Theo thần tích, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính đời Hậu Lê soạn, chúng ta có thông tin tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của BÁT NÀN ĐẠI TƯỚNG QUÂN như sau: Tương truyền, Vũ Thị Thục là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Năm 18 tuổi, nàng đính hôn với chàng trai tuấn tú Phạm Danh Hưng, con trai ngài huyện trưởng huyện Châu Diên. Tuy nhiên, tên Thái thú Tô Định tham tàn mưu toan muốn chiếm đoạt nhan sắc của Vũ Nương. Hắn giết chết cha con Phạm Danh Hưng rồi sai người lùng bắt Vũ Thị Thục. Vũ Nương bí mật xuôi bè theo sông Hồng trốn về làng Đa Cương, thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay. Tại đây, Vũ Nương chiêu mộ binh sĩ, luyện quân, xây dựng lực lượng vũ trang chống giặc Hán xâm lược. Bà tự xưng là BÁT NÀN ĐẠI TƯỚNG QUÂN.
Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đánh đuổi Thái thú Tô Định. Hai Bà Trưng mời Bát Nàn Đại tướng quân cùng hợp binh đánh giặc. Vũ Thị Thục đem quân lên Mê Linh hội quân cùng Hai Bà Trưng. Cùng lúc đó, ở xứ Đông, Nữ tướng Lê Chân cũng đem quân về Mê Linh hội quân, khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa từ căn cứ Mê Linh tiến lên phương Bắc, giải phóng 65 thành trì do quân Hán chiếm giữ (chủ yếu trên đất Lưỡng Quảng), giành lại toàn bộ đất đai nước Nam Việt của người Bách Việt thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), bao gồm đất Quảng Đông và Quảng Tây (Lưỡng Quảng) và bán đảo Hải Nam Trung Quốc ngày nay. Tôi cho rằng Hai Bà Trưng đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Đông), tức kinh đô cũ của Triệu Vũ Đế, nay thuộc thành phố Quảng Châu Trung Quốc, chứ không phải đóng đô ở Mê Linh như nội dung bài diễn ca của các cụ Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đời nhà Nguyễn...
Năm 43 SCN, tướng Mã Viện đem quân vượt qua Ngũ Lĩnh, đánh tràn xuống phía Nam. Hai Bà Trưng không địch nổi giặc dữ, rút quân về cố thủ ở thành Mê Linh. Mã Viện bao vây nhiều ngày liền.
Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục đem quân rút về cố thủ ở trang Tiên La. Giặc thừa thắng tiếp tục bao vây. Quân ta chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng cuối cùng phải tan vỡ. Đại tướng quân Vũ Thị Thục chạy lên gò đất cao bên sông Tiên Hưng, rút gươm tự sát.
Có lẽ vị trí ngôi đền Tiên La hiện nay, chính là cái gò đất cao nơi Nữ tướng tuẫn tiết, đồng thời là nơi chôn cất thi hài người anh hùng lẫm liệt năm xưa.
Tôi về quê nhân tiết Thanh Minh, tảo mộ, cúng gia tiên như thông lệ hằng năm. Sau đó, lên thăm viếng, chiêm bái khu đền ĐỒNG BẰNG, thờ BÁT HẢI ĐẠI VƯƠNG và vài ba danh tướng cùng thời vua Hùng. Cả quần thể đình đền ĐỒNG BẰNG, tạo nên cụm thắng tích tâm linh, ngàn đời nay vẫn khói hương thơm mùi cổ tích.
Lại tiếp tục lên chiêm bái đền LIÊN LA, ở Hưng Hà, thờ BÁT NÀN ĐẠI TƯỚNG QUÂN Vũ Thị Thục. Phía sau đền, có tấm bia đá ghi công đức của doanh nhân thành đạt, quê ở đây, là ông Vũ Quang Huy. Ông Vũ Quang Huy đã cung tiến số tiền tương đương 214 cây vàng để trùng tu đền Tiên La. Phía sau đền, còn thấy đội thợ mộc đang tích cực thi công phần gỗ để dựng ngôi đền mới trong khuôn viên rộng lớn và cổ kính này.
Mùa lễ hội đền, dịch bệnh cũng đã đỡ hơn, cho nên đồng bào từ khắp nơi vẫn nô nức đổ về đây thắp hương chiêm bái, tưởng nhớ người phụ nữ anh hùng của “đội quân khăn yếm” oanh liệt năm xưa.
Tôi đến thăm mấy ngôi đền, dạo bước xem xét toàn bộ khuôn viên các ngôi đền, lòng miên man nghĩ ngợi. Trộm nghĩ, những người có công dựng nước, cứu nước, hy sinh anh dũng vì nước vì dân, thì sống mãi trong lòng nhân dân. Nối tiếp muôn đời các thế hệ cháu con về thắp nén hương chiêm bái, ngưỡng vọng, tưởng nhớ người xưa mà nuôi dưỡng niềm tự hào, tự tôn dân tộc kiên cường bất khuất. Còn như những ai đó, công tích bé tẻo teo, mà nhà to mả lớn, vị tất đã có nghĩa lý gì? Hóa ra, chỉ có tượng đài trong lòng dân thì mãi mãi vững bền, chứ còn sao nữa?
Nhà nghiên cứu Vũ Binhh Lục
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-danh-tich-khong-the-khong-den-chiem-bai-a21320.html