Mọi hành động lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích cá nhân, tổ chức đều bị trừng trị theo pháp luật

Trong hơn một năm trở lại đây, cộng đồng mạng cùng dư luận trong xã hội không ngừng xôn xao, bàn tán về những hành vi cũng như phát ngôn liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương.

27-03-2022-moi-hanh-dong-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-de-xam-pham-den-loi-ich-ca-nhan-t-c8ca1c61-details-1648387802.jpg
Bị can Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM. (Ảnh do Công an TP cung cấp)

Câu chuyện bắt đầu với các buổi livestream trên nền tảng mạng xã hội của nữ doanh nhân từ đầu tháng 3/2021, đơn cử là màn talkshow vào tối ngày 25/5/2021 để thông tin về vụ việc vốn đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời điểm ấy, liên quan hoạt động của một số nghệ sĩ showbiz Việt cùng quá trình quản lý, sử dụng, giải ngân nguồn kinh phí quyên góp ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt.

Với độ “hot” của chủ đề trao đổi cùng với cách phát ngôn “quyết liệt” và “khẳng khái” của CEO Phương Hằng, buổi livestream này đã thu hút một lượng tương tác lớn trên facebook CEO Nguyễn Phương Hằng, có thời điểm ghi nhận lên đến 225.000 người cùng theo dõi với hơn 32.000 lượt chia sẻ. 

Kể từ sau buổi livestream được xem là đình đám ấy, CEO Phương Hằng được công chúng biết đến với hình ảnh của một công dân dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống tiêu cực, dấn thân vì lẽ công bằng cho xã hội. Cộng với uy tín, tầm ảnh hưởng đã được tạo dựng trước đó trong vai trò là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, của một nữ doanh nhân được xem là có “máu mặt”, tên tuổi của nhân vật này ngày càng chiếm được lòng tin và sự ủng hộ của dư luận.

Các cơ quan chức năng đã có những kết luận khách quan là không có cơ sở để chứng minh những phát ngôn có tính chất “cáo buộc” cũng như “tố giác” của bà Nguyễn Phương Hằng về tính minh bạch và hợp pháp trong hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ như Hoài Linh, Trấn Thành, Công Vinh, Thủy Tiên… và kể cả ông Võ Hoàng Yên - người đã từng bị bà “bốc phốt” trong các phiên livestream trước đó. Những thông tin trong các lần phát ngôn trên livestream từ 25/5/2021 trở về trước của doanh nhân này, đã phần nào giúp công luận hiểu rõ hơn những “góc khuất” phía sau showbiz Việt – một thế giới xưa nay nổi tiếng là có sức hút, tác động, chi phối, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa Việt.

Những tưởng, một doanh nhân thành đạt và có uy tín từng mạnh mẽ tuyên bố sẽ luôn sống trọng chữ tâm, vẹn chữ đức, hành hiệp trượng nghĩa sẽ được duy trì và ngày càng đẹp hơn trong mắt công chúng. Thế nhưng, ở các lần xuất hiện tiếp theo đặc biệt là khoảng thời gian tháng 10/2021 trở lại đây, hình ảnh và tên tuổi ấy đã không còn “rực rỡ”, “hồng hào”, “khảng khái” như nhiều người từng thấy. Thay vào đó là một Phương Hằng với những màn “đấu tố”, “hằn học” trên không gian mạng, những lời lẽ “thóa mạ”, “mạt sát”, những ngôn từ “tục tỉu”, “thô thiển” xúc phạm đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức, chính quyền ở TPHCM và một số địa phương khác.

Sau những lần như thế, đã vô tình tạo nên một Phương Hằng chuyên đi cổ súy cho “văn hóa chửi” trên không gian mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc, đi ngược lại với những giá trị đạo đức, cốt cách vốn có của người Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của doanh nhân Việt Nam đối với cộng đồng. Hành vi của Nguyễn Phương Hằng không chỉ gây ra tâm lý bức xúc đối với các cá nhân, tổ chức bị chính cá nhân xúc phạm mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, cũng như môi trường văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Với những hành vi đó, không ít lần cá nhân này đã bị cơ quan chức năng triệu tập, làm việc, tiếp xúc, nhắc nhở, khuyến cáo, thậm chí là cảnh báo và yêu cầu nữ doanh nhân này chấp dứt ngay các hành vi lợi dụng quyền tự do khi sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tuy vậy, không những không “giảm nhiệt” mà Nguyễn Phương Hằng còn tỏ thái độ ngoan cố, thách thức chính quyền, bất chấp công luận, coi thường pháp luật, tiếp tục hoạt động manh động và quyết liệt hơn, nữ doanh nhân ngày càng ngang nhiên tổ chức livestream trên 12 tài khoản mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok) do mình đứng lập, quản lý, sử dụng để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là thông tin sai sự thật, xuyên tạc đời tư của các cá nhân trong đó có cả lãnh đạo TPHCM.

Ngoài ra, Nguyễn Phương Hằng còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tụ tập đông người ở khu vực nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn, tổ chức các đoàn thực hiện các buổi livestream tại Hà Nội, An Giang,… gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an. Nếu quan sát kỹ hành động lệch chuẩn của Nguyễn Phương Hằng, cũng không lấy gì làm lạ khi hết tổ chức, cá nhân này đến tổ chức, cá nhân khác gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi như: “vu khống”, “làm nhục người khác”, “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”, “đe dọa người khác” của cá nhân này.

Và chuyện gì đến cũng phải đến, ngày 24/3/2022, Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 – Bộ luật hình sự. Thế là, Nguyễn Phương Hằng từ vị trí của người đứng đầu của một doanh nghiệp có tiếng tăm, một doanh nhân có thể xem là thành đạt và có uy tín, trở thành một “bị can”, điều mà không bất kỳ một ai muốn mang vào người.

Mặc dù vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ, tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo Điều 331 của Bộ luật hình sự đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ đối với cá nhân Nguyễn Phương Hằng mà còn đối với những ai đang hay có ý định sử dụng mạng xã hội để livestream “bốc phốt”, chửi bới, xúc phạm, tấn công làm tổn hại đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân.

Thực tế đáng chú ý là, kể từ khi sau khi CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt và khởi tố, dư luận trong nhân dân, đặc biệt là trên không gian mạng xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh những luồng dư luận thể hiện sự đồng tình, ủng hộ chiếm ưu thế, vẫn còn đan xen nhiều quan điểm trái chiều từ những cá nhân (youtuber, faceboker…) ủng hộ, đứng ra bên vực cho bị can Nguyễn Phương Hằng. 

Điều này cũng dễ hiểu, bởi ngoài những người dân bình thường ủng hộ việc bắt Nguyễn Phương Hằng vì muốn văn hóa ứng xử trong xã hội được trả về đúng với những chuẩn mực của nó, vì muốn pháp luật phải được tôn trọng, tuân thủ và chấp hành; nhưng cũng không ít cá nhân, đặc biệt là những người trước đây từng là “nạn nhân” trong những màn phát ngôn “đấu tố” trên các buổi livestream do bị can này thực hiện thì tỏ ra “hồ hởi”, “mừng ra mặt”.

Nhưng, dù là với bất kỳ động cơ gì đi nữa thì ai trong chúng ta khi hành động và phát ngôn, cũng cần phải hết sức tỉnh táo, có thái độ ứng xử đúng mực với tinh thần thượng tôn pháp luật, biết lắng nghe và chắt lọc thông tin từ công luận; luôn tin vào sự công tâm, khách quan của chính quyền và các cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý vụ án. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và tạo mọi điều kiện để mỗi người dân có quyền phát huy đầy đủ quyền tự do, dân chủ của mình trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, luôn có thái độ cứng rắn, không khoan nhượng, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có tư tưởng coi thường pháp luật, bất chấp dư luận, công khai thách thức chính quyền. Mọi hành động lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích cá nhân, tổ chức, nhà nước đều bị trừng trị nghiêm minh theo pháp luật.

Theo hcmcpv.org.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/moi-hanh-dong-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-de-xam-pham-den-loi-ich-ca-nhan-to-chuc-deu-bi-trung-tri-theo-phap-luat-a21118.html