phương - tác giả kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn"

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương đã qua đời vào tối 14/5/2022 vì tuổi cao sức yếu. Ông hưởng thọ 89 tuổi.

le-phuong-1652641444-1652673413.jpg
Nhà văn Lê Phương

Theo vnexpress đưa tin, “vợ ông - biên kịch Trịnh Thanh Nhã - cho biết 5 năm nay, sức khỏe ông xuống dốc vì bệnh phổi".

Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội".

Theo VOV.VN, Lê Phương “tham gia quân đội năm 16 tuổi và năm 20 tuổi thì được cử gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 23 tuổi, ông lại hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.

Từ nhiệm vụ này, Nguyễn Văn Tiến, lấy bút danh Lê Phương đã viết nên truyện ký "Thử lửa" về chính công việc mà ông đảm nhận: Chỉ huy đội Thanh niên xung phong (tên gọi của lực lượng TNXP thời điểm 1953) làm nhiệm vụ mở đường lên Điện Biên. Truyện ký được in trên báo Cứu Quốc Quân gây chú ý cho những người chỉ huy đang rất cần tìm kiếm những cây bút trẻ với sức viết mãnh liệt, tươi mới…

Năm 1960, ông trở thành nhà báo rồi nhà văn chuyên viết về công nhân. Lê Phương viết tiểu thuyết "Bất khuất" – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ. Với tiểu thuyết đầu tay này, những hoạt động rất nhiều chất phiêu lưu bí ẩn của các chiến sĩ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân đã được mô tả cực kỳ hấp dẫn, giàu chất điện ảnh đến ngạc nhiên với những tình huống kịch chặt chẽ, đầy kịch tính.

Trong thời gian từ năm 1963-1978, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như "Pháo đài 44" (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); "Thung lũng Cô Tan" (địa chất, 1973); "Bạch Đàn" (lâm nghiệp, 1975); "Ngã ba thời gian" (thủy lợi, 1978); "Bông mai mùa lạnh", "Vết xích đường mòn"…

Năm 1977, ông bước sang lĩnh vực điện ảnh với vai trò tác giả kịch bản. Ông viết không nhiều, nhưng mỗi bộ phim được làm từ kịch bản của ông đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Đó là những bộ phim như: "Nơi gặp của tình yêu", "Câu lạc bộ không tên", "Cơn lốc biển", "Biệt động Sài Gòn" 4 tập (cùng với Nguyễn Thanh)… đều được nhớ đến như những bộ phim mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

tac-gia-kich-ban-phim-biet-dong-sai-gon-qua-doi-32-172655-1652673510.jpeg

Đặc biệt ở giai đoạn từ sau năm 1990, ông bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình dài tập mà ông thường gọi là "tiểu thuyết truyền hình". Ông gặt hái thành công với bộ phim "Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ" - một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam, "Sống mãi với Thủ đô", "Con nhện xanh", "Ngã ba thời gian"… Ông đồng thời cũng được xem là "người thầy không đứng trên bục giảng" của nhiều biên kịch có tên tuổi như Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã…

Theo Nông nghiệp Việt Nam, "nhà văn Lê Phương rất chú trọng đến số phận những con người vô danh tận tụy trong công cuộc dựng xây đất nước thời hậu chiến, như tiểu thuyết “Bạch đàn” viết về ngành lâm nghiệp, tiểu thuyết “Ngã ba thời gian” viết về ngành thủy lợi, tiểu thuyết “Bông mai mùa lạnh” viết về ngành thủy điện...

Nhà văn Lê Phương quan niệm: “Nhà văn chỉ thực sự là nhà văn khi mình đang sáng tác, và chỉ nên để độc giả biết về mình qua tác phẩm. Cái khó của nhà văn là làm sao để đủ bản lĩnh biết dừng lại khi đã cạn duyên văn”.

Theo Tuổi trẻ, “Những người bạn gọi ông Lê Phương là "cậu ấm" vì ai cũng thấy cái cách bà Nhã chăm ông tỉ mỉ thế nào. Nhìn cặp đôi này nhiều người lại có cái khát khao tuổi già của mình cũng có được một người bạn đời như vậy.

Khi bà Trịnh Thanh Nhã về Hãng Phim truyện Việt Nam làm việc thì ông Lê Phương là Xưởng phó phụ trách biên tập của xưởng 3. Kịch bản đầu tiên của Trịnh Thanh Nhã là Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 do ông Phương trực tiếp hướng dẫn.

Ông Lê Phương đã bắt Trịnh Thanh Nhã sửa đi sửa lại kịch bản những năm lần, lần nào đi ra khỏi phòng làm việc của ông nữ biên kịch trẻ cũng rơi nước mắt. Tới lần thứ sáu Trịnh Thanh Nhã đã nghĩ bụng "nếu lần này ông ấy từ chối mình sẽ ném kịch bản vào mặt ông ấy và bỏ nghề".

Lần thứ sáu, Lê Phương bắt cô biên kịch trẻ phải đọc to thành tiếng. Sau khi đọc xong, Trịnh Thanh Nhã hỏi: "Chú thấy thế nào?", Lê Phương trả lời "có nghe đâu mà biết là thế nào?". Nhưng sau đó ông trấn an biên kịch trẻ ông đã nghe hết và thấy ổn.

Kịch bản được đưa vào sản xuất và phim ra mắt năm 1988. Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 đã giành được 4 giải vàng dành cho kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988).

Mãi sau này bà Nhã mới biết trong lúc bà đọc kịch bản thì ông Phương mải ngắm bà. Thời đó bà sợ ông như sợ cọp vì trong công việc ông rất "phũ mồm". Sau khi phim sản xuất bà Nhã gần như tránh gặp ông Phương, vì sợ bị gọi vào sửa kịch bản.

Sau hơn một năm làm việc với các biên kịch khác mà vẫn chưa ra được sản phẩm nào, cuối cùng bà Trịnh Thanh Nhã quay về làm việc với ông Lê Phương. Trong công việc họ đã phải lòng nhau dù lúc đó cả hai đã có gia đình. Lúc đó Trịnh Thanh Nhã 29 tuổi và ông Lê Phương đã 55 tuổi"./.

Chúc Sơn (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-biet-nha-van-le-phuong-tac-gia-kich-ban-phim-biet-dong-sai-gon-a21681.html