Đây là một trong những yêu cầu đặt hàng cụ thể của các doanh nghiệp khi tham gia Hội thảo "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ" do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 25/3 tại TPHCM.
Cụ thể, ông Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty Dược phẩm Savipharm cho biết doanh nghiệp đang đau đáu tìm kiếm công nghệ cho dự án sản xuất công nghệ cao thuốc điều trị ung thư.
Do vậy, tại hội thảo, doanh nghiệp đã trực tiếp nêu đầu bài cho các viện, trường đại học để hỗ trợ tìm kiếm chuyển giao công nghệ trong hoạt động của dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao. Theo đó, đầu tiên là đơn vị cần chuyển giao công nghệ nghiên cứu phát triển các kháng thể đơn dòng điều trị ung thư. Tiếp đó là công nghệ xử lý chất thải của dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao.
Theo ông Tựu, cần phải có công nghệ để xử lý chất thải, tuy có thể mua công nghệ từ nước ngoài nhưng rất tốn kém. Do vậy doanh nghiệp rất mong chờ sự hợp tác của các trường đại học và các nhà khoa học trong nước.
Thứ ba, doanh nghiệp cần hợp tác trong nghiên cứu phát triển các dược phẩm mới. Và cuối cùng là đặt hàng các trường đại học hợp tác đào tạo các nghiên cứu viên cho doanh nghiệp. Đây là sự đầu tư cần thiết cho trung tâm nghiên cứu phát triển tại doanh nghiệp.
Ngoài câu chuyện đặt hàng trực tiếp từ doanh nghiệp đến các viện, trường, tại Hội thảo đã có nhiều chia sẻ của các doanh nghiệp về hiệu quả đầu tư đổi mới khoa học công nghệ và những kinh nghiệm trong hợp tác chuyển giao.
Có thể kể đến kinh nghiệm hợp tác chuyển giao giữa Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh và Viện Tế bào gốc TPHCM, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Bà Lê Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết, đơn vị này đang triển khai đề tài sản xuất thuốc tế bào gốc từ mô mỡ. Xuất phát từ thực tế các bệnh lý có chỉ định sử dụng tế bào gốc trong điều trị, Bệnh viện đã đặt hàng Viện Tế gào gốc TPHCM sản xuất một loại thuốc tế bào gốc mới để loại bỏ các tác dụng phụ so với sản xuất theo công nghệ cũ. Và sự hợp tác này đã cho ra đời loại thuốc tế bào gốc trung mô từ mô mỡ ứng dụng trong thoái hoá khớp gối và thoái hoá cột sống thắt lưng, chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Đề án này được hỗ trợ một phần vốn ngân sách theo chương trình đổi mới công nghệ. Tới đây, khi đạt điều kiện các thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh sẽ sớm đưa vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu của điều trị của đơn vị cũng như các bệnh viện khác có nhu cầu sử dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về thoái hoá xương khớp.
Liên quan đến vấn đề vốn vay ưu đãi cho các chương trình đổi mới, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, tại Hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN thông tin rằng Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia sẽ là đầu mối hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào cuộc sống. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng ngành KH&CN mà còn là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp. Vì vậy rất cần sự chủ động tham gia của các bộ, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, hiện Bộ KH&CN đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Một nội dung quan trọng và được Bộ KH&CN hết sức quan tâm là làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường sự công khai, minh bạch trong việc quản lý các chương trình và huy động tối đa các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp tham gia các chương trình KH&CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Theo chinhphu.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doanh-nghiep-dat-hang-vien-truong-nghien-cuu-chuyen-giao-cong-nghe-a21101.html