Linh thiêng chùa - phủ Báo Ân
Không ai ở làng cổ Bồng Thượng xác định rõ thời gian xây dựng chùa Báo Ân, song người dân nơi đây tin rằng ngôi chùa mặt hướng ra dòng Mã giang này có từ thời Lý - Trần. Bởi dưới hai triều đại này, đạo Phật phát triển thịnh vượng ở nước ta.
Theo các vị cao niên làng Bồng Thượng, chùa Báo Ân thờ Phật và Mẫu. Trước kia, trong khuôn viên chùa gồm các công trình: Nhà gỗ, nhà đá khá rộng và sân rước bóng. Hiện nay chùa gồm các hạng mục: Cung Tam Bảo (xây dựng lại năm 2004), Phủ, tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát, Bia và tháp Viên Quang. Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ được một số hiện vật cổ có giá trị như: Bia đá tháp viên Quang, Tháp cổ; pho tượng Di Đà cỡ lớn, pho tượng Tam Thế cỡ lớn, một chuông đồng…
Xưa kia, chùa có tên gọi Lộc Sơn tự, về sau mới đổi thành Báo Sơn tự, gắn với câu chuyện về nhà sư họ Bùi, cũng chính là người được thờ trong tháp Viên Quang.
Theo nội dung văn bia “Viên Quang tháp nội bi kí” tại chùa Báo Ân được tri huyện Minh Chính Cao Lạc Hiển Lỗ Vương soạn dưới thời vua Tự Đức, tháp Viên Quang được dựng năm 1852 do bậc tôn thiền sư Thích Thủ - hiệu Diệu Trì xây dựng. Người được thờ trong tháp họ Bùi, tên húy Tại Tâm, hiệu Diệu Chấn vốn người huyện Thanh Miện, được một gia đình ở đất Bồng Thượng nuôi dưỡng 15 năm.
Vốn là người có tư chất thông minh, ông từng tìm đến vùng đất Yên Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc ngày nay) - quê hương của Khổng Tử để tầm sư học đạo suốt nhiều năm liền. Sau đó, trở lại chùa Lộc Sơn, đổi tên thành Báo Ân tự với ý nghĩa “Báo đáp phải báo đáp” đó là “Ân” vậy. Sinh thời, nhà sư Tại Tâm được ngợi ca là người không ngại khó, ngại khổ, dốc lòng cho việc tu tập, danh thơm xa gần đều biết.
Theo ghi chép tại phòng Văn hóa xã Vĩnh Hùng, hưởng ứng phong trào Cần Vương, vào cuối thế kỷ 19, chùa Báo Ân được Tiến sĩ Tống Duy Tân chọn là nơi gặp gỡ, luận bàn quân cơ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, cụ Nguyễn Sử Trí - một nhân sĩ tham gia khởi nghĩa Hùng Lĩnh đã lui về ở ẩn tại chùa.
Thời kỳ trước cách mạng tháng tám năm 1945, chùa Báo Ân là nơi liên lạc và ẩn náu của các chiến sĩ cộng sản. Trong kháng chiến chống Pháp nơi đây đã nuôi dưỡng, chăm sóc và cứu chữa thương bệnh binh.
Độc đáo lễ hội rước nước
Trải qua thời gian, nhiều hạng mục công trình của chùa bị mai một. Song người dân ở làng cổ Bồng Thượng vẫn gìn giữ lễ hội rước nước. Năm nào cũng vậy, đêm 27/2 âm lịch, tại chùa - Phủ Báo Ân, dọc bờ tả triền sông Mã, hàng nghìn người lại háo hức chờ đợi Đêm hội hoa đăng.
Đúng 20 giờ, ba hồi chuông trống bát nhã vang lên cung rước chư tôn đức quang lâm đàn tràng dự lễ Đêm Hoa Đăng cầu nguyện quốc thái dân an và chào mừng lễ hội Rước nước chùa - phủ Báo Ân.
Về đêm chùa Báo Ân hiện ra lung linh huyền ảo, từng tốp người từ già trẻ, gái trai háo hức cầm trên tay những chiếc đèn hoa đăng với nguyện ước mưa thuận, gió hòa, một năm làm ăn phát đạt... để rồi thả vào đó những bạt ngàn nguyện ước lung linh, lấp lánh.
Lễ chính ở chùa Báo Ân được diễn ra vào sáng ngày 28/2 âm lịch, trong đó, được chờ đón hơn cả là lễ hội rước nước. Theo lịch trình, đoàn người được phân công chuẩn bị khiêng “Kiệu Mẫu” qua ngõ Vạn, lên ngõ Chùa, sau đó qua Nghè Vẹt và lên chân núi Báo qua nền Trời đất, sang khe Mang cá đến nền “rước bóng” về chùa.
Sau khi rước kiệu Mẫu xong, đến phần “Rước nước”. Bấy giờ, trên bến Báo Ân đã tập kết 5 chiếc thuyền. Đi đầu là thuyền Rồng lớn gọi là thuyền Phật lấy nước. Thuyền thứ 2 là thuyền Mẫu. Thuyền thứ 3 là thuyền các cô, các cậu. Thuyền thứ 4, nhỏ hơn là thuyền chỉ huy và cuối cùng thuyền thứ 5, thuyền giám sát việc lấy nước.
Ba thuyền rồng đầu tiên, mỗi thuyền có từ 8 đến 10 tay chèo. Chiếc thứ nhất, chở lọng vàng, cờ quạt và 12 nữ mặc áo tứ thân, đầu đội mâm hoa quả, bình sứ hình quả bầu để đựng nước. Trên các thuyền có phường bát âm đánh nhạc làm nền cho giọng hát, điệu múa, tổng số người trên 5 thuyền là khoảng 90 đến 100 người.
Đoàn thuyền chèo ra giữa sông qua hòn đá Bàn, vượt hòn đá Ngốc rồi rẽ lái sang ngang mới đến được Đá Ông để rước nước Tiên trở về. Đến hòn Đá Ông, thì cắm nêu dừng thuyền, gạn đục, khơi trong rồi mới múc nước đổ vào bình. Nước này mang về thờ đến 12h đêm ngày 1/3 thì mới mang ra tắm cho Phật. Số còn lại dùng dần cho đến lễ hội sang năm. Cũng tại đây, nhiều người dân đã mang bình theo để lấy nước tiên về dâng lên bàn thờ tổ tiên cầu mong cho một năm mùa màng bội thu, vạn sự tốt lành./.
Hồng Hạnh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ngoi-chua-bao-an-ben-dong-ma-giang-a21400.html