Huấn đạo Lê Ngọc Khởi, một vị quan thanh liêm

Ông Lê Ngọc Khởi (Khải) sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18, quê thôn Di Luân, xã Đồng Luân, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, tỉnh Nghệ An (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), thuộc hậu duệ đời thứ 10, họ Lê Ngọc xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương.

nhung-vi-quan-noi-tieng-thanh-liem-thoi-phong-kien-dao-tac-ne-phuc-hinh-2-1648030232.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Thân phụ của ông Lê Ngọc Khải là Châu ấp Thập lý hầu Lê Ngọc Mục và thân mẫu là bà Trần Thị Thái.

Ông nội của ông Lê Ngọc Khải là Nho trưởng Tổng trưởng Lê Ngọc Chính. Chú ruột của ông Lê Ngọc Khải là Cử nhân, Giáo thụ phủ Tuy An, Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận và Đội trưởng Ưu binh Lê Ngọc Thái.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, có truyền thống hiếu học nên ông Lê Ngọc Khởi sớm được cha mẹ cho theo nghiệp sách đèn. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi.

Năm 1807, vua Gia Long hạ chiếu nêu rõ: “Nhà nước cầu nhân tài, tất do đường khoa mục. Tiên triều ta chế độ khoa cử đời nào cũng có cử hành”. Mùa Đông, tháng 10 năm 1807 (Đinh Mão), triều đình nhà Nguyễn bắt đầu mở Khoa thi Hương đầu tiên, khoa thi này chỉ có ở Nghệ An, Thanh Hóa và Bắc Thành tham gia. Từ Quảng Bình trở vào Nam không có ai dự thi. Ông Lê Ngọc Khởi và chú ruột là Lê Ngọc Nhuận tham dự kỳ thi này và lãnh Hương tuyển (đỗ Tú Tài 秀才). Sau đó được tuyển dụng vào làm công tác giảng dạy.

Nhờ trí thông minh, sự cố gắng của bản thân, không ngừng học tập, chăm chỉ làm việc. Năm 1840 (Canh Tý), đời vua Minh Mệnh năm thứ 21, triều đình mở khoa thi ban đặc ân nhân dịp khánh điển, Tú tài Lê Ngọc Khởi Ân khoa “恩科” tái trúng xuất thân. Sau đó được bổ nhiệm làm Huấn đạo trông coi việc học tập. Ngày 15 tháng 3 năm 1844, đời vua Thiệu Trị thứ năm thứ 4, Tú tài Lê Ngọc Khải lại được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong bổ thụ giữ chức Huấn đạo huyện Phú Vang (Huế) phụ trách việc giảng dạy và thi cử.

Trong thời gian làm Huấn đạo huyện Phú Vang việc học tập trong huyện có nhiều thay đổi, phát triển nên ông rất được cấp trên trọng dụng, nhân dân và học trò tin yêu, quý trọng. Ông đã đem hết tài năng của mình để mở mang kiến thức cho nhân dân, đào tạo nhân tài và đề cao việc học tập.

thieu-tri-1648028781.jpg
Bằng cấp cho Nhiếp biện ấn vụ huyện Hương Thủy Lê Ngọc Khải. Ảnh: Ngọc Thịnh 

Ngày mồng 03 tháng 6 năm 1845, đời vua Thiệu Trị năm thứ 5, Tri huyện huyện Hương Thủy là Tôn Thất Ngân được thăng bổ Viên ngoại lang của ty Văn Tuyển thuộc bộ Lại. Được sự tin tưởng của cấp trên cho nên ngày 15 tháng 7 năm 1845, đời vua Thiệu Trị năm thứ 5, Phủ đường phủ Thừa Thiên đã cấp bằng bổ nhiệm Huấn đạo Lê Ngọc Khởi tạm Nhiếp biện ấn vụ (tạm giữ ấn tín huyện Hương Thủy và giải quyết các công việc của Tri huyện).

Ngày 19 tháng 6 năm 1846, đời vua Thiệu Trị năm thứ 6, Bộ Lễ cử Tri huyện huyện Phú Vang là Phạm Thế Hiện bổ sung vào làm phúc khảo ân khoa thi Hương ở Trường Thừa Thiên. Phủ Thừa Thiên đã cấp trát tri bổ nhiệm Huấn đạo huyện Phú Vang Lê Ngọc Khởi tạm Nhiếp biện ấn vụ (tạm giữ ấn tín huyện Phú Vang và giải quyết các công việc của Tri huyện).

Ngày mồng 10 tháng 6 năm 1848, đời vua Tự Đức năm thứ nhất, Bộ Lại đã ghi chép rõ ràng từ khoa thi Hương năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đến khoa thi Hương năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) số lượng thí sinh dự thi thành 1 quyển, bộ đã tâu xin ban thưởng 4 tháng lương tiền bổng lộc cho Huấn đạo Lê Khởi huyện Phú Vang.

Ngày 21 tháng 6 năm 1848, đời vua Tự Đức năm thứ nhất, Bộ Lễ đề nghị cử Tri huyện huyện Phú Vang là Phạm Thế Hiện bổ sung vào làm phúc khảo khoa thi Hương ở Trường Thừa Thiên. Phủ Thừa Thiên đã cấp trát tri bổ nhiệm Huấn đạo huyện Phú Vang Lê Ngọc Khởi tạm Nhiếp biện ấn vụ và giải quyết các công việc của Tri huyện.

tu-duc-2-1648028781.jpg
Lục tống cấp cho Huấn đạo huyện Phú Vang Lê Khải. Ảnh: Ngọc Thịnh 

Ngày 19 tháng 4 năm 1849, đời vua Tự Đức năm thứ 2, đình thần đề cử và nhà vua đã đồng ý để bộ Lại cấp lục tống cử Huấn đạo Lê Ngọc Khải phụng sung vào công quán Quảng Xá để cùng các đồng phái viên giao thiệp, tiếp đãi đón tiếp sứ thần trong đại lễ bang giao với ngoại quốc với toàn văn bản dịch Lục tống như sau:

Dịch nghĩa:

Bộ Lễ kính vâng theo lục chỉ cấp lục tống:

Nay kính gặp đại lễ bang giao, đình thần đã lập danh sách đề cử Huấn đạo huyện Phú Vang là Lê Khải phụng sung vào công quán Quảng Xá để mà giao thiệp. Đã kính vâng thánh chỉ chuẩn cho danh sách đề cử, vì vậy liền kính vâng cấp giao lục tống này để chấp chiếu. [người được cấp] nên theo hầu mệnh, túc trực bên các viên quan để được sai phái, các các công việc giao thiệp tiếp đãi phải cùng các đồng phái viên tuân theo điển lệ mà phụng hành, việc làm phải chu toàn, thỏa đáng.

Lục tống này phải giao đến cho người được cấp.

Lục tống trên cấp cho:

Huấn đạo huyện Phú Vang phụng sung thù phụng công quán Quảng Xá là Lê Khải chấp chiếu.

Ngày 19 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (1849)

LỄ BỘ CHI ẤN

Ngày mồng 6 tháng 9 năm 1851, đời vua Tự Đức năm thứ 4, bộ Lại cấp bằng bổ nhiệm Huấn đạo huyện Phú Vang Lê Ngọc Khởi làm Huấn đạo huyện Gia Viễn (Ninh Bình) phụ trách các việc giảng dạy và thi cử.

tu-duc-1648028781.jpg
Bằng cấp cho Huấn đạo huyện Gia Viễn là Lê Khải. Ảnh: Ngọc Thịnh 

Sau đó, ngày 22 tháng 9 năm 1851, đời vua Tự Đức năm thứ 4, Huấn đạo Lê Ngọc Khải được bộ Binh tin tưởng cấp bằng giao thêm nhiệm vụ phát giao 6 bản cung lục và tấu triệp từ Quảng Trị đến Ninh Bình, với toàn văn nội dung Bằng cấp như sau:

Bộ Binh làm việc cấp bằng:

Xét thấy Huấn đạo Lê Khải huyện Gia Viễn nay theo lệ phụng hành việc công, ngươi trước đến bổn bộ nhận lãnh nhiệm vụ phát giao 6 bản cung lục và tấu triệp. Đi qua các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Bình cứ y chiếu thứ tự mà kính giao, vậy nên liền cấp cho bằng này, cho phép khởi hành từ trạm Thừa An đi về phía bắc, mỗi trạm cử 2 người võng phu y theo lệ đi đường mà tuần tự chuyển đi, đến các tỉnh phải chiếu theo thứ tự mà kính giao, đi đến tỉnh Ninh Bình thì dừng, tùy tùng đi theo gồm 1 người cùng cho phép thông hành.

Bằng này phải giao đến cho người được cấp:

Bằng trên cấp cho:

Huấn đạo huyện Gia Viễn là Lê Khải y theo đây.

Ngày 22 tháng 9 năm Tự Đức thứ 4 (1851)

BINH BỘ CHI ẤN

Ngày 17 tháng 9 năm 1852, đời vua Tự Đức năm thứ 5, Bộ Lễ đề nghị cử Tri huyện huyện Gia Viễn là Nguyễn Đức Tiếp vào làm Phúc khảo khoa thi Hương ở Trường Thanh Hóa. Quan thự Tuần phủ Ninh Bình họ Tôn Thất đã tuyển chọn và cấp bằng bổ nhiệm Huấn đạo huyện Gia Viễn Lê Ngọc Khởi giữ ấn tín cùng các văn thư, tù nhân và đinh nô của huyện Gia Viễn.

Trong thời gian làm Huấn đạo huyện Gia Viễn việc học tập của trong huyện có nhiều thay đổi, phát triển nên ông rất được cấp trên trọng dụng, Nhân dân và học trò tin yêu, quý trọng.

Do tuổi cao, sức yếu, ngày mồng 8 tháng 10 năm 1853, đời vua Tự Đức năm thứ 6, Huấn đạo Lê Ngọc Khởi xin nghỉ hưu và trở về quê an dưỡng.

Làm quan dưới triều đại nhà Nguyễn, ông Lê Ngọc Khải sau khi đỗ Tú tài được bổ nhiệm làm quan trải qua bốn đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; làm Huấn đạo hai huyện Phú Vang và Gia Viễn; giữ chức Nhiếp biện ấn vụ ba huyện Phú Vang, huyện Hương Thủy (Huế) và huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình). Ông là một nhà giáo dục tài năng và đức độ. Qua bàn tay dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài ra làm quan giúp dân, giúp nước. Ngoài ra, ông có nhiều đóng góp to lớn trong nội trị và ngoại giao của đất nước như đảm đương trọng trách đón tiếp sứ thần được triều đình ghi nhận. Sau khi nghỉ hưu về quê, ông vẫn mở lớp dạy học, đào tạo thêm nhiều học trò giỏi.

Do tuổi cao sức yếu, Huấn đạo Lê Ngọc Khởi đã qua đời ngày 21/8 (Âm lịch), giữa thế kỷ XIX. Sau khi mất được sắc tặng Tu chức lang, tên chữ là Quang Thế, thuỵ Đôn Khuyến, hiệu là Châu Phong tiên sinh.

Huấn đạo Lê Ngọc Khải được thờ tại Nhà thờ họ Lê Ngọc, xã Thanh Thịnh và Nhà thờ họ Lê Ngọc xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Huấn đạo Lê Ngọc Khởi được đánh giá là vị quan thanh liêm, chính trực, tài hoa đức độ và được nhân dân, bạn bè, các thế hệ học trò và con cháu quý trọng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông sẽ là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ, con cháu họ tộc học tập và noi theo./.​

Ngọc Thịnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huan-dao-le-ngoc-khoi-mot-vi-quan-thanh-liem-a21061.html