Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đáng chú ý, về phổ biến phim trên không gian mạng, theo Thường trực Ủy ban, phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số ĐBQH đồng tình. Do vậy, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng…
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Thường trực Ủy ban trình các ĐBQH cho ý kiến 2 phương án: bỏ hoặc giữ. Lý do là Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định về Quỹ này, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ. Hơn nữa, theo cơ quan thẩm tra, các quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11, điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước hoặc không còn phù hợp.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh…
Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, về lý do chưa thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì có phần lỗi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thật sự tích cực vận động. Nhưng về lâu dài, nếu Việt Nam có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì sẽ không phụ thuộc vào một số quỹ của nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, đây là một bộ luật phải đảm bảo được 2 mục tiêu: vừa tạo điều kiện để phát triển môn nghệ thuật, đồng thời mở ra một hướng là một ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải làm sao cân đối được các mục tiêu chính này để thiết kế các điều luật phù hợp với xu thế chung. Đây là bộ luật khó, có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo ý kiến các ĐBQH, tinh thần chung là việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng… Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-dam-vua-phat-trien-nghe-thuat-dien-anh-vua-mo-ra-nganh-cong-nghiep-van-hoa-a21144.html