Theo ghi chép, Đình Mõ được khởi dựng từ năm 1675 dưới thời vua Lê Gia Tông, tại làng Đức Hậu, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay là Hậu Thành, huyện Yên Thành) nơi đây thờ Thành hoàng làng và các vị thần có công với đất nước. Lúc đầu đình chỉ là một ngôi nhà tranh ba gian, nhưng đến năm 1884, đình được xây dựng quy mô với 3 ngôi nhà lớn, 3 năm sau thì bị thực dân Pháp đánh vào làng và đốt cháy đình. Năm 1912, đình được xây dựng lại.
Hiện nay, toàn bộ di tích Đình Mõ rộng 4.300, gồm 4 công trình kiến trúc là nhà Bái đường, nhà Hậu cung, nhà Tả vu và Hữu vu.
Nhà Bái đường được làm chủ yếu bằng gỗ lim, có chiều dài là 15,6m, chiều rộng là 7,9m, mái lợp ngói âm dương. Tòa nhà được kết cấu theo kiểu tam oai, với kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống.
Nhà Hậu cung có 3 gian, 4 vì kèo, nền nhà lát gạch cẩm trang, khung làm bằng gỗ lim, được trang trí lưỡng long chầu nguyệt uy nghi, mái lợp ngói âm dương.
Hệ thống nhà Tả vu và Hữu vu có 6 gian, 5 vì, xây tường bít đốc, lợp ngói âm dương, kết cấu kiểu tứ trụ.
Đình Mõ không chỉ là nơi thờ tự thiêng liêng, nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã, mà còn là chứng tích cho nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở địa phương: Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, hai ông Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã đã chọn khu vực đình Mõ làm đại bản doanh để hoạt động. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm", Đình Mõ đã mở lớp bình dân học vụ đầu tiên trong vùng.
Hàng năm, Đình Mõ tổ chức 2 kỳ lễ tế, là Tiểu Điển vào ngày 15/3 (Al) và Đại Điển ngày 15/11 (Al), quy tụ đông đảo bà con tham gia. Với những giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật đó, năm 2006, Đình Mõ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận là di tích Lịch sử - Kiến trúc Quốc gia.
Hiện nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thêm vào đó là sự tác động của thiên nhiên khiến Đình Mõ xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, 2 dãy nhà Tả vu và Hữu vu có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, cần khẩn cấp sửa chữa.
Phần mái ngói bị xô dạt, hư hỏng nghiêm trọng, nứt và rơi rụng dần, lộ ra diện tích lớn kết cấu gỗ của mái nhà không còn khả năng che mưa, che nắng tạo ra khoảng trống lớn. Các phần cột, xà gỗ bị mối mọt đục rỗng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Khu nhà Bái đường và Hậu cung nhiều cột, vách gỗ bị mối mọt đục rỗng, nền, tường đình có nhiều vết nứt lớn theo thời gian, phần mái có nhiều chỗ hư hỏng, bị dột nước khi gặp mưa.
Thời gian qua, để gìn giữ và sử dụng, chính quyền địa phương đã lợp bạt trùm lên mái nhà Tả vu.
Trao đổi với P/V, lãnh đạo xã Hậu Thành cho biết, Đình Mõ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 2006. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh như cầu phúc, cầu tài, cầu yên của địa phương.
Hiện nay, một số công trình trong khuôn viên di tích đã xuống cấp nghiêm trọng , đặc biệt là 2 dãy nhà Tả Vu và Hữu Vu.
Trong thời gian qua, chính quyền xã Hậu Thành cũng đã có thư ngỏ gửi con em làm ăn xa quê, người dân địa phương… chung tay đóng góp để tu sửa, tôn tạo lại hai dãy nhà tả vu và hữu vu.
Lê Việt
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-di-tich-lich-su-quoc-gia-dinh-mo-xuong-cap-nghiem-trong-a21483.html