Đắm mình trong không gian Đờn ca tài tử ở “thủ phủ” Tây Nam bộ

Những ngày đầu tháng 4, tại TP.Cần Thơ - nơi được xem là thủ phủ của vùng đất Tây Nam Bộ, không khí vui tươi tràn ngập khắp phố phường khi nhiều hoạt động văn hóa nổi bật được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam bộ Cần Thơ năm 2022. Trong đó, Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử với chủ đề "Đờn ca tài tử Nam bộ-Di sản Đất phương Nam" là một trong những hoạt động đặc sắc được đông đảo nhân dân quan tâm.

mvi7722mp400000000still001-16492427544231605635643-16494150604841525665121-1649428391435-16494283920231697358468-1649468986.jpg
Một phần trình diễn đặc sắc tại Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử.

Sân chơi cho tài tử Đờn, tài tử Ca

Theo ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, việc tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử chính là sự cụ thể hóa những cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nhằm tôn trọng sự đa dạng các nền văn hóa như khuyến nghị của UNESCO đã đề ra.

Đồng thời, Liên hoan lần này cũng được tổ chức nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị trao truyền lan tỏa di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ, một tài sản vô giá mà cha ông ta để lại cho con cháu, bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu, được vinh danh, cam kết tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, việc tổ chức các hoạt động liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử lần này tại TP. Cần Thơ đã khẳng định sự trở lại của lĩnh vực văn hóa, đây cũng chính là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Văn hóa trong việc phục hồi những thiệt hại do đại dịch gây ra.

Trong khuôn khổ Liên hoan lần này, Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử với chủ đề "Đờn ca tài tử Nam bộ-Di sản Đất phương Nam" diễn ra từ ngày 6-11/4 với sự tham gia của 21 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành Nam Bộ được đánh giá là hoạt động nổi bật, đặc sắc.

Hội thi không chỉ là sân chơi của những tài tử Đờn, tài tử Ca, những người có khiếu âm nhạc, có năng lực sáng tác và diễn tấu, đây còn là bữa tiệc tinh thần thực sự dành cho người dân TP.Cần Thơ yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Trong ngày đầu diễn ra khai mạc Hội thi (6/4), hội trường của Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ chật kín chỗ ngồi, nhiều người dù nhà cách hàng chục cây số vẫn tìm đến để được thưởng thức.

Dù đến đầu giờ chiều Hội thi mới chính thức diễn ra nhưng từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, quận Thốt Nốt đã cùng chồng đi xe máy lên thành phố Cần Thơ để cổ vũ cho đội Đờn ca tài tử TP. Cần Thơ. "Gia đình tôi mê nghe đờn ca tài tử lắm, mấy năm nay dịch bệnh không được nghe trực tiếp toàn phải mở qua điện thoại, giờ có chương trình hay thế này thì có xa mấy cũng phải đi lên để nghe" - bà Ngọc Anh chia sẻ.

Đến với Hội thi, người xem được đắm mình trong không gian Đờn ca tài tử bình dị, ngọt ngào và cũng vô cùng hào sảng, bộc trực như tính cách của con người Nam Bộ. Những câu hò, điệu lý, thể điệu, bài bản trong Đờn ca tài tử và nghệ thuật vọng cổ do các nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca trình diễn đã làm nức lòng công chúng mộ điệu.

Nỗ lực để mang đến những nét mới

Góp phần vào thành công chung của Hội thi lần này, bên cạnh với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị tổ chức, các đoàn nghệ thuật tham gia cũng đã có sự chuẩn bị trong thời gian dài để mang đến nhiều tiết mục đặc sắc, trình diễn đến khán giả.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang cho biết, để tham gia Hội thi Đờn ca tài tử lần này, Sở VHTTDL tỉnh đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng chương trình Đờn ca tài tử với 5 tiết mục đặc sắc.

Với quyết tâm dành giải cao tại Hội thi lần này, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Hậu Giang Nguyễn Phúc Anh chia sẻ, đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Hậu Giang đã mang đến nhiều nét mới thông qua việc biên tập, sáng tác những tác phẩm mới dựa trên 20 bản tổ của đờn ca tài tử. Những sáng tác này sẽ được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương.

Là một trong những đại diện của các nghệ nhân đờn ca tài tử của tỉnh Tây Ninh tham gia Hội thi, Nghệ nhân ca Hồ Thị Thanh Kiều cho biết, khi được mời đại diện nghệ nhân ca đi giao lưu lần này, chị cảm thấy rất vui, vinh dự. Dịch bệnh diễn ra làm gián đoạn sân chơi của các CLB Đờn ca tài tử tại địa phương trong thời gian dài. Chính vì vậy, các CLB Đờn ca tài tử của tỉnh Tây Ninh đã xác định việc tham dự Hội thi lần này là dịp "hâm nóng" phong trào của môn nghệ thuật Đờn ca tài tử. Vì vậy, tỉnh đã có sự chuẩn bị rất kỹ để mang đến Hội thi nhiều sáng tác mới giới thiệu về con người, cảnh đẹp của tỉnh.

Thông qua Hội thi lần này, nghệ nhân Thanh Kiều mong muốn học hỏi cái hay, cái mới, cái lạ từ các đội bạn để rút kinh nghiệm cho bản thân, từ đó có những sáng kiến, đóng góp giúp cho CLB ngày càng phát triển hơn.

NSƯT Huỳnh Khải - Đồng Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi Đờn ca tài tử cho biết, thông qua các phần trình diễn tại Hội thi đã thể hiện sự chuẩn bị rất bài bản, kỹ lưỡng với nhiều nét mới lạ của các CLB Đờn ca tài tử. Hy vọng rằng "qua các chương trình, tiết mục đặc sắc, tôi cảm nhận được tài năng, tâm huyết, bản chất phóng khoáng đậm tình người phương Nam mà các nghệ nhân tài tử Đờn, tài tử Ca luôn mang trong mình" - NSƯT Huỳnh Khải chia sẻ.

Có thể thấy rằng, việc tổ chức thành công Hội thi nói riêng và Liên hoan nói chung thể hiện sự chung sức, chung lòng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử theo hướng thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp cận với cái mới để phát triển nhưng luôn giữ gìn bản sắc riêng của loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng này, qua đó cũng một lần nữa khẳng định sức sống, giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh gần thập kỷ qua./.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dam-minh-trong-khong-gian-don-ca-tai-tu-o-thu-phu-tay-nam-bo-a21301.html