Vui buồn chuyện luân chuyển cán bộ

Bây giờ khi nói đến công tác luân chuyển, phần lớn cán bộ ta đều “thuộc bài”, nhất là các đồng chí tham gia cấp ủy các cấp. “Thuộc bài”, “tròn vai” là vì công việc này đã được làm đi làm lại nhiều lần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để ngày càng tốt hơn, thiết thực hơn, tránh hình thức.

hai-duong2a-1651907543-1651917114.jpg
Tranh biếm họa do tác giả lựa chọn. Nguồn: Interent.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhiều lần đề ra quy định và hướng dẫn cụ thể về công tác này. Đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị ban hành Quy định 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Quy định mới đây nhất (số 65) của Bộ Chính trị tiếp tục yêu cầu làm tốt hơn nữa việc luân chuyển, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới.

Luân chuyển, hiểu nôm na rằng, đó là việc đưa cán bộ từ nơi này đến nơi khác đảm nhiệm những công việc khác để nhằm mục đích đào tạo cán bộ phát triển toàn diện. Nó khác với việc sắp xếp, điều động thông thường. Luân chuyển cán bộ gắn liền với quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm. Quy định của Trung ương lần này nêu rõ, đối tượng luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Những năm qua, về cơ bản chúng ta đã làm khá tốt công tác luân chuyển cán bộ. Nhờ điều chuyển với định hướng quy hoạch, đào tạo trong thực tiễn mà từ địa phương đến Trung ương có đội ngũ cán bộ dồi dào. Vì thế đã khắc phục được tình trạng “đốt đuốc đi tìm” cán bộ, tránh được tình trạng hẫng hụt, ta hay nói nôm na “chuối chín cả nải”. Luân chuyển, một trong những cách làm hay để có được đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cao. Bây giờ đi đến các địa phương thấy rằng, hầu hết cán bộ chủ chốt cấp huyện ở độ tuổi 40, cấp tỉnh từ 45 đến 50. Ngay trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đội ngũ giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị phần lớn cũng ở tuổi 40-45, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo.

Thế nhưng, đằng sau câu chuyện luân chuyển còn những lợn cợn. Các đồng chí lãnh đạo trong các hội nghị thường nói một cách tế nhị rằng: công tác luân chuyển còn “có vấn đề”. Cái vấn đề đó là gì? Là có nơi, người đứng đầu cấp ủy tìm cách đưa người không ăn cánh đi nơi khác để dễ bề bổ nhiệm những người cùng cánh vế với mình. Là có nơi, người ta đưa ai đó từ Trung ương đi địa phương cốt nhằm hợp thức hóa, nhằm “dán nhãn” để nhoi lên cao hơn. Là có nơi, lãnh đạo “tạo điều kiện” đưa cán bộ đi học hết lớp này đến lớp khác cho “đẹp hồ sơ”. Đi học chủ yếu lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhưng khi học xong thì luân chuyển đến một địa phương chẳng liên quan gì đến chuyên môn. Một giám đốc có thể quản lý kinh tế giỏi, một nhà báo có thể viết báo hay, nhưng khi luân chuyển đến địa phương nào đó thì trở thành một phó bí thư, một phó chủ tịch trung bình, thậm chí yếu kém. Đã có tình trạng một cán bộ cấp vụ luân chuyển đi làm cán bộ cấp tỉnh, rồi “sa lầy” ở đó… hai nhiệm kỳ. Cơ quan cũ không có nhu cầu nhận lại. Địa phương tiếp nhận thì ngán ngẩm vì lần bầu cử nào cũng nín thở, lo nhất là “đồng chí ấy trượt cấp ủy” lại mang tiếng cục bộ địa phương. Ngán hơn là cán bộ tại chỗ bị “tắc”, luồng lạch khó khơi thông. Có đồng chí cấp trưởng ở một cơ quan bộ, sau ba năm đi luân chuyển trở về phải bố trí làm “phó” vì các vị trí đã chật cứng. Cơ quan ấy râm ran câu vè: “Chuyển luân đi dễ khó về/Khi đi ban trưởng khi về phó ban”(!). Có anh cán bộ đi luân chuyển, đúng vào thời gian cấp ủy nơi đến đang mất đoàn kết. Chao ôi là mệt! Họp thường trực có ba người thì cô nhân viên văn phòng “quên”, chỉ chuẩn bị… hai cái chén uống nước.

Làm thế nào để cán bộ sẵn sàng đi luân chuyển? Điều này thì không quy định nào có thể ôm hết được. Đi là để đào tạo. Đi là để thử thách. Đi là để có cơ hội thăng tiến. Nhưng đi, có khi, không còn “nguyên đai nguyên kiện” mà về. Tâm lý đó là có thật. Một Tổng giám đốc doanh nghiệp trước khi được vào “guồng” tâm sự với tôi rằng: “Em lo lắm bác ạ. Chả khác gì tâm lý ngày xưa đi thi lấy bằng lái ô tô. Lái giỏi, chắc gì thi đã tốt!”. Thế nhưng anh ấy đã lo quá xa. Sau một nhiệm kỳ về công tác địa phương anh đã thành công, được lên chức cao hơn. Đi đứng, nói năng đã có gang có thép. Anh bảo, may quá, nơi em luân chuyển đến, cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư rất công tâm. Đồng chí ấy nói vui, có bảo bối “chống trượt” rồi: đoàn kết, dân chủ, công khai. Muốn lấy hiệu quả công việc làm thước đo thì phải giao việc cụ thể. Muốn cán bộ dám nghĩ, dám làm thì phải bảo vệ người ta, nghĩ lúc đầu có thể chưa đúng, làm lúc đầu có thể loạc choạc, cứ tự nâng mình lên từng bước. Nơi thử thách tốt nhất là nơi nhiệm vụ khó khăn, đột xuất, ở đó bộc lộ rõ nhất năng lực, phẩm chất, chính kiến của người cán bộ.

Cũng cần phải nói thêm về tiêu chuẩn cán bộ khi luân chuyển. Một số anh chị em trước khi chuyển công tác thường đã lo xong chuyện học qua trường nọ lớp kia. Tiêu chuẩn cán bộ các cấp đã được Đảng ta quy định rất rõ trong chiến lược cán bộ. Bằng cấp, học hàm, học vị là rất cần thiết, nhưng hoàn toàn không phải là thước đo năng lực cán bộ, trừ những cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà trường có những quy định riêng, để tránh tình trạng “cháo khoai lại độn ngọn khoai” trong đào tạo. Thời nào cũng thế, học trong cuộc sống thì bài học ấy mới sâu, vì học gắn với hành. Ở một xưởng sản xuất người ta cần một thợ lành nghề có bàn tay vàng hơn là cần một ông tiến sĩ. Không ai quạt cả cái lò than để đốt mấy sợi tóc. Bởi vậy, một số nơi đề ra những quy định “nội bộ” đòi hỏi cán bộ phải có bằng này bằng nọ vô hình trung đã khuyến khích tình trạng chạy theo bằng cấp, hữu danh vô thực. Thế mới nảy sinh “lò ấp tiến sĩ” mở lối cho cán bộ có mác mỏ trước khi đi đào tạo qua thực tiễn. Có những luận văn trở thành trò cười cho thiên hạ, như cái luận văn tiến sĩ giáo dục học đang nóng rẫy trên báo chí về phát triển cầu lông ở Sơn La. Trời ơi, chiếc cầu lông nhẹ bấc kia thì có liên quan chi đến giáo dục học mà đẻ ra cái đề tài toen hoẻn như thế. Phải nói thật, luận văn cử nhân cũng không đáng! Chẳng lẽ mấy ông Hội đồng, mấy bà hướng dẫn, phản biện vô can trong chuyện này?

Như phần đầu bài viết đã trình bày, những ưu điểm, kết quả tốt đẹp của công tác luân chuyển cán bộ là rất đáng ghi nhận. Song, những điều bất cập, hạn chế, thiếu sót cũng không ít, rất cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Hi vọng rằng, với quy định mới về công tác luân chuyển cán bộ, chúng ta sẽ chuẩn bị một cách toàn diện, kĩ lưỡng cho một mùa gặt mới, được mùa trong công tác chuẩn bị, đào tạo người tài-đức cho tương lai gần và tương lai xa...

Hải Đường

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vui-buon-chuyen-luan-chuyen-can-bo-a21597.html