Hà Tĩnh: Thanh niên lập thân, lập nghiệp thành công với mô hình nuôi chồn trên chính mảnh đất quê hương

Sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ Công an nhân dân, anh Trần Khắc Sáng (TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế đạt cả trăm triệu đồng mỗi năm và được đoàn cấp trên tặng nhiều giấy khen.

1-1648099100.jpg
Cơ quan chức năng huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình.

Tháng 6 năm 2021, sau khi làm đơn và được cơ quan chức năng cấp giấy phép, cấp mã số cơ sở nuôi các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, anh Trần Khắc Sáng (SN 1998, trú tại TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và 04 cặp chồn hương về thả nuôi, đến nay anh Sáng đã nuôi tổng cộng 08 cặp chồn bố mẹ…

4-1648099100.jpg
Mỗi năm loài chồn nay sinh sản 2 lứa, đem lại hiệu quả về kinh tế cho gia đình anh Sáng.

Anh Sáng cho biết: “Qua tìm hiểu trên sách vở, internet… thì nuôi chồn hương chi phí thấp vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, giá bán lại cao, dễ nuôi, ít bệnh tật, không tốn thời gian chăm sóc, không chiếm nhiều diện tích, lại có thêm nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh nên tôi đã mạnh dạn đầu tư các cặp chồn bố mẹ, sau đó tự phối giống đến nay đã xuất bán ra thị trường được 05 cặp con giống trên địa bàn toàn tỉnh với số tiền hơn 100 triệu đồng”.

Trại chăn nuôi chồn hương của anh Sáng tại tổ dân phố Xuân Hòa có diện tích 130m2, trong đó có 45 ô chuồng, mỗi chuồng 1m2 đảm bảo các điều kiện để các loài động vật như chồn sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện tại giải quyết việc làm cho 3 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và được nhiều bạn đoàn viên trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đến học tập, nhân rộng.

2-1648099100.jpg
Không tốn thời gian chăm sóc nhưng anh Sáng đánh số ô chuồng để tiện theo dõi đàn vật nuôi.

Chồn hương hay cầy vòi hương (có tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus), mỗi năm sinh sản 2 lứa, chồn con từ khi sinh ra đến khoảng 2 tháng tuổi có thể bán thịt với giá gần 2 triệu đồng/kg, nếu chồn giống nuôi 8 tháng thì bán từ 8 triệu đồng/cặp trở lên.

Nhận xét về mô hình của anh Sáng, đồng chí Trần Thị Hải - Phó Bí thư huyện đoàn Lộc Hà cho biết: “Đồng chí Trần Khắc Sáng là nhân tố điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế tại địa phương. Mô hình nuôi chồn hương của đồng chí mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp phát triển kinh tế gia đình, đồng thời nhiều đoàn viên mong muốn học hỏi và nhân rộng. Với vai trò là Bí thư chi đoàn, đồng thời là Công an viên của tổ dân phố Xuân Hòa nên đồng chí luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình”./.

Viết Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-tinh-thanh-nien-lap-than-lap-nghiep-thanh-cong-voi-mo-hinh-nuoi-chon-tren-chinh-manh-dat-que-huong-a21069.html