Vận dụng sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn trong Đồng khởi ở Bến Tre

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là những năm ác liệt sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), dự báo trước âm mưu phá hoại, không thực hiện Hiệp định của Mỹ và tay sai, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Đồng chí Lê Duẩn đã có thời gian đến nghiên cứu, hoạt động ở Bến Tre và đã có những chỉ đạo cụ thể không chỉ riêng cho Bến Tre mà đã trở thành đường lối chung của cách mạng miền Nam. Từ chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, đã sớm định hướng cho Tỉnh ủy Bến Tre vận dụng sáng tạo trong xây dựng chủ trương, phương châm cách mạng và Đồng khởi ở Bến Tre.

bac-ho-1649750192.jpg

Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II (tháng 4-1962). Ảnh: TTXVN

Đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang

Theo hồi ký của đồng chí Trần Quang Bỉnh (bí danh Sáu Lùn) - người giúp việc cho đồng chí Lê Duẩn trong thời gian hoạt động ở Bến Tre (từ tháng 11-1955 - 6-1956) và quyển sách Bến Tre - Đất và người đã ghi lại một số ý kiến trao đổi của đồng chí Lê Duẩn với đồng chí Nguyễn Văn Khước (Mười Khước) - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Định, cụ thể như: “Với tình hình cụ thể của Bến Tre, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: Nhất định Diệm sẽ lộ mặt phản bội, địch sẽ tăng cường khủng bố; địa chủ có dịp ngóc đầu dậy, nhưng lòng căm thù của quần chúng sẽ lên cao. Cho nên, phải đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, phải biết dựa vào sức mạnh của đồng bào, quần chúng nhân dân. Muốn vậy phải xây dựng lực lượng vũ trang... Bến Tre là tỉnh cù lao nên tâm lý người dân Bến Tre dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường. Tỉnh ủy Bến Tre phải biết dựa vào đặc điểm đó để vận động quần chúng, đưa phong trào cách mạng tiến lên... Cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam phải lâu dài với thế đánh: có khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa, về nhận thức tư tưởng, phương châm, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu và lâu dài. Ta có thể kháng chiến thời gian gấp đôi cuộc kháng chiến chống Pháp. Thống nhất tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân, nhất định sẽ thắng lợi…”.

Có thể nói, đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng của đồng chí Lê Duẩn đối với Đảng bộ Bến Tre. Sau khi dự báo địch sẽ phản bội phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và đây là cơ sở mà sau này với cương vị là Bí thư Trung ương Cục miền Nam rồi Bí thư thứ nhất - Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã chủ trì cùng với Trung ương cục và Trung ương Đảng xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng của Trung ương Cục về Đường lối cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cụ thể là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II).

Với tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn “Tăng cường củng cố cơ sở Đảng, chi bộ nên thành lập hai loại ngăn cách và công khai; củng cố thanh niên lao động; củng cố xây dựng nông hội, phụ nữ, chú trọng công tác phụ nữ”, Đảng bộ Bến Tre đã sớm chỉ đạo củng cố và xây dựng các lực lượng cách mạng; tập hợp lực lượng theo hệ thống “rễ chuỗi” thông qua hình thức các hội quần chúng như: hội chùa, hội miễu, vạn vần đổi công, hội banh, tổ thuốc nam… Chính sự gắn bó bằng công việc, nghề nghiệp hợp pháp giúp cho lực lượng cán bộ nông hội, phụ nữ, thanh niên và cốt cán hoạt động dễ dàng, luôn tăng cường bám dân, giáo dục bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, xây dựng niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao lập trường giai cấp, tư tưởng tiến công cho nhân dân. Ở ấp thành lập các đội tự vệ ngầm, phát động, lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị chống khủng bố, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Tăng cường công tác binh vận

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn “phải đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang; phải xây dựng lực lượng vũ trang”; tháng 12-1957 (1), Tỉnh ủy chủ trương tổ chức đại đội quân ngầm ở cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Cán bộ đại đội, trung đội ngăn cách liên lạc với xã, chỉ chịu sự chỉ đạo, quản lý của chi bộ và sinh hoạt riêng. Mỗi huyện có một tổ vũ trang tuyên truyền, ở cấp xã thì tổ chức lực lượng tự vệ mật do chi bộ lãnh đạo, hoạt động bí mật để nắm và xây dựng cơ sở cách mạng. Đến cuối năm 1959, hầu hết các địa bàn trong tỉnh đều có đội vũ trang tuyên truyền mật, hoạt động rất mạnh. Các đội vũ trang tuyên truyền được xây dựng giai đoạn này là cơ sở quan trọng quyết định cho việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Bến Tre, đáp ứng cho chân - mũi vũ trang trong phong trào Đồng khởi.

Quán triệt tư tưởng “tích cực, vững chắc, lo tăng cường ngành binh vận”, Tỉnh ủy chú trọng tăng cường công tác binh vận, vận động cách mạng trong hàng ngũ binh lính địch, thực hiện khẩu hiệu “công, nông, binh liên hiệp”. Chủ trương của Tỉnh ủy là nắm chắc gia đình binh sĩ, vận động gia đình binh sĩ và nhân viên ngụy quyền. Thông qua việc giáo dục gia đình binh sĩ, nâng cao giác ngộ cách mạng, lòng yêu nước để vận động, giác ngộ con em với phương châm “mua dầm, thấm sâu”. Bằng con đường gia đình, qua thầy học, bạn bè, qua bộ máy binh vận, qua “nhân” (2) để phát triển “nhân”; cài cắm người của ta vào hàng ngũ địch.

Trong 115 xã, gần 500 ấp ta đều đưa được người của ta vào các tổ chức của địch. Có những ban hội tề, người của cách mạng chiếm 2/3 hoặc 3/4; 1/2 cai tổng là người của ta; đồng thời ta đưa hàng loạt thanh niên được giáo dục, giác ngộ cách mạng đi lính để chủ động xây dựng lực lượng trong lòng địch. Trong 6 đại đội bảo an quận đều có lực lượng cơ sở của ta, nên ta nắm được, hiểu rõ sơ đồ bố trí trong đồn, bót của địch.

Tháng 5-1959, tại Hội nghị Tỉnh ủy ở Phước Lý (xã Bình Khánh), Mỏ Cày, để đánh giá tình hình và bàn biện pháp tiến hành các hoạt động đấu tranh cách mạng của tỉnh ở mức độ cao hơn; về công tác binh vận, Tỉnh ủy chỉ đạo: Học tập cho toàn cán bộ hiểu rõ mục tiêu của cách mạng, quán triệt chủ trương dùng bạo lực cách mạng; tiếp tục củng cố cơ sở hiện có, đồng thời tích cực phát triển cơ sở mới ở các mục tiêu chính, tăng cường công tác vận động gia đình binh sĩ và binh sĩ hỗ trợ kết hợp với phong trào đấu tranh của quần chúng.

Vận dụng sáng tạo thành phương châm “Hai chân - Ba mũi”

Thời kỳ trước Đồng khởi nổ ra (1957 - 1959) là thời kỳ đen tối nhất của giai đoạn cách mạng Bến Tre nói riêng, miền Nam nói chung. Trước tình hình đó, từ kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh chính trị trước đó và quán triệt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Tỉnh ủy đề ra chủ trương tăng cường hoạt động đấu tranh chính trị với khẩu hiệu: chống khủng bố, bắt bớ vô cớ; chống gom dân vào khu trù mật, chống Luật 10/59… giai đoạn này như đề cập ở phần trên, các cuộc đấu tranh ta đều có bố trí lực lượng tự vệ mật để khi có tình huống xấu sẽ hành động bảo vệ lực lượng đấu tranh và tấn công địch. Tuy vậy, ta vẫn bị tổn thất nhiều cán bộ, đảng viên và cốt cán bị giết, bị tù đày; nhưng qua đó đã trui rèn bản lĩnh, khí tiết, kinh nghiệm và nhân lên gấp đôi chí căm thù giặc, lực lượng tham gia ngày càng đông, chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn hơn với hàng ngàn, hàng chục ngàn người trong phong trào Đồng khởi 1960.

Từ tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn về củng cố chi bộ; đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, củng cố, tăng cường công tác binh vận; củng cố, xây dựng hội phụ nữ, nông dân, thanh niên… Tỉnh ủy Bến Tre đã chỉ đạo vận dụng sáng tạo thành phương châm đấu tranh cách mạng bằng hai chân chính trị - vũ trang và kết hợp chính trị - vũ trang - với binh vận thành ba mũi giáp công, tiến hành trong một cuộc đấu tranh cụ thể và tổng tiến công chiếm đồn, bót địch. Minh chứng một cách hùng hồn là mở đầu cho cuộc Đồng khởi 17-1-1960 đã kết hợp chặt 3 mũi binh vận - chính trị - vũ trang tại Định Thủy. Từ sau tiếng súng hiệu Đồng khởi ở Định Thủy và Đồng khởi đồng bộ, đồng loạt trong toàn tỉnh đã vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt phương châm cách mạng: “Hai chân - Ba mũi” giáp công liên tục giành thắng lợi trên địa bàn toàn tỉnh và được Trung ương đúc kết thành nghệ thuật đấu tranh cách mạng áp dụng toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Khẳng định rằng, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn đã giúp cho Tỉnh ủy Bến Tre chủ động sớm xây dựng phương hướng, phương châm đấu tranh cách mạng và chủ động, thuận lợi trong tiếp thu vận dụng sáng tạo, chủ trương của Trung ương Cục miền Nam và đến khi tiếp thu, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Bến Tre đã qua thực tiễn đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang - binh vận và có bước chuẩn bị khá tốt về tư tưởng và lực lượng (lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận), thao dượt về phương châm cách mạng tấn công địch bằng “Hai chân - Ba mũi” giáp công để làm nên cuộc Đồng khởi long trời lở đất và trở thành ngọn cờ đầu của cao trào Đồng khởi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Có thể nói, từ 1957 - 1959 là giai đoạn Tỉnh ủy Bến Tre quán triệt, vận dụng sáng tạo và hiện thực hóa tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn: Đó là liên tục củng cố chi bộ Đảng vừa hoạt động bí mật vừa hoạt động công khai nên dù tổn thất nặng nề nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo liên tục của Tỉnh ủy trong đấu tranh chính trị sau ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ; thành lập lực lượng vũ trang ngầm. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, theo tinh thần khởi nghĩa từng phần (bao vây bứt rút đồn, bót, chống đàn áp, bắt bớ), rồi tiến lên tổng khởi nghĩa (khởi nghĩa - Đồng khởi điểm, tiến lên tổng khởi nghĩa - Đồng khởi trong toàn tỉnh)./.

Theo Báo Đồng Khởi

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/van-dung-sang-tao-tu-tuong-chi-dao-cua-dong-chi-le-duan-trong-dong-khoi-o-ben-tre-a21330.html