Thường trực Huyện ủy Quế Phong (Nghệ An) tổ chức hội nghị để nghe báo cáo về tư liệu Quản Thông và Quản Thụ

Qua các tư liệu cho thấy, hai ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ là những người con ưu tú của vùng đất Phủ Quỳ nói chung và Quế Phong nói riêng. Hai ông là những lãnh đạo xuất sắc, những vị tướng tài ba trên chiến trường chống giặc Xá và giặc Pháp.

svd-1650536906.jpg
Đồng chí Sầm Văn Duyệt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: PV

Chiều 20 tháng 4 năm 2022, tại hội trường Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy Quế Phong đã có buổi làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thông Thụ để nghe báo cáo về các tư liệu liên quan tới thân thế, sự nghiệp và các công lao của các ông Lang Văn Thông, Lang Văn Thụ trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX và đấu thế kỷ XX ở phủ Quỳ Châu. 

Tới tham dự hội nghị có các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy Quế Phong, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin; đại diện của Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, cùng các đồng chí trong Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Thông Thụ.

Báo cáo tại hội nghị cho biết: Ông Quản Thông có tên họ đầy đủ là Lang Văn Thông, ông sinh năm 1840. Ông Quản Thụ có tên họ đầy đủ là Lang Văn Thụ, sinh năm 1845. Cả hai ông có quê quán tại xã Kiêm Diêm, tổng Kiêm Diêm, huyện Quế Phong, phủ Quỳ Châu. Nay là xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Trong giai đoạn 1884 - 1887, hai ông có công lao trong việc đánh giặc Xá bảo vệ bản làng. Trong quá trình đánh giặc Xá, ông Lang Văn Thông được phong là Quản Đội, ông Lang Văn Thụ được phong làm Hiệp Quản. Vì có công lao xuất sắc trong đánh địch, ông Lang Văn Thụ được vua phong là Hiệp Quản quyền uy, Bách hộ, Cửu phẩm. Trong giai đoạn 1890 - 1900 hai ông tham gia phong trào Cần vương chống thực dân Pháp. Dưới sự chỉ huy của hai ông, nghĩa quân đã gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại. Trong đó, ông Lang Văn Thụ là người nắm toàn bộ binh quyền của phủ Quỳ Châu lúc đó. Do tương quan lực lượng cuộc khởi nghĩa của hai ông thất bại, thực dân Pháp bắt được hai ông vào năm 1900. Trong đó ông Lang Văn Thụ đã trốn thoát trên đường áp giải, đến năm 1905 mới bị bắt lại. Cả hai ông bị thực dân Pháp chém đầu ở vùng đất xã Nghĩa Bình ngày nay. Sau khi mất hai ông được nhân dân mai táng và lập miếu thờ, hàng năm đều hương khói. Để tưởng nhớ công lao của hai ông, năm 1946, chính quyền cách mạng đã lấy tên của hai ông để thành tên gọi của một địa danh hành chính mới đó là xã Thông Thụ. Cũng từ đó, xã Thông Thụ và nhân dân bản Hủa Na đã rước linh hồn 2 ông về thờ ở bản. Hàng năm vào ngày đầu tháng 11 âm lịch xã cũng như bản và con cháu đều tổ chức lễ cúng tế hai ông.

hoang-van-kiem-1650536905.jpg
Ông Hoàng Văn Kiểm - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: PV 

Đại diện cho đơn vị phối hợp thực hiện, ông Hoàng Văn Kiểm - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus đã nêu lên một số tư liệu mới được phát hiện và công bố lần đầu về thân thế, sự nghiệp của các ông Lang Văn Thông, Lang Văn Thụ trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước như: các sắc phong, tài liệu bằng tiếng Thái do gia đình cung cấp và bút tích của ông Lang Văn Thiết để lại… Qua các tư liệu mới, đã khẳng định vai trò to lớn của các ông Quản Thông và Quản Thụ trong phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Phủ Quỳ Châu.

lo-thi-nguyet-1650536907.jpg
Đồng chí Lô Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến. Ảnh: PV

Phát biểu tại hội nghị, ông Sầm Văn Duyệt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong đã đánh giá cao các tư liệu mà xã Thông Thụ và Trung tâm Truyền thông Phương Nam Plus thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã sưu tầm, biên soạn. Thông qua buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến phát biểu, thay mặt cho Thường trực Huyện ủy Quế Phong, đồng chí Sầm Văn Duyệt đã thống nhất cao với các nội dung, tư liệu mà báo cáo của xã Thông Thụ đã nêu. Đồng thời chỉ đạo, trong thời gian tới, các phòng, ban của huyện Quế Phong sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cùng với xã Thông Thụ để nghiên cứu, hoàn thiện thêm bản thảo.

Phát biểu tại Hội nghị bà Lương Thị Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Thông Thụ cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Thường trực Huyện ủy Quế Phong đối công việc mà địa phương đã đề xuất. Mong muốn rằng, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, phối hợp xã để hoàn thiện các tư liệu về thân thế, sự nghiệp của các ông Lang Văn Thông, Lang Văn Thụ.

xa-1650536907.jpg
Đại diện xã Thông Thụ phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: PV 

Qua các tư liệu cho thấy, hai ông Lang Văn Thông và Lang Văn Thụ là những người con ưu tú của vùng đất Phủ Quỳ nói chung và Quế Phong nói riêng. Hai ông là những lãnh đạo xuất sắc, những vị tướng tài ba trên chiến trường chống giặc Xá và giặc Pháp. Dưới sự chỉ huy của hai ông, giặc Xá đã bị đánh tan, bản làng được yên ổn, mọi người được sống yên bình. Trong chống Pháp, hai ông là những lãnh đạo thực thụ của phong trào, cùng với nghĩa quân gây ra cho thực dân Pháp nhiều thất bại nặng nề. Tuy nhiên do tương quan lực lượng, cuộc đấu tranh do hai ông lãnh đạo đã bị đàn áp, hai ông lần lượt sa vào tay giặc và bị hành hình. Với các công lao to lớn của hai ông, chính quyền cách mạng đã lấy tên của hai ông đặt cho tên xã mới đó là xã Thông Thụ. Đây là sự ghi nhận rất lớn của nhân dân đối với công lao và sự hi sinh của hai ông. Đây cũng là một điều đặc biệt, bởi trên cả nước ta, ít có một đơn vị hành chính nào có được vinh dự và đặc biệt như xã Thông Thụ./.​

Khánh Chi

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thuong-truc-huyen-uy-que-phong-nghe-an-to-chuc-hoi-nghi-de-nghe-bao-cao-ve-tu-lieu-quan-thong-va-quan-thu-a21434.html