Bà Nguyễn Thị Thanh là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, bà sinh năm Giáp Thân (1884), mất năm Giáp Ngọ (1954). Bà là chị gái của Bác Hồ, sinh ra tại làng Hoàng Trù, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Năm bà Thanh 11 tuổi, thân sinh của bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh thành Huế dự thi đã ngỏ ý nhờ mẹ bà vào cùng hỗ trợ. Bà Hoàng Thị Loan vâng lời chồng, đưa 2 em của bà vào kinh thành Huế và gửi lại bà cho bà ngoại là Nguyễn Thị Kép nuôi dưỡng. Lúc này bà ngoại đã ngoài 60, Hoàng Thị An đã lấy chồng nên một mình bà lo toan, đỡ đần bà ngoại trong hầu hết các công việc gia đình.
Năm bà 17 tuổi (1901) thì mẹ mất vì bạo bệnh sau khi sinh người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Xin được mấy tháng, lúc này cha bà đưa cả 3 con về lại quê Nam Đàn cậy nhờ. Do lo lắng việc nước, ông thường xuyên đi đó đây để tìm những người đồng chí cùng chí hướng, luận bàn thời cuộc. Một tay bà Thanh vừa lo quán xuyến công việc trong gia đình, vừa chăm sóc các em là Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung cùng với đứa em mới chào đời là Nguyễn Sinh Xin còn đang khát sữa mẹ. Nhưng do đau ốm, một thời gian ngắn sau người em út của bà cũng qua đời.
Quá trình hoạt động cách mạng của Bạch Liên nữ sĩ
Năm 1906, khi bà 22 tuổi thì ông Nguyễn Sinh Sắc quay trở lại Huế nhận chức Thừa biện bộ lễ, bà Thanh xin phép cha được ở lại quê nhà trông nom nhà cửa, vườn tược. Và cũng từ thời gian này bà bắt bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước cùng với Đội Quyên, Ấm Võ. Bà có mối liên hệ chặt chẽ với nhà yêu nước Phan Bội Châu từ khi hoạt động trong Đội Quyên, Đội Phấn. Bà phụ trách liên lạc, quyên góp tiền cho nghĩa quân và phong trào Đông Du.
Cuối năm 1910, trong lúc đang làm nhiệm vụ thì bà bị địch bắt. Bị chúng đánh đập tàn nhẫn, nếm đủ cực hình dã man nhưng bà không hề hé răng khai nửa lời. Không tìm được chứng cứ cụ thể, bọn chúng phải trả tự do cho bà. Ra tù, bà Thanh tiếp tục hoạt động, mở quán cơm ngay gần thành Vinh nhằm tiếp cận đồn lính khố xanh, nắm tình hình địch. Sau đó, bà và một đồng chí tổ chức cướp súng địch để trang bị cho nghĩa quân, sự việc không may bị bại lộ, bà Thanh bị bắt và kết án 9 năm tù khổ sai.
Ngày 2/12/1918, bà Thanh bị đưa vào nhà lao Quảng Ngãi. Tại đây, nhờ tài bốc thuốc chữa bệnh và có vốn kiến thức Hán học, bà được Án sát Phạm Bá Phổ mời về nhà riêng làm gia sư cho con trai mình. Bằng khả năng thuyết phục và tài cảm hóa, bà đã giác ngộ cho Phạm Bá Nguyên (con trai của Phạm Bá Phổ) tích cực hoạt động cứu nước và sau này được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1922, bà Thanh xin phép về thăm quê hương và cũng trong chuyến đi này, bà bí mật mang hài cốt mẹ bà là Hoàng Thị Loan về an táng tại quê nhà.
Là người phụ nữ khẳng khái, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, tháng 11/1926, bà Thanh gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung kỳ nói rõ quan điểm chính trị của mình, đòi ân xá cho vua Thành Thái và vua Duy Tân. Trong thời gian sống ở Huế, bà thường tới thăm viếng, chăm sóc, đàm đạo với cụ Phan Bội Châu về vận mệnh đất nước, về những đồng chí của mình và tham gia vào nhóm trí thức yêu nước ở Huế.
Tháng 9/1930, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bước vào cao trào, thực dân Pháp ra lệnh cách chức Tổng đốc An Tĩnh của Nguyễn Khoa Kỳ, bổ nhiệm Phạm Bá Phổ ra thay thế nhằm trấn áp phong trào cách mạng ở xứ Nghệ. Làng Sen, quê nội của bà là một trong những địa điểm bị chú ý. Phạm Bá Phổ đã về tận làng để trấn áp những người cách mạng. Với lòng dũng cảm và lòng yêu mến quê hương tha thiết, bà đã lặn lội về quê tìm cách thuyết phục, can ngăn, buộc Phạm Bá Phổ không thực hiện được ý đồ.
Sau nhiều năm lăn lộn trong phong trào cách mạng, nếm trải mọi hiểm nguy, ngày 18/9/1940, bà Nguyễn Thị Thanh được trả tự do trở về quê hương sinh sống. Khi biết đích thực Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là em trai mình, năm 1946, bà đã lên đường ra Hà Nội thăm em, sau đó trở về làng Sen sống trọn đời người công dân mẫu mực với bà con, xóm làng.
Đưa hài cốt của mẹ về quê
Trong thời gian được chuyển ra Huế cùng gia đình Nguyễn Bá Phổ, khoảng tháng 10 năm Nhâm Tuất (1922), nữ sĩ Bạch Liên suy nghĩ nếu cứ để mẹ mình đơn côi, xa quê hương 400km thì lòng dạ bà không yên. Vì thế, bà đã tìm cơ hội cùng với mấy người bạn gái thân thiết bí mật đưa hài cốt mẹ về quê.
Đây là chuyến đi mạo hiểm, gian nguy bởi bà vẫn đang trong thời gian bị quản thúc ở Huế. Nếu trên đường đi mà bị phát hiện thì tính mạng bà sẽ gặp nguy hiểm.
Bà đã đào lấy hài cốt bà Loan, dùng nước thơm từ gỗ quý rửa sạch, gói vào tấm lụa đẹp, cho vào túi giống tay nải của khách bộ hành, rồi đi bộ theo đường thiên lý Nam - Bắc.
Ròng rã hơn hai tuần mới về đến quê hương Kim Liên. Chuyến đi bí mật đầy rẫy hiểm nguy đã thành công nhờ trí thông minh và dũng khí mãnh liệt của người con gái chí hiếu, được bà con lối xóm đánh giá là một việc làm phi thường lúc bấy giờ.
Đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), sau nhiều tháng tìm kiếm, ông Khiêm đã chọn được vị trí bằng phẳng của mỏm núi Động Tranh Thấp làm huyệt đạo cải táng cho mẹ, ông biện lễ trầu rượu đến xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt, dẫn hai người cháu là Nguyễn Sinh Vinh ở xã Kim Liên và Nguyễn Luận ở xã Hữu Biệt lên đào 9 huyệt rải rác ở núi Động Tranh Thấp. Đêm về khuya, ông mới lặng lẽ một mình đưa hài cốt của Bà Hoàng Thị Loan xuống một trong chín huyệt đã đào sẵn rồi lấp đất lại. Sau này, năm 1946 được ra thủ đô Hà Nội gặp gỡ em trai mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh ông cả Khiêm mới trở về quê hương mời bà con hai dòng họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân lên núi Động Tranh công bố “Đây là mộ của mẹ tôi”.
Luôn mang kỷ vật của mẹ bên mình
Cố nhà văn Sơn Tùng, người có nhiều tác phẩm rất hay và chi tiết về Bác và gia đình Bác; Người có nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện thân tình với bà Nguyễn Thị Thanh, ông có thắc mắc không thấy bà Thanh ăn trầu, mà sao lúc nào cũng giữ ống bình vôi bên cạnh thì được bà trả lời: “Ống bình vôi này là vật thiêng của mẹ O để lại. Năm 1922, sau lúc O được ra tù, O đã đi vào Huế, bí mật đưa hài cốt mẹ O về Nam Đàn. Khi mẹ O qua đời, O không có mặt để chịu tang, chỉ có mình cậu Thành và em út. Nay khi bốc mộ mẹ, O mới biết ngày chôn cất mẹ O, bà con ở thành nội đã chôn theo chiếc bình vôi mà thường ngày mẹ O lấy vôi để ăn trầu. Nay cải táng, bác Cả Khiêm lo việc phần mộ, O xin giữ lại chiếc bình vôi này để O đỡ nhớ mẹ, bõ những ngày không được ở bên mẹ O. Cháu biết không, khi mẹ O ở Huế, cha mẹ O để O phải về Nam Đàn chăm sóc ông bà ngoại. O xa mẹ, O nhớ lắm cháu ơi! Ai không được gần mẹ, thiệt thòi lắm cháu ơi!”.
Những câu nói day dứt mà thấm thía đến thế của 1 người con cả với thuở niên thiếu sống xa mẹ, lớn thì mất mẹ sớm, thèm hơi ấm mẹ, thèm ở cạnh mẹ sao mà chua xót đến thế.
Cuộc hội ngộ của chị em Bác Hồ
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Nguyễn Thị Thanh sau một thời gian hoạt động cách mạng ở nhiều nơi đã chuyển về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, bà đã vào độ tuổi ngoài 60. Khi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính em trai mình, cuối năm 1946, bà đã ra Hà Nội để thăm Người. Đồng chí Hồ Quang Chính, người chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động ấy, sau này là tác giả cuốn hồi ký “Bác Hồ gặp chị và người anh ruột” đã thuật lại trong cuốn sách như sau:
Hôm ấy, vào lúc 11h30’ ngày 27/10/1946 vừa nhìn thấy Bác, bà Thanh vừa gọi, vừa chạy lại ôm lấy Bác: “Cậu, cậu, cậu khoẻ không?” và Bác khóc, nước mắt Bác thấm vào cánh tay áo của bà, mắt Bác chớp chớp, Bác lấy khăn lau mắt mình và nói: “Chị khoẻ không? Em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra, chưa thể dứt việc được”.
Sau phút giây cảm động ấy, Bác và bà Thanh đi lại phía bàn. Bác kéo ghế mời bà Thanh ngồi, bà Thanh hỏi Bác: “Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài non nước không? Thuở đó, gia đình ta khá vất vả”.
Nói đến đây, bà lại khóc khiến nét mặt Bác bùi ngùi cảm động. Bác lấy khăn chấm chấm đôi mắt mình, vừa hút thuốc, vừa nhìn ra cửa sổ, Bác nói: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Chị ơi, ở nước ngoài, có đôi khi đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nghe một lời ru con của người mình, thì lòng dạ mình lại càng thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”.
Sau đó, Bác hỏi đến quê hương làng Kim Liên, làng Hoàng Trù (quê nội và quê ngoại Bác), ông nội của anh Nguyễn Sinh Thọ (cháu gọi Bác Hồ bằng ông) và một số cụ ở quê nhà. Bà Thanh và anh Thọ lần lượt trả lời. Sau khi Bác nói chuyện với bà Thanh, anh Thọ, Bác quay sang để tay lên vai tôi và hỏi: “Thế còn cháu quê ở làng nào?”. Tôi trả lời: “Thưa ông, cháu quê ở làng Thọ Toán cuối huyện Nam Đàn”. Nói đến đây, tôi sợ Bác không biết làng tôi, tôi thưa tiếp: “Thưa ông, làng cháu ở gần làng Phổ Đông, Phổ Tứ, làng Nam Kim, gần sông Lam, gần cầu sắt Yên Xuân”. Bác nói: “Ờ, ờ, ông nhớ rồi, vùng đó có bãi giữa khá to của sông Lam, có lần ông đã đi đò dọc qua đó để đưa thư cho các cụ hoạt động chống đế quốc Pháp”. Rồi Bác hỏi cha mẹ tôi, hỏi tôi gặp và quen bác Hồ Tùng Mậu từ bao giờ? Tôi lần lượt trả lời Bác Hồ. Bác nói: “Tuy xa quê lâu, nhưng ông vẫn nhớ hàng dâm bụt, dãy chè xanh, đến tương, món cá khô, đến hát dặm Nghệ - Tĩnh”. Bác hỏi chúng tôi có hay đi hát phường vải không? Và Bác mỉm cười.
Bà Thanh sực nhớ và nói: “Chị biếu cậu một chai tương Nam Đàn và hai con gà”. Vừa nói, bà vừa chỉ vào góc tường chỗ để chai tương và hai con gà. Bác vui vẻ đáp: “Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng”.
Bà Thanh thân mật hỏi Bác: Khi nào cậu về thăm quê được?. Bác nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau, Bác trả lời: “Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Hai chị em đôi mắt ngấn lệ.
Sau lần đó, bà Thanh trở về sống ở quê hương Kim Liên. Cuộc đời của bà là một tấm gương về lòng yêu nước thương dân, chí công vô tư mà bà đã hiến dâng cho sự nghiệp cho cách mạng.
Ngày 25 tháng 4 năm 1954 (ngày 23/3 năm Giáp Ngọ), bà qua đời, nhưng bông sen trắng ấy vẫn sống mãi với dân tộc, trường tồn cùng thời gian.
Bà Nguyễn Thị Thanh, một cuộc đời dũng cảm, vượt qua giới hạn của lễ giáo phong kiến, gánh vác trách nhiệm vẻ vang. Cuộc sống giản dị của bà không màng danh lợi, địa vị, một con người giàu lòng vị tha, nặng tình nặng nghĩa với bà con lối xóm, với cha mẹ, anh em, họ hàng thân thuộc.
Cuộc đời của bà Thanh là tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam về đạo đức, phẩm chất cao quý và tấm lòng yêu nước sâu sắc. Bà Nguyễn Thị Thanh - Bạch Liên nữ sỹ - bông sen trắng luôn tỏa hương thơm ngát trên của quê hương xứ Nghệ./.
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bach-lien-nu-si-nguyen-thi-thanh-a21536.html