Một số đặc điểm nghệ thuật đạo diễn trong phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ

Phim tài liệu truyền hình do VTV Cần Thơ (1) sáng tác và sản xuất đã tích cực phản ánh các vấn đề của cuộc sống con người và xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đạt được những hiệu quả xã hội cũng như nghệ thuật nhất định. Bài viết phân tích một số đặc điểm nghệ thuật đạo diễn trong phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ những năm gần đây (qua 5 phim: Người đi gieo lửa, Tiếng vọng 50 năm, Giấc mơ sen, Vong thề, Giữa đôi dòng mặn ngọt).

untitled-1430298123723-crop-1430298283346-1648991971.jpg

Thể hiện tính luận đề

Trước hết, dấu ấn đậm nét nhất trong các phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ nói trên là thể hiện tính luận đề rõ ràng. Với sự thể hiện tính luận đề một cách nổi bật, thông qua những con người, câu chuyện đời thường, người xem nhận được những thông điệp thuyết phục từ nhà làm phim.

Người đi gieo lửa (đạo diễn Trung Nghĩa) không chỉ là bộ phim ca ngợi hình ảnh thày giáo Nguyễn Ngọc Hải với tâm huyết dành cho học sinh và nghiên cứu khoa học, mà còn đặt ra, trả lời những câu hỏi nhiều trăn trở mang tính luận đề: Đến bao giờ những học sinh ở các huyện, xã có điều kiện để phát triển tài năng của mình? Hướng đi nào cho đào tạo gắn với việc phục vụ quê hương? Tương lai nào dành cho giáo dục ở nông thôn miền Tây Nam Bộ? Làm sao để thu hút nguồn giáo viên có năng lực, tâm huyết cho các trường học ở địa phương?... Tính luận đề cao hơn là vấn đề tinh thần vì quê hương, phục vụ quê hương, những con người bình thường có thể làm được những điều phi thường cho quê hương mình hay không. Ngoài ra, đạo diễn Trung Nghĩa còn thể hiện tính luận đề khác nhau với các mức độ nhất quán, mang tính thời sự, luôn được khán giả quan tâm, đón nhận bởi ý tưởng sâu sắc trong các phim như: Lũ cạn, Trái tim vẫn tròn nhịp đập…

Trong Giữa đôi dòng mặn ngọt (kịch bản, đạo diễn và lời bình: Nguyễn Ngọc), tính luận đề toát lên từ sự bất cập của một số chủ trương, quy hoạch và thực hiện những điều được xem là “giấc mơ đổi đời” của người nông dân khi phải chịu ảnh hưởng của nạn xâm nhập mặn. Qua câu chuyện, khán giả cảm nhận được sự mất mát do biến đổi khí hậu gây ra. Điều đó thể hiện qua sự thật: Giấc mơ giàu có của nhiều người dân đã tan vỡ vì không căn cứ từ thực tế. Không thể có một dòng sông chung vừa mặn, vừa ngọt mà cần tìm ra sự hài hòa từ thực tế mỗi vùng quê. Điều đó cũng toát lên từ chính các luận điểm của nhà làm phim “Những quy hoạch không đúng của chính quyền làm phức tạp vấn đề. Nhưng sự không tuân thủ quy hoạch của người dân cũng khiến vấn đề phức tạp không kém”; hay từ sự đánh giá không né tránh trước hiện thực: “Nhiều khi sự quy hoạch bộc lộ rõ sự phiến diện về tầm nhìn trong quá khứ”. Những vấn đề thời sự được triển khai, bóc tách trong suốt bộ phim Giữa đôi dòng mặn ngọt được trình bày một cách tuần tự, có tính logic. Chẳng hạn, từ sự phân tích nguyên nhân: Tiếp nối kinh nghiệm tiền nhân, nhưng đáng tiếc kinh nghiệm của người dân lại không được coi trọng, đến việc gọi đúng tên sự vật, sự việc: Sự phiến diện trong thực hiện một số quyết định đã biến nhiều công trình phục vụ cho chương trình giữ ngọt ngăn mặn trở nên vô nghĩa...

Riêng Vong thề (biên kịch và đạo diễn: Nguyễn Trung Hiếu) có thể xem là phim có tính luận đề rõ nhất trong số 5 phim nói trên, nhà làm phim với trách nhiệm công dân đã phản ánh trực diện, không hề né tránh vấn đề mang tính thời sự: nhiều đảng viên “đã sa ngã và phạm pháp vì đồng tiền”. Tính luận đề trong Vong thề có sức thuyết phục bởi được làm thông qua những trường hợp cụ thể, minh chứng hùng hồn cho vấn đề, luận đề của phim nổi bật lên: Trong thời kinh tế thị trường, đồng tiền đang làm chủ cuộc sống thì những người đảng viên đã giữ lòng trung tín của mình đối với Đảng như thế nào… Không chỉ tên phim mà ngay vấn đề được đạo diễn lựa chọn của Vong thề đã hàm chứa tính luận đề, bởi sự vong thề ở đây còn là sự phản bội. Đó là trong chiến tranh, những đảng viên từng đem máu hồng tô thắm cho lá cờ; trong thời kinh tế thị trường, nhiều người trong số họ đối với dân, với Đảng đã vong thề. Tính luận đề được toát lên qua việc đạo diễn chọn lọc hệ thống nhân vật “vừa có điểm vừa có diện”, vừa mang tính tiêu biểu, vừa có tính điển hình, với từng hình ảnh đảng viên phạm tội cụ thể. Các đảng viên ấy ở nhiều cơ quan, địa phương, ở nhiều giới và các độ tuổi khác nhau, từng giữ nhiều vị trí công tác, lãnh đạo… và đều có một điểm chung là sự vong thề. Tính luận đề ở đây toát lên sự đau xót, nhức nhối trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận đảng viên bị sa ngã trước đồng tiền.

Các nhân vật, câu chuyện, vấn đề thời sự… của người miền Tây tiêu biểu có rất nhiều, nhưng các nhà làm phim tài liệu của VTV Cần Thơ cần chọn được câu chuyện có tính luận đề, đối tượng điển hình để thông qua nhân vật cụ thể ấy, vấn đề phim mới được phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành một vấn đề lớn của xã hội nhưng được tiếp cận từ góc nhìn đơn giản, dễ chạm cảm xúc khán giả nhất.

Tạo cảm xúc đa chiều

Trong các phim nói trên, các đạo diễn phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ đã mang tới cho khán giả ấn tượng rõ nét, thậm chí cảm xúc tích cực, tươi mới. Cảm xúc có được trước tiên là từ những vấn đề, hiện thực nổi bật về cuộc sống, con người… khiến người xem dễ tiếp nhận, hiểu và có cảm xúc với nó. Chẳng hạn, chuyện về một thày giáo cùng những khó khăn trong giáo dục ở Người đi gieo lửa không phải là chuyện riêng ở vùng nào, có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi, thậm chí có người xem đã từng ở vị trí của những học trò hay người thày ấy. Còn câu chuyện trong Tiếng vọng 50 năm (đạo diễn Quốc Trạng - Văn Trính) lại cho người xem sự đau đớn, xót xa, tiếc thương cho con người là nạn nhân chất độc da cam do chiến tranh gây ra. Hay những câu chuyện về cuộc sống của người miền Tây trong Giữa đôi dòng mặn ngọt tạo xúc cảm về tâm trạng xót xa khi chứng kiến hậu quả của những sai lầm nhất thời, nhưng cũng tạo cảm xúc chan chứa hy vọng trước những quyết tâm tạo nên dòng nước ngọt trong cuộc sống người dân vùng châu thổ.

Bằng sự khéo léo trong sử dụng hình ảnh, những vấn đề được thể hiện trong các phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ đã chạm được đến cảm xúc của người xem. Khi người ta hiểu vấn đề phim, cùng đồng hành với câu chuyện sẽ tác động tới cảm nhận, cảm xúc của họ. Là những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ đã khéo léo tạo ra được cảm xúc cho người xem từ những vấn đề chân thực của con người ở các vùng quê mang đậm tính vùng miền ấy.

Nhiều đạo diễn của VTV Cần Thơ đã tìm hướng tiếp cận, phát triển vấn đề trong phim tài liệu của mình một cách hợp lý, dung dị, gần gũi khiến người xem dễ hiểu, có cảm xúc với vấn đề phim nói tới. Sự dung dị thể hiện đầu tiên ở cách các nhà làm phim chọn đề tài, phản ánh cuộc sống người dân vùng sông nước miền Tây. Những câu chuyện, hành động được đưa lên phim một cách nhẹ nhàng, chân thực, không ca tụng, ngợi khen sáo rỗng. Hay cả những cỏ cây, con xuồng đơn sơ cũng được thổi hồn thành nhân vật sống động trong cuộc sống. Những thứ vô tri vô giác ấy khi lên phim lại trở nên thân thuộc, đáng yêu. Đó là yếu tố tạo nên sự dung dị nhưng đầy thuyết phục của những tác phẩm tài liệu. Một yếu tố nữa khiến phim tài liệu của VTV Cần Thơ mang nét dung dị nhưng thuyết phục người xem là cách các nhà làm phim tiếp cận vấn đề và triển khai câu chuyện trong phim. Trong phim Giấc mơ sen, đạo diễn Quốc Trạng - Khôi Nguyên không cứng nhắc đặt ra vấn đề về phương án sử dụng và phát triển những giống cây này. Trước tiên, các đạo diễn đưa những hình ảnh đơn sơ, giản dị của chúng lên phim, đó là những nét đẹp tự nhiên, trong trẻo, gần gũi, quen thuộc với người xem. Tiếp theo, các đạo diễn khai thác những giá trị mà loài cây đem đến cho con người. Tương tự như trong Giấc mơ sen, cách chọn phát triển vấn đề theo mạch cảm xúc của người trong cuộc khiến cho bộ phim tài liệu Giữa đôi dòng mặn ngọt vừa không bị nặng nề lại vừa tạo được tính hấp dẫn riêng. Không chỉ dung dị ở nội dung, cách triển khai vấn đề, mà còn cả ở hình ảnh của phim cho thấy sự giản dị nhưng không đơn giản, tuềnh toàng, thô sơ. Từng khuôn hình được các nhà làm phim chọn lọc kỹ càng, mang vẻ đẹp tự nhiên, không cố sắp xếp để tạo ấn tượng giả tạo. Đó là hình ảnh thày giáo Nguyễn Ngọc Hải luôn xuất hiện với bộ quần áo giản dị, đời thường; hình ảnh được thể hiện trên phim cũng đúng như những gì ngày thường vẫn làm: phòng thí nghiệm, học sinh, sách vở,…; người được coi là “viên ngọc quý” khi xuất hiện trên phim vẫn rất thật, rất đời và gần gũi. Hay hình ảnh ông nông dân Hai Chung, nhiếp ảnh gia Linh Phương, bà Tám Thương… cũng đều dung dị, đời thường mà rất đẹp như vốn có ở họ. Hình ảnh những cây bần ngập trong nước, cánh đồng cỏ xanh mát, những bông sen hồng tươi xen với lá xanh thẫm,… đều là những hình ảnh mà khán giả có thể bắt gặp tại các thôn ấp miền Tây. Đó cũng là vẻ đẹp mà mỗi khi đi xa nhớ quê hương, người ta đều khó có thể quên… Ngay cả ở những tác phẩm phim tài liệu nói tới những vấn đề nóng trong cuộc sống người dân đồng bằng sông Cửu Long, như vấn nạn dân số trong độ tuổi lao động đang bỏ quê lên phố bởi nông nghiệp không đáp ứng đủ cho cuộc sống của họ, nhà làm phim cũng sử dụng các hình ảnh dung dị, không căng thẳng để nhấn mạnh thêm vấn đề. Không có hình ảnh người người lũ lượt bỏ làng ra đi, không có hình ảnh những cánh đồng hoang tàn chết chóc, cũng không có hình ảnh những con người đói rách vật vã, khổ sở… Thay vào đó là hình ảnh những người già cùng trẻ nhỏ trong bữa cơm đủ để hiểu nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cảnh sống này. Từ đó, vấn đề phim được đưa đến gần gũi hơn, nhưng lại vẫn thuyết phục người xem.

Chọn lựa hình ảnh và âm thanh

Nhiều tác phẩm tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ luôn bám sát, thể hiện nội dung bằng những hình ảnh chân thực qua con mắt chọn lọc của các nhà làm phim. Trong các tác phẩm có hình ảnh thiên nhiên như Giữa đôi dòng mặn ngọt, Giấc mơ sen, nhà làm phim đã chọn lọc, phản ánh những hình ảnh thực trạng cuộc sống miền Tây. Hình ảnh trong các phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ về cơ bản đã bám sát nội dung thể hiện, góp phần nâng cao thẩm mỹ, cảm xúc đa chiều cho khán giả. Việc tạo ra hình ảnh có tính biểu tượng cho bộ phim thực sự là rất khó, nhưng không có nghĩa không làm được. Trong thực tế, nhiều phim đã làm được điều này, ví dụ như hình ảnh bông hoa sen trong Giấc mơ sen.

Hiện thực hay cảm giác hiện thực là một thuộc tính vốn có của điện ảnh, âm thanh khi trở thành phương tiện biểu hiện đã làm tăng hiệu suất chân thực cho hình ảnh, truyền đến người xem sự cảm thụ toàn diện về thế giới hiện thực và trong một mức độ nào đó, lời nói sẽ giải phóng hình ảnh khỏi vai trò minh họa và trở thành phương tiện biểu hiện phong phú. Lời nói sau khuôn hình mở ra được những khả năng trong lĩnh vực tâm lý, đời sống tinh thần và cho phép tác giả diễn tả những suy tư thầm kín. Sự thực khi xuất hiện âm thanh, giá trị của sự im lặng trên màn ảnh trở nên có ý nghĩa tích cực, nó kích thích tính kịch, gây cảm giác căng thẳng, hấp dẫn về mọi yếu tố không gian trên màn ảnh. Ở một phương diện nào đó, âm thanh và hình ảnh đồng thời phát huy những giá trị đích thực cho nguồn cảm xúc của người xem, việc bỏ qua âm thanh ở đoạn này hay bỏ qua hình ảnh ở đoạn khác không có nghĩa là giá trị của chúng kém hiệu lực trên phim, mà trái lại hiệu quả đó càng cho chúng ta thấy nhiều hơn khả năng chinh phục rộng lớn, hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo khán giả đến với màn ảnh điện ảnh. Các đạo diễn của Tiếng vọng 50 năm, Giấc mơ sen, Giữa đôi dòng mặn ngọt đã cho thấy, khi kết hợp hình ảnh với âm thanh, điện ảnh thực sự có khả năng chiếm lĩnh hoàn toàn cảm xúc của con người. Sự đồng bộ giữa âm thanh và hình ảnh đã được họ biến hóa với mục đích phục vụ biểu đạt nội dung, phục vụ câu chuyện. Đồng thời, có thể tồn tại nhiều hơn một ý nghĩa cho cảnh phim khi các thành phần nghe nhìn này được đặt kề nhau một cách có chủ định. Nhiều phim tài liệu truyền hình của VTV Cần Thơ luôn bám sát, thể hiện nội dung bằng những hình ảnh chân thực nhất qua con mắt chọn lọc của các nhà làm phim. Điều đó được thể hiện đậm nét qua những tác phẩm có hình ảnh thiên nhiên như trong phim Giữa đôi dòng mặn ngọt. Trong phim, đạo diễn đã chọn phản ánh chân thực những hình ảnh thực trạng cuộc sống miền Tây với những cơn lũ dẫn tới sạt lở, những cánh đồng ngập mặn, những cánh đồng lúa không còn sức sống... Khi nói về sen cùng những lợi ích mà loài cây này đem lại, các nhà làm phim cũng đưa ra liên tục các hình ảnh của sen, bám sát nội dung tác phẩm Giấc mơ sen nói tới. Bằng mắt thẩm mỹ của người làm phim, hình ảnh sen đẹp thuần khiết mang giá trị tinh thần hiện lên. Ngay cả trong phim Vong thề, một bộ phim với đề tài nhạy cảm, các nhân vật cũng rất đặc biệt, phần hình ảnh vẫn luôn bám sát, thể hiện nội dung phim hoàn chỉnh. Hình ảnh người đảng viên thề trước lá cờ Đảng tương phản mạnh mẽ với hình ảnh người đó trong bộ quần áo tù. Không sử dụng nhiều lời bình, nhưng người xem hiểu đó là cái kết cho những kẻ phản lại lời thề với lý tưởng của Đảng, phản lại nhân dân, chạy theo tiếng gọi của đồng tiền, tha hóa nhân phẩm con người.

Nhiều đạo diễn phim tài liệu của VTV Cần Thơ đã có cái nhìn riêng để đưa những hình ảnh, âm thanh trên phim, làm rõ nội dung chứ không đơn thuần là những hình ảnh, âm thanh minh họa lấp đầy thời lượng với những lời bình dài dòng. Vai trò của hình ảnh được đẩy cao khi nó mang một giá trị riêng biệt mà không cần lời bình, nó vẫn làm tốt công việc chuyển tải nội dung phim.

Nghệ thuật dàn cảnh và dựng phim

Trong các phim nói trên, nhiều đạo diễn đã thể hiện phong cách riêng với nghệ thuật dàn cảnh. Hơn ai hết, đạo diễn phim tài liệu truyền hình phải là người chủ động, đặc biệt phải là người có trực giác, trực cảm tốt. Khi dẫn đoàn làm phim lên đường đi quay, người đạo diễn chỉ có một cẩm nang là một kịch bản ý tưởng, một cái “sườn” đề cương. Để triển khai cái đề cương, cái “sườn” đó thành những chất liệu quay chi tiết, có giá trị và sống động, người đạo diễn phải nhanh nhạy và quyết đoán tại hiện trường. Khác với trong sản xuất phim truyện, người đạo diễn có thời gian để suy ngẫm kỹ càng trước mỗi cảnh quay. Thậm chí các cảnh quay có thể được “đóng diễn” nhiều lần (nhiều đúp). Còn quá trình quay phim tài liệu truyền hình phải thực hiện trên những sự kiện thực đang diễn ra, những con người thật đang sống. Đặc biệt, phim tài liệu truyền hình tuân thủ việc ghi hình theo đề tài cụ thể, vì vậy, trước khi dàn cảnh, người đạo diễn phim tài liệu truyền hình cần phải có dự định, dự cảm, trực cảm tốt, cùng sự quyết đoán để quyết định dùng thủ pháp nghề nghiệp nào, để ghi hình sự việc nào, con người nào cho hợp với ý tưởng, nội dung chính của phim. Trong quá trình dàn cảnh khi làm phim tài liệu truyền hình, đa số những cảnh quay có giá trị là những cảnh quay, những cuộc phỏng vấn, trò chuyện thực hiện theo kế hoạch sản xuất đã được xác định, nhưng phải “bắt” được cái thần thái, cái tự nhiên của đời sống hiện thực để tạo nên sự chân thực, sống động cho bộ phim. Bỏ lỡ thời cơ này, hoặc đạo diễn sẽ không bao giờ quay được cảnh đó, hoặc phải “đóng diễn” lại thì sẽ rất thiếu tự nhiên, khiến cho người xem phim phát hiện ra đoạn này, đoạn kia bị dàn dựng, bị đóng diễn…

Trong các bộ phim khác nhau của VTV Cần Thơ, các đạo diễn đều cho thấy dấu ấn, phong cách của mình trong nghệ thuật dàn cảnh. Chẳng hạn, trong phim Tiếng vọng 50 năm, nghệ thuật dàn cảnh được thể hiện qua sự kết hợp với hình ảnh và lời kể của nhân vật chính. Đạo diễn đã có nhiều dụng ý khi dàn cảnh, bố trí nhiều hình ảnh đen trắng. Bên cạnh nhân vật của hiện tại, đạo diễn chủ yếu sử dụng và sắp xếp song song những hình ảnh đen trắng của quá khứ. Việc dàn cảnh kết hợp các hình ảnh đen trắng của quá khứ và hình ảnh màu của hiện tại, giữa tư liệu và nhân vật trong các không gian, thời gian khác nhau cho thấy sự gắn kết biện chứng, đường dây liền mạch của số phận nhân vật, tính hiệu quả của việc dàn cảnh. Ngoài ra, việc dàn cảnh phù hợp với hình ảnh và lời kể của nhân vật chính cũng làm toát lên tính luận đề của phim. Chẳng hạn, để dàn cảnh nêu bật nguyên nhân, sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh dũng trong chiến đấu…, đạo diễn của Tiếng vọng 50 năm cho dựng lại cảnh máy bay Mỹ rải chất độc da cam cùng cảnh bộ đội vượt qua những cánh rừng, qua những dòng sông, miền quê, kết hợp với lời bình “Cùng đồng đội lăn lộn qua những dòng sông, miền quê…, vợ chồng chị không ngờ chất độc ấy, tiếng vọng đau thương của nó vẫn còn lưu lại hàng chục năm sau”. Ngoài ra, để dàn cảnh tạo nên sức sống mãnh liệt của con người và quê hương, sự không gục ngã và luôn đi lên, tiến về phía trước, đạo diễn dàn cảnh bình minh rực rỡ trên sông, phiên chợ nổi với ghe thuyền đầy ắp trái cây, với gương mặt đầy kiên định và phúc hậu của chị Linh Phượng cùng lời bình: “Một buổi bình minh, một phiên chợ nổi…, những biểu hiện tốt đẹp của cuộc đời như làn gió mát thổi vào lòng chị một chút an ủi, vỗ về”.

Trong phim Vong thề, sự dàn cảnh thay đổi liên tục và nhiều dụng công, khi đạo diễn sắp xếp các đối tượng đảng viên phạm tội bên cạnh, bên ngoài hoặc bên trong công sở nơi họ từng công tác. Chẳng hạn, cảnh chi nhánh ngân hàng Sóc Trăng được dàn cảnh với nơi có một phòng họp từng khai trừ nhiều đảng viên trước khi họ thành phạm nhân. Cạnh đó là dàn cảnh mang tính đối lập: cảnh phỏng vấn nhân vật phạm nhân bên cạnh nhiều phòng cọp, xà lim, nhà đá… nơi các đảng viên tiền bối kiên trung từng giữ trọn lời thề với Đảng. Hay cảnh Sở Địa chính Cần Thơ được dàn cảnh bên cạnh Chi cục Hải quan Cần Thơ - những công sở có nhiều đảng viên vi phạm bị khai trừ. Trong Giấc mơ sen, có những dàn cảnh đắc địa. Chẳng hạn, sự mênh mông, bát ngát, rực rỡ của đầm sen Tháp Mười được dàn cảnh lặp đi, lặp lại nhưng không tạo cảm giác trùng lặp. Việc dàn cảnh, xếp đặt những cận cảnh (đóa sen, nhị sen, giọt nước trên lá sen…) bên cạnh nón lá sen quay được tạo hình rực rỡ, vừa mang tính điện ảnh, vừa mang tính mỹ thuật; chưa kể sự hiệu quả của cách dàn cảnh này khi nó được sắp xếp cùng với lời bình: “Nón lá này giá bao nhiêu cũng mua, vì nó đẹp và lạ”.

Dù là đề cập tới những miền đất mang đậm nét văn hóa vùng miền, hay phản ánh một cách chân thực nét văn hóa sông nước miền Tây, đặc điểm chung trong phong cách của nhiều đạo diễn chính là việc đảm bảo tính chân thực cao nhất, kết hợp với nghệ thuật quay phim qua những khung hình đa dạng, đi theo sát từng lời bình của tác giả, trong đó, ở các phim trên, họ đã kết hợp các yếu tố đó với nghệ thuật dàn cảnh mang phong cách riêng. Nghệ thuật dàn cảnh của các đạo diễn Trung Nghĩa, Quốc Trạng, Khôi Nguyên, Trung Hiếu và Nguyễn Ngọc đã thể hiện rõ theo các phong cách khác nhau, đóng góp vào giá trị nghệ thuật trong các phim Người đi gieo lửa, Tiếng vọng 50 năm, Giấc mơ sen, Vong thề, Giữa đôi dòng mặn ngọt.

Trong phần lớn các phim tài liệu của VTV Cần Thơ hiện nay, chủ yếu vẫn dùng các thủ pháp dựng phim của phim ngắn trước đây, khi chưa dùng thu âm đồng bộ. Đặc biệt, khi áp dụng thủ pháp dựng phim (montage), đạo diễn và quay phim tài liệu cũng cần đảm bảo tính sáng tạo. Nhiều đạo diễn của VTV Cần Thơ đã đáp ứng được xu hướng chung của điện ảnh thế giới hiện nay là montage có nhiệm vụ bố cục tác phẩm thành những câu hình ảnh và những trường đoạn dài để dẫn dắt người xem tham gia vào các sự kiện, sống, cảm xúc chung cùng với các nhân vật theo ý tưởng của tác giả bộ phim. Khi dựng hình, nhiều đạo diễn đã có tư duy, sử dụng các thủ pháp của nghệ thuật dựng phim như lối dựng ẩn dụ, song song, hồi tưởng, so sánh, tạo tiết tấu, tạo không khí… để nhấn mạnh vấn đề cần nói tới đồng thời tạo sức hút về mặt hình ảnh cho phim. Chẳng hạn, trong phim Tiếng vọng 50 năm, cách dựng hồi tưởng song song giữa các hình ảnh quá khứ và hiện tại, khi kể về nỗi đau của chị Linh Phượng và gia đình chị, đã làm tăng tính chân thực của câu chuyện. Cách dựng phim như vậy là một sự lựa chọn phù hợp với câu chuyện kể và nhân vật thật đã lấy được nhiều nước mắt của người xem. Tương tự như vậy, trong Vong thề, cách dựng phim song song và hồi tưởng đã mang tới hiệu quả đáng kể để chuyển tải đầy đủ thông điệp của bộ phim. Chẳng hạn, đạo diễn đã dựng 2 câu chuyện song song diễn ra cạnh nhau. Đó là cảnh ở Chi cục Hải quan Cần Thơ (với câu chuyện: chua xót thay cũng tại nơi này, hàng chục đồng chí đảng viên của Chi cục Hải quan Cần Thơ đã bị khai trừ) được dựng cạnh Sở Địa chính Cần Thơ (với câu chuyện: 6 đảng viên của Sở Địa chính Cần Thơ đã bị khai trừ). Ngoài ra, trong phim này, cần kể tới lối dựng tạo tiết tấu nhanh hoặc dựng phim tạo không khí căng thẳng, dồn ép. Đó là khi các cảnh phạm nhân Mai Văn Huy được dựng với cảnh phạm nhân Nguyễn Văn Quang, cảnh trả lời phỏng vấn của phạm nhân Nguyễn Tùng Anh được dựng với cảnh “sự luồn lách và huyênh hoang” của Mai Văn Huy…

Trong nghệ thuật dựng phim còn phải kể tới hiệu quả của dựng các cảnh quay cận cảnh, chẳng hạn như trong phim Giữa đôi dòng mặn ngọt, đó là dựng song song các cận cảnh: những máy tạo oxy chạy cực mạnh ở các vuông tôm; hình ảnh những con tôm “đẹp mã” được nuôi tốt ở các vuông tôm; hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Cà Mau; những dòng nước mặn, đập ngăn mặn làm thay đổi cuộc sống nhiều gia đình và diện mạo từng vùng quê; cảnh những dầm bê tông lớn dùng làm đập ngăn được tháo lên, trở thành chỗ dừng chân của động vật nuôi; cảnh vợ chồng anh Nga trên vuông tôm 2 hecta… Các cận cảnh với cách dựng song song đó đã khiến phim được tạo hình như những bức tranh đa dạng về kích cỡ, góc nhìn, cách tiếp cận, khiến các cảnh phim mang tính khái quát và thể hiện được quan điểm của nhà làm phim.

Có thể nói, trong các phim Người đi gieo lửa, Tiếng vọng 50 năm, Giấc mơ sen, Vong thề và Giữa đôi dòng mặn ngọt, các đạo diễn của VTV Cần Thơ luôn bám sát và thể hiện được xu hướng chung của điện ảnh thế giới hiện nay là montage có nhiệm vụ bố cục tác phẩm thành những câu chuyện hình ảnh và những trường đoạn tương đối dài để dẫn dắt người xem tham gia vào các sự kiện, sống, cảm xúc chung cùng với các nhân vật theo ý tưởng của tác giả bộ phim.

1. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Cần Thơ (VTV Cần Thơ) là cơ quan đại diện của VTV thường trú tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (*) Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

Ths Lê Hải Âu (*)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-so-dac-diem-nghe-thuat-dao-dien-trong-phim-tai-lieu-truyen-hinh-cua-vtv-can-tho-a21220.html