Trong chuyến công tác lên vùng cao Tây Bắc, được thưởng thức những món ăn đặc trưng, hấp dẫn của dân tộc Thái, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thích thú bởi cách chế biến cầu kỳ, đặc biệt mà chỉ vùng đất nơi đây mới có. Ấn tượng nhất vẫn là các món nướng như: gà nướng, cá nướng, thịt heo nướng… Những món này thường được tẩm ướp cùng với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng ở vùng Tây Bắc có vị cay và rất thơm) và ớt, sả, gừng, rồi nướng bằng hơi nóng lửa than hồng cho đến khi chín vàng theo đúng hương vị truyền thống của đồng bào nơi đây. Có nhiều kiểu chế biến khác nhau như thịt (gà, vịt, heo…) được nướng nguyên con hay thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng và rau thơm gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi trong tro nóng đến khi chín. Đối với món cá thường dùng các loại cá sông to như chép, trôi, trắm... sau khi làm sạch để ráo nước, thoa một lớp muối rang cùng với ớt tươi giã nhỏ, hạt mắc khén ướp để cá ngấm gia vị, cứng thịt rồi đặt lên bếp than hồng nướng, khi ăn vẫn giữ được vị ngọt, hương thơm của thịt, cá. Nói đến văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây không thể không kể đến các loại sản vật được thiên nhiên ưu đãi ban tặng như các loại măng đắng, măng ngọt, măng lay, măng sặt đến củ mài, củ ấu, củ sắn hay rau rừng, hoa ban, rêu đá… Đặc biệt, món xôi ngũ sắc khi ăn dẻo mềm, không dính tay… Những món ăn tưởng chừng như đơn giản, thân quen, ở vùng miền nào cũng có nhưng với sự chế biền tài tình của phụ nữ Thái đã đem đến những hương vị khác biệt.
Phụ nữ Thái chuẩn bị những món ăn truyền thống tham gia hội thi ẩm thực.
Bên bếp lửa trên những ngôi nhà sàn, thưởng thức điệu múa, tiếng hát ngọt ngào của các cô gái Thái và các món ăn đặc trưng này, chúng tôi cũng được nhâm nhi những chén rượu được chưng cất, pha chế bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, đó là thứ rượu trắng được ủ bằng thứ men lá rừng. Bên cạnh đó, các loại rượu khác như: rượu chuối hột, táo mèo, rượu ngâm quả sim, củ đẳng sâm, cây mật gấu… cũng là đồ uống được nhiều người lựa chọn mỗi khi đến với Tây Bắc bởi vị nồng, dịu.
Không chỉ được thưởng thức những món ăn dân dã, mang đậm hương vị truyền thống của dân tộc Thái, chúng tôi còn được nghe kể về mỗi sản vật, món ăn mang một ý nghĩa riêng mà người dân vẫn truyền tụng từ bao đời nay như cây măng gắn với câu chuyện tình của chàng “Khum” (tức đắng, nghèo khổ) yêu nàng “Ban” xinh đẹp, bị cản trở không lấy được nhau, chàng hóa thân thành cây măng vầu; hay hoa ban là biểu trưng cho sự thuần khiết, trong trắng của người phụ nữ Thái, cũng là biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc, tình yêu và cả sự no ấm, tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, sự tôn kính các vị thần linh; món rêu đá mang ý nghĩa về truyền thuyết mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái yêu nhau tha thiết nhưng bị chia cắt, chàng trai chết đi biến thành muôn vàn viên sỏi đá, cô gái đau đớn ngày đêm khóc lóc, nước mắt chảy thành dòng suối Thia, thân xác biến thành rêu bám chặt lấy những viên sỏi đá. Đối với các món ăn được chế biến từ thịt gà thường là gà tơ đang nhảy ổ để cầu mong sự sinh sôi, phát triển, viên mãn… Riêng món xôi nếp ngũ sắc thì với nguyên liệu chính là nếp nương khi được ngâm với các loại lá, củ của núi rừng sẽ tạo ra nhiều màu theo ý muốn từ xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Trong đó, mỗi màu mang một ý nghĩa riêng như màu đen (hoặc tím) tượng trưng cho đất đai trù phú; màu vàng là sự ấm no, thịnh vượng; màu đỏ tượng trưng cho những ước mơ những khát vọng; màu xanh là màu của núi rừng, bầu trời bao la và màu trắng của sự tinh khiết, tình yêu và lòng chung thủy. Chính vì thế, xôi nếp ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong các ngày quan trọng như dịp lễ, tết. Một đĩa xôi với đủ sắc màu dù nhỏ bé nhưng chứa đựng cả đất trời và tấm lòng sâu nặng, sự hiếu khách của người Thái vùng Tây Bắc.
Qua tìm hiểu được biết, nét độc đáo trong các món ăn của dân tộc Thái là khi chế biến không dùng dầu mỡ và rất chú trọng tới việc phối hợp hài hòa các vị đắng, cay, mặn, chát, nhờ đó khi ăn cảm thấy vừa miệng, không có cảm giác ngấy, ngán. Những phương pháp chế biến món ăn truyền thống này đều hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ người xưa để lại và lưu giữ đến bây giờ nên không thể hòa lẫn với bất kỳ dân tộc, vùng miền khác. Ngày nay, những món ăn truyền thống này đã không còn bó hẹp trong bữa ăn, dịp lễ, tết của người dân mà nó đã trở thành nét đặc trưng của vùng Tây Bắc để thu hút du khách trong và ngoài nước. Cũng chính hương vị đó đã mời gọi du khách không ngại đường đi cách trở bởi núi cao, sương mù tìm mà đến tận nơi để thưởng thức, cảm nhận không khí ấm cúng, sự khéo léo, bàn tay tài hoa, tấm lòng rộng mở và lưu luyến không nỡ rời xa mảnh đất này.
Theo Báo Đắk Lắk