Nghệ An: Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Chiều nay 30/4, tại Quảng trường trung tâm huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí; bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm Cầu Cấm và công bố huyện Nghi Lộc đạt chuẩn NTM.

z3380145774781-e5020b6f0c8cfeae37f761b44060f2a9-1651314501.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự Lễ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Dự lễ, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía lãnh đạo Quân khu 4 có các đồng chí: Thiếu tướng Lê Quyết Thắng - Phó Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu tướng Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4.

Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương. 

Mang trong mình truyền thống văn hóa lâu đời của một vùng quê xứ Nghệ, Nghi Lộc đang trở mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến với Nghi Lộc, là đến với đất “thang mộc” của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh.

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Về Nghi Lộc ta mới thấy được vẻ đẹp hữu tình của vùng đất anh hùng này. Nơi có “rừng vàng, biển bạc”, núi sông hùng vĩ, đời sống nhân dân ổn định, kinh tế phát triển và không ngừng vươn lên mạnh mẽ. Chính những truyền thống lịch sử, văn hóa, và điều kiện tự nhiên đã hun đúc nên Nghi Lộc ngày hôm nay. Nghi Lộc, mảnh đất địa linh nhân kiệt, không chỉ có những anh hùng kiệt xuất, song hành với đó là những con người thời bình đậm chữ tình, chịu thương - chịu khó, cần cù, sáng tạo, trọng dụng nhân tài.

Nghi Lộc là vùng đất non nước hữu tình, "Đông có biển, Tây có rừng", bờ biển với hai cửa sông lớn là Cửa Lò và Cửa Hội, có kênh Nhà Lê; vị trí địa lí, địa hình của huyện thuận lợi nhiều mặt cho phát triển kinh tế và phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử, vùng đất Nghi Lộc trở thành "phên dậu", tuyến phòng thủ, căn cứ địa… của nhiều danh tướng các triều đại: Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đến Quang Trung - Nguyễn Huệ và trong phong trào Cần Vương, nhiều nơi trên đất Nghi Lộc là nơi tụ quân của các chí sĩ yêu nước.

Nghi Lộc tự hào là vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh; cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; mộc mạc chân thành trong đời sống. Trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Nghi Lộc đã chứng kiến lớp lớp thế hệ những người con ưu tú hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó sáng ngời lên tên tuổi và sự nghiệp của một vị Danh tướng - Danh thần, được tôn vinh là “Người hai lần khai quốc”: Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. 

z3380142139690-e745390d359b58a3203441b064f47845-1651314608.jpg
Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Ngọn lửa rực sáng - Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí

Năm 1418, Nguyễn Xí cùng với anh trai là Nguyễn Biện ở làng Thượng Xá gia nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Trải 10 năm nếm mật nằm gai, Nguyễn Xí với vai trò là một tướng lĩnh trung thành, tài năng kiệt xuất đã cùng với nghĩa quân làm nên nhiều chiến thắng oanh liệt, đập tan ách thống trị nhà Minh, dành lại nền độc lập do dân tộc. 

Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí là người giữ nhiều chức vụ trọng yếu, là đại thần phò tá đắc lực cho 4 đời vua Lê, góp phần to lớn để xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi. Đặc biệt khi vương triều nhà Lê xảy ra sự kiện Lê Nghi Dân giết vua và Hoàng Thái Hậu để cướp ngôi, gây ra sự nhiễu loạn trong triều đình. Nguyễn Xí đã đã đứng ra xướng nghĩa diệt trừ bọn phản loạn, dẹp bỏ Lê Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông lên ngôi, xây dựng một vương triều cực thịnh, toàn diện nhất trong chế độ phong kiến nước ta và một quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á. 

Trải qua nhiều vị trí, chức tước trọng yếu qua các giai đoạn khác nhau như: Thượng tướng quân, Đô đốc, Thái úy, Thái phó, Thái sư, Quận công, Quốc công… Nguyễn Xí không những lập đại công tích “Hai lần khai quốc”, ông và các con, cháu còn có công lao to lớn trong việc khai hoang, lập làng, hình thành các khu dân cư đông đúc, trù phú ở nhiều vùng đất của huyện Chân Phúc xưa (nay là huyện Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò). 

142355656345634366-1651314655.png
Đền thờ Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Với những công lao to lớn, Nguyễn Xí đã được các triều đại và nhân dân muôn đời ghi nhận, tôn vinh. Ông được vua Lê Thánh Tông hết lòng yêu thương và kính trọng. Trong lịch sử phong kiến nước nhà hiếm có một bề tôi nào lại được vua kính yêu, chăm sóc chu đáo đến tận những ngày cuối đời như ông. Lê Thánh Tông còn viết bài Chế dụ dành tặng cho Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng: “Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại... Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như nước chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lầm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biên đều ngưỡng vọng uy danh...”.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có nhiều Đền thờ, nhiều con đường mang tên ông, hàng trăm cuốn sách, đề tài khoa học, bài báo, phim, phóng sự, tác phẩm nghệ thuật… nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. 

Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí được xây dựng vào năm 1647 theo chế độ “quốc tạo, quốc tế” (nhà nước xây dựng và thờ tự), vua sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia ghi nhớ công trạng. Đền thờ là một quần thể kiến trúc đẹp, cổ kính có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc biệt, vừa mang đậm dấu ấn truyền thống của văn hoá Việt Nam, vừa làm nổi bật được uy danh của vị danh tướng kiệt xuất Xứ Nghệ.

Trong những năm qua, Đền thờ Nguyễn Xí được tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang. Nhiều công trình được xây dựng làm cho Di tích ngày càng được bảo tồn và phát huy tốt giá trị cho hôm nay và mãi mãi về sau.

Với những giá trị to lớn, đặc biệt của Di tích, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

z3380142129750-47e9b0ccefbb05d84faeb507b0356d08-1651314841.jpg
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cầu Cấm - Tọa độ lửa anh hùng

Không những trong thời kỳ phong kiến, mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; quân, dân Nghi Lộc đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, động viên mọi nguồn lực tham gia chiến đấu. Trên quê hương Nghi Lộc đã có nhiều địa điểm ghi dấu chiến công bi hùng của quân và dân ta, trong đó nổi bật là địa điểm lịch sử Cầu Cấm, được gọi là “Tọa độ lửa anh hùng”, là địa điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa điểm cầu Cấm là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, trọng điểm đánh phá, oanh tạc bằng máy bay của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện từ Bắc vào Nam. Hàng vạn tấn bom mìn của đế quốc Mỹ trút xuống trận địa cầu Cấm.

Nơi đây đã chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta nhằm bảo vệ cầu Cấm, bảo vệ giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Hàng trăm chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh, góp phần to lớn trong chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược. Địa điểm Cầu Cấm đã xuất hiện nhiều chiến tích kỳ diệu mang tính huyền thoại như: Đơn vị Thanh niên xung phong 324 với chiến công bắt sống giặc lái Mỹ, “tiểu đội cọc tiêu sống”; Đại đội TNXP 333 - Đơn vị được Bác Hồ gửi thư khen tặng; sự kiện bi tráng 35 chiến sỹ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong cùng một khoảnh khắc, máu xương của họ đã hòa vào địa điểm Cầu Cấm linh thiêng vì lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Địa điểm Cầu Cấm đã trở thành một trong những biểu tưởng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngày 04/11/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3241/QÐ-BVHTTDL xếp hạng địa điểm lịch sử Cầu Cấm là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Với những thành tích to lớn trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân Nghi Lộc được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Toàn huyện có 26 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 12 cá nhân được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang”, 4 cá nhân là “Anh hùng lao động và AHLĐ trong thời kỳ đổi mới”, 313 “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 4.682 liệt sỹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập của Tổ quốc. Đất nước hòa bình, nhân dân Nghi Lộc dốc sức xây dựng quê hương với phương châm: lao động sáng tạo, cần cù học tập, tích cực hội nhập, tạo sức mạnh nội sinh cho quê hương ngày càng phát triển.

z3380142136799-929e4a9a274005e3cb8798b340d1f238-1651315389.jpg
Trong 10 năm, huyện Nghi Lộc tập trung phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt nhiều kết quả mang tính đột phá. Ảnh: Nguyễn Diệu

Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Bước vào thời kỳ đổi mới, kế thừa truyền thống quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nghi Lộc đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt, trong 10 năm gần đây, huyện nhà đã tập trung cao thực hiện Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt nhiều kết quả mang tính đột phá. 

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo thường xuyên của của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của Trung ương, Nghi Lộc trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh Nghệ An với nhiều khu công nghiệp, dịch vụ, dự án kinh tế lớn, như Khu CN Nam cấm; Cảng biển nước sâu quốc tế Nghi Thiết; tổng kho xăng dầu DKC; Khu CN Hemaraj - WHA... Kinh tế luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng từ 12 - 13%. Tỷ trọng công nghiệp dịch vụ từ 69% năm 2010 lên mức 82% năm 2018, nông nghiệp từ 31% xuống còn 18%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 240 km/1.270 km đường giao thông liên xã đã rải nhựa, hàng ngàn km đường liên thôn được bê tông hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới; 100%  xã, thị trấn có trụ sở cao tầng, trường học kiên cố; 80% trường học đạt chuẩn Quốc gia; 29 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 100% xã có bác sĩ; bệnh viện Đa khoa huyện đạt tiêu chí bệnh viện hạng 2. Toàn huyện có 28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được được nâng lên... 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, trọng tâm là không ngừng đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường khả năng quản lý và điều hành của các cấp chính quyền; phát huy vai trò tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Đảng bộ huyện Nghi Lộc nhiều năm liền đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”.

z3380142125175-114d998d4d027811220972d85e1f446c-1651315122.jpg
Lễ công bố huyện Nghi Lộc đạt chuẩn Nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tổ chức Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí, Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Cầu Cấm và huyện đạt chuẩn Nông thôn mới là lúc để nhân dân toàn tỉnh nói chung, nhân dân Nghi Lộc nói riêng tự hào về giá trị lịch sử, văn hóa, về thành tích vẻ vang của cha ông trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược; phấn khởi về những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ và nhân dân trong sự nghiệp đổi mới; vui mừng về những người con quê hương, đang học tập, công tác và sinh sống ở mọi miền đất nước và nước ngoài, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển quê hương đất nước. 

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-le-don-nhan-bang-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-a21539.html