Theo chân cán bộ văn hóa xã Minh Tân, chúng tôi đến khu vực người dân địa phương nơi đây gọi là “cồn vỏ hến”. Tài liệu còn lưu giữ ở phòng văn hóa xã cho thấy, khu vực di chỉ khảo cổ “cồn vỏ hến” được nhà khảo cổ học E.Patte phát hiện và khai quật lần đầu vào năm 1926. Kết quả khai quật lần đầu phát hiện sự tồn tại của “cồn vỏ hến” với địa tầng sâu 16 m, cùng nhiều những vật liệu như: rìu đá, bàn nghền, cuốc đá, chày, đồ gốm… minh chứng rõ niên đại đá mới của di tích.
Từ đó đến nay đã có nhiều cuộc khảo cổ tại đây, song xung quanh di chỉ hiện thời cũng chưa có một lý giải nào nhất quán về sự xuất hiện kỳ lạ của “cồn vỏ hến”. Có giả thiết cho rằng, “cồn vỏ hến” được hình thành từ tự nhiên, bởi đây là vùng nước rộng, trải qua nhiều thế kỷ thì địa tầng được nâng lên, “cồn hến” là do sóng nước đẩy dồn mà thành. Song cũng có giả thiết cho biết, người dân thời kỳ đồ đá ngụ cư bên dòng sông Mã, xuống sông cào hến về ăn rồi đổ ra đó, lâu năm thì tạo thành cồn hến đến ngày nay.
Trong trí nhớ của các bậc cao niên làng Đa Bút, “cồn hến nằm” ở ven sông dài tới 50m, rộng 32m, dày 15 đến 16m, ngày nay đã không còn nguyên vẹn như xưa, mặc dù đã có nhiều đoàn khoa học khi về khảo sát, khai quật nhưng cũng không đưa ra được lý giải cuối cùng.
Từ “cồn vỏ hến” chúng tôi đi bộ đến khu lăng mộ thờ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm (Diễm) với những pho tượng đá cổ. Bà là vợ chúa Trịnh Doanh và mẹ chúa Trịnh Sâm. Bà từng được tôn xưng là bậc thánh Mẫu. Bởi vậy, khu lăng mộ còn được biết đến với tên gọi Lăng bà thánh Mẫu; miếu Bà. Sau khi qua đời bà được an táng tại núi Mông Cù. Để tránh kẻ gian ác, tiểu nhân, khu lăng mộ của bà được bí mật lập ở 3 nơi khác nhau trên núi. Đến nay người dân địa phương vẫn chưa xác định được đâu là mộ thực của Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm.
Trải qua thời gian với những biến động lịch sử, đến nay tại khu lăng mộ của Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm còn lưu giữ 12 tượng vũ sĩ bài trí hai bên; ở mỗi bên tượng vũ sĩ còn có một tượng phỗng đá. Nhìn từ 4 phía đều có bố cục khác nhau.
12 tượng vũ sĩ được chạm khắc tinh tế công phu từ đá nguyên khối, xanh sẫm với trang phục võ quan giáp trụ thời chúa Trịnh. Không kể đế vuông ở dưới, mỗi pho tượng cao khoảng 1,8m, đầu đội mũ tròn, phần trước mũ và hai bên mang tai chạm vân mây nổi nhẹ, gần đỉnh mũ gồ lên; nét chạm khắc khỏe khoắn làm nổi rõ khối mặt võ sĩ đường bệ, râu dài, có ria mép chạm nổi. Gương mặt trang nghiêm, trầm tư của võ quan đứng tuổi; thân tượng đứng thẳng, tay bồng gươm; áo giáp tượng được điêu khắc hai lớp, có mép viền lớn, vảy lục lăng; Quần giáp là những mảng rộng khỏe, có lá che phía trước, bên trong là triều phục thu gọn, bên dưới là giầy chiến kiểu hia đường bệ. Theo các nhà nghiên cứu, nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút không chỉ đẹp ở giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng thông tin về trang phục quân đội thời chúa Trịnh.
Hai tượng phỗng đá cao khoảng 1,2m, tạo tác trong tư thế chầu đợi lệnh với hai chân “quặp” ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực, tóc búi trái đào, mũi dô, mắt lồi, miệng rộng… các chi tiết được điêu khắc tinh xảo.
Cách đền Thánh Mẫu không xa, là khu vực Hành cung nhà Trịnh được xây dựng trên một khu đồi thoải nhưng bằng phẳng nằm ngay dưới chân núi Mông Cù. Ở đây còn lại vết tích của nền móng xưa với nhiều loại vật liệu cổ như gạch kích thước lớn, ngói mũi hài to bản… Nhưng điều đáng chú ý là tại khu vực trước của hành cung là 6 con rồng đá được phân bố thành hai bậc, bậc thứ nhất là hai con rồng nằm trầu theo lối bậc trước sân, tiếp theo chừng 5m phía trên là một hàng 4 con rồng nằm song song theo hướng đồng trục. 3 cặp rồng được chạm khắc tinh tế, hoa văn trên đá cho thấy nghệ điêu khắc đá thế kỷ VXIII.
Hồng Hạnh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-bi-vung-khao-co-da-but-a21479.html