Tọa đàm là cơ hội cùng trao đổi với các chuyên gia di sản văn hóa, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, các nhà chuyên môn đến từ lĩnh vực du lịch, công nghệ, giáo dục về những tiềm năng của bảo tàng và những thay đổi tích cực trong cộng đồng mà các bảo tàng mang lại. Từ đó có thể khẳng định sức mạnh của bảo tàng trong đời sống đương đại, đồng thời liên hệ với công việc cụ thể của mỗi bảo tàng, di tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thảo luận 2 nội dung: “Bảo tàng vì sự phát triển bền vững” và “Công nghệ số và giáo dục di sản - những tiềm năng mới của bảo tàng”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Từ hàng trăm năm nay, các bảo tàng là nơi hội tụ của di sản lịch sử, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa giáo dục có sức mạnh tiềm tàng, to lớn và ngày càng trở nên quan trọng, ý nghĩa hơn. Tọa đàm là cơ hội để các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng quân đội nói riêng và các bảo tàng nói chung có thể liên hệ, vận dụng với những công việc cụ thể của bảo tàng, di tích của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc”.
Trao đổi về vấn đề làm thế nào để hoạt động bảo tàng gắn với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho biết: “Nếu như nói văn hóa là hình ảnh, là thương hiệu của mỗi quốc gia thì các bảo tàng là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa - những giá trị kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc, của quốc gia đó. Nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển bền vững chính là con người. Bảo tàng có chức năng giáo dục để phát triển bền vững”.
Đánh giá về chương trình giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cô giáo Nghiêm Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Tôi rất hài lòng khi đưa học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chương trình đã tạo cơ hội cho các em học sinh được học tập một cách chủ động, thú vị thông qua các hoạt động trải nghiệm mà cán bộ bảo tàng đã thiết kế”.
Bảo tàng có sức mạnh biến đổi thế giới xung quanh chúng ta: Bảo tàng là nơi khám phá có một không hai, là nơi dạy ta về quá khứ và mở mang những ý tưởng mới - hai bước thiết yếu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2022 tập trung khám phá tiềm năng của các bảo tàng trong việc mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua ba khía cạnh, đó là:
Sức mạnh của sự bền vững: Các bảo tàng là đối tác chiến lược trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Với tư cách là những tác nhân chính trong cộng đồng địa phương, bảo tàng đóng góp vào nhiều mục tiêu, bao gồm thúc đẩy nền kinh tế xã hội cũng như phổ biến thông tin khoa học về các thách thức môi trường.
Sức mạnh đổi mới về số hóa và khả năng tiếp cận: Các bảo tàng đã trở thành sân chơi sáng tạo, nơi các công nghệ mới có thể được phát triển và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đổi mới kỹ thuật số có thể làm cho các bảo tàng dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn, giúp công chúng hiểu được các khái niệm phức tạp và đa sắc thái.
Sức mạnh xây dựng cộng đồng thông qua giáo dục: Thông qua các bộ sưu tập và chương trình của mình, các bảo tàng tạo thành một sợi dây xã hội thiết yếu trong việc xây dựng cộng đồng. Bằng cách đề cao các giá trị dân chủ và cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, bảo tàng góp phần hình thành một xã hội dân sự có thông tin và gắn kết.
Sức mạnh của các Bảo tàng cũng sẽ là chủ đề của Hội nghị lần thứ 26 tiếp theo được diễn ra tại Prague, CH Czech 2022. Hội nghị chung ba năm là một trong những sự kiện toàn cầu quan trọng nhất dành riêng cho các bảo tàng cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này. Kể từ năm 1948, ngày càng nhiều người từ khắp các châu lục tham gia hội nghị để cùng thảo luận và chia sẻ ý kiến liên quan đến các vấn đề thời sự mà bảo tàng đang phải đối mặt.
Theo bvhttdl.gov.vn