Liêu trai Vực Quánh

Vực Quánh thuộc địa phận xã Thanh Chi. Tên gọi vực Quánh được một số người dân địa phương cho biết, đây là một vực nước sâu, nằm cạnh núi, dòng nước khi đi vào đây phải quẩn lại, chảy quanh rồi mới thoát ra ngoài được nên nhân dân gọi là vực Quanh rồi đọc chệch thành vực Quánh.

vuc-1647958651.jpg
Vực Quánh nơi gắn với nhiều câu chuyện liêu trai. Ảnh: Nguyễn Diện

Vực Quánh còn có tên gọi là khác là vực Đồng Luân, vì nó nằm sát xã Đồng Luân, tổng Đại Đồng, huyện Nam Đường ngày xưa. Nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trên vực là núi Quánh, ngọn núi nhỏ ăn ra giữ lòng sông, tạo nên vực Quánh bí ẩn. Trên núi có đền thờ Đức Thánh Lam Giang - là vị thần cai quản vùng sông nước ở đây. Tương truyền, đền này do những người vạn chài trên sông Lam lập nên, bởi mỗi lần đi thuyền bè đi qua đây gặp rất nhiều khó khăn, mất mát nên đã lập để thờ thần, mong ngài phụ hộ độ trì mọi việc qua lại tốt lành.

Trước những năm 1988, mỗi mùa lũ, khi nước thượng nguồn chảy về từ dưới vực nước phát ra tiếng kêu ầm ầm như hàng ngàn con chiến mã xung trận, người dân ở xa cả mấy km vẫn nghe âm thanh. Nhân dân quanh vùng rất sợ hãi, xem đó là điều linh thiêng và truyền tụng nhau nhiều câu chuyện liêu trai về việc này.

Người đàn bà sống dưới vực nước

Lần theo những câu chuyện đó, PV tìm hiểu được tư liệu về vực Quánh trong một cuốn sách khá nổi tiếng ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đó là Tang Thương Ngẫu Lục do hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án biên soạn, dịch giả Đạm Nguyên, xuất bản 1961. Trong sách đã kể lại nhiều câu chuyện liên quan đến vực nước này với tên gọi là vực Đồng Luân.

Sách Tang Thương Ngẫu Lục do hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án biên soạn vào đời vua Gia Long (1802 - 1820) ghi lại những chuyện cũ tích xưa trong triều ngoài nội, vào khoảng Hậu Lê trở về trước. Toàn bộ 90 chuyện, chia làm 2 phần, phần thứ nhất có 40 chuyện, phần thứ hai có 50 chuyện. Đến năm 1886, Tiến sỹ Đỗ Văn Tâm, tự Gia Xuyên, khi đương chức Tổng đốc Hải Dương mới quyên tiền khắc gỗ để in. Trong đó, Tùng Niên tức là quan Quốc tử Tế tửu hiệu Đông Giã Tiều, Ngạo quân, Phạm Công (tức Phạm Đình Hổ). Còn Kinh Phủ tức là quan huyện Tiên minh, Ngũ hồ, Nguyễn Công (tức Nguyễn Án).

ben-quanh-1647958651.jpg
Bến đò Quánh. Ảnh: Nguyễn Diện

Sách chép: Huyện Nam Đường có sông Dụng (tức sông Lam ngày nay - PV), là con sông lớn ở Hoan Châu. Nguồn phát ra từ Trầm Châu, đi qua Đại Đồng, Đồng Luân, lướt trên trại Sa Nam, bến Phù Thạch mà chảy ra bể. Thường có sóng lớn mênh mông, chỗ nào cũng có vực sâu nhất là giữa khoảng làng Đại Đồng, Đồng Luân lại nhiều lắm. Bên cạnh vực có những làng xóm dân cư đông đúc. Người ta thường thấy có mấy bọn người đàn bà con gái đến chợ buôn bán, ngôn ngữ, y phục ra lối người tỉnh thành. Có người dò theo, thấy bọn người ấy đi đến sông thì mất. Một hôm có một người dân xuống bến Đồng Luân rửa tay, rồi hóng mát, đứng khuất vào khoảng lau sậy, thấy trên bãi cát có người cưỡi ngựa, chạy quanh ba vòng, rồi cùng sóng cương mà đi xuống nước cả. Người ấy đứng lặng thở xem ra thế nào. Một lúc thấy mấy tòa lâu đài nổi lên ở giữa dòng sông nhỏ như quyển sách, chỉ trong chớp mắt đã cao lên đồ sộ. Quan lại, kẻ hầu người hạ, đi lại nhộn nhịp khá đông. Một lúc lâu người ấy ngứa cổ không thể nhịn được, dẵng lên một tiếng, lập tức những lâu đài trước mắt chìm mất hết, rồi có hai con cá lớn nổi lên, cụt đầu nổi ở bến sông, nước sông đỏ lòm.

Đinh quân, người làng Đại Đồng làm đến Tri phủ, một lần qua bến đò Lại Xá ở Hải Dương, thấy trong quán có một bà già, tuổi tầm 63, 64  hỏi mình rằng:

Ông có phải người làng Đại Đồng không? Sao tiếng nói giống thế.

Đinh quân nói, làng ấy cách đây ngàn dặm làm sao bà lại biết?

Bà già cười:

Đại Đồng là nơi tôi vẫn chơi khi xưa, có ông không biết đấy thôi.

Hỏi kỹ thì bà nói:

Tôi người ở đây, thuở nhỏ ra sông tắm, bị thần sông là Giang Đông hầu bắt lấy. Ở sông này được 3 năm thì hầu cải bổ vào làm việc ở trấn Đồng Luân, coi vực Đại Đồng? Ngoài những lúc hầu hạ chăn màn, tôi thường lên chợ chơi thành quen, không phải một ngày. Mà cha con Thiếu vệ mỗ, Lý trưởng mỗ nay hãy còn cả chứ. Đó đều là những người hào trưởng trong vùng. Thiếu vệ có người con gái chết đuối phải không?

Phải, Đinh quân trả lời.

Thì chính một người lính hầu ở dưới trướng hầu của tôi là con rể đấy.

Long cung hay lấy vợ trên trần, đều cho bọn lính tráng đi bắt, cũng một đôi khi là quan phủ đi bắt lấy mà ít khi thấy. Ở trấn được 5 năm, một lần có cái bè từ mạn ngược xuống, chở theo 4 cây gỗ chò. Hầu thích những cây gỗ ấy, tung nước lên làm bè đắm. Mấy tên thủy thủ chết oan, họ kiện đến quan trấn, quan trấn xử hầu phải đuổi về chỗ cũ. Về đến đây hầu thả tôi lên. Tôi theo sóng bồng bềnh chìm nổi theo sóng nước, hoảng hốt như trong mộng. Người nhà vớt tôi, mấy ngày tôi mới tỉnh. Làng mây, cung nước đến nay vẫn như đang thấy rành rành.

Câu chuyện bà kể rất rành mạch, Đinh quân đem chép lại thành sách, để ở nhà.

Chuyện người lái buôn

Đầm Thịnh Liệt ở huyện ấy (tức huyện Nam Đường), cách sông khá xa, thuyền bè không vào được. Tục truyền có con thuồng luồng ngắn vuốt, linh thiêng lắm.

Một người lái buôn nước mắm ở huyện Hưng Nguyên, bữa kia từ Hoan Châu ra kinh đô, đỗ thuyền ở bến sông Nhị. Bây giờ đang mùa hạ, nước to, người lái bán hàng xong nhưng chưa dong buồm về được. Một hôm người ấy thấy có 3, 4 người công sai đem rượu thịt đến cùng mình đánh chén. Tiệc riệu gần vãn, họ lấy ra một phong thư, ghe tai người lái buôn rằng:

Tôi là quân hầu của Thần Thuồng Luồng đầm Thịnh Liệt, thần đi đánh núi Tản Viên, dọc đường thần bỏ mình, nhờ bác đưa giúp thư này về vực Đồng Luân hộ.

Người lái vâng lời, nhổ thuyền xuôi Nam, chẳng máy chốc đã về tới Đồng Luân, tối hôm đó, người lái thuyền gõ thuyền gọi, rồi thấy dưới nước có tiếng thưa rồi nhận lấy thư, dặn người lái hãy chờ đấy. Lúc lâu nghe văng vẳng thấy tiếng khóc thê thảm. Đêm khuya thấy có hai người lính đội lên một hộp giầu, trong đó đựng 20 lạng vàng, đưa để tạ ơn, người lái đò từ chối, nói:

Đã được buồm xuôi, nước thuận là được ban ơn nhiều rồi, tôi đâu dám nhận lấy số vàng ấy. Người lái chỉ xin nhận cái hộp mà trả lại vàng. Từ đó xuôi ngược giang hồ một đời không gặp một sự kinh hãi nào cả.

Vậy những câu chuyện ở vực Quánh, hay còn gọi là vực Đồng Luân có thật sự liêu trai?!

anh-do-quanh-1647958651.jpg
Những con đò thường hay hoạt động ở vực Quánh. Ảnh: Nguyễn Diện

Giải mã về tiếng kêu dưới vực nước

Về câu chuyện những âm thanh phát ra dưới vực nước được các cụ cao niên cho rằng đó là do tiếng sóng nước dội vào gành đá mà phát ra. Bởi từ năm 1988, để nắn dòng chảy, giảm bớt sự nguy hiểm của dòng nước, chính quyền đã cho nổ mìn vào vực đá, từ đó âm thanh dưới vực nước không còn nữa.

Sau khi không còn âm thanh phát ra người dân mới tìm cách tìm hiểu. Nhưng ít người dám xuống đó để xem. Rồi cũng có người gan dạ lặn xuống đáy vực, mới phát hiện dưới đáy là một cái hang ăn sâu vào trong núi. Nên khi áp lực nước lớn từ thượng nguồn chảy về dội vào hang sâu sẽ phát ra các âm thanh.

Nhân vật Đinh Quân là có thật

Câu chuyện về người đàn bà sống ở dưới vực Đồng Luân sẽ chắng ai tin nếu không được ông Phạm Đình Hổ ghi lại, mà nhân chứng trong câu chuyện này rất rõ đó là ngài Đinh Quân. Vậy ông Đinh Quân là ai?

Để tìm hiểu nhân vật này, PV đã lần theo cuốn Đại Đồng tổng lịch triều Hương, Hội khoa lục, hay còn gọi tắt là Đại Đồng khoa lục. Đây là cuốn sách ghi đầy đủ danh tính, quê quán, hành trạng cùng các khoa thi, thứ hạng trúng tuyển của các vị khoa bảng của tổng Đại Đồng từ các triều đại trước tới khoa thi cuối cùng là năm năm 1919, dưới triều vua Khải Định.

Sách được sơ thảo vào mùa Đông năm Tân Hợi (1911), do Hiến Phong Ngu Thụy Trần Văn Quan, Hàn lâm viện Thị độc, Đốc học Quảng Bình chủ biên. Tới tháng 7 năm Bính Thìn (1916), Vĩnh Am Kính Trai Nguyễn Cát, Hàn lâm viện Thị giảng hưu trí đính chính, được một hội đồng thân sỹ của tổng Đại Đồng gồm 13 vị tham gia biên tập, khảo đính, hiệu duyệt trước khi tàng bản.

Sau hai bài tựa của hai vị chủ biên ở hai lần biên soạn và phần phàm lệ gồm 9 quy tắc về việc lập bảng khoa mục là phần nội dung bao gồm:

Đại đồng lịch triều khoa hoạn

Phụ lục Lê triều quan chế

Phụ lục Lê triều Trung Hưng hậu niên hiệu tra khảo

Phụ lục Nam Đàn huyện lịch triều tiên chính khoa thứ.

Quốc triều Đại Đồng tổng hội khoa lục trường biên

Quốc triều Đại Đồng tổng hương khoa lục trường biên

Quốc triều Đại Đồng tổng hương tường trường biên

Trong phần Đại Đồng lịch triều khoa bảng, mục Khoa hoạn tổng Đại Đồng triều Lê có ghi tên 39 người đỗ đạt. Trong đó số 38, là Đinh Nguyễn Hủ, Giám sinh khoa Đinh Dậu - Cảnh Hưng 1777, người giáp Phúc Thọ. Như vậy, vị Đinh Quân, hay Đinh Nguyễn Hủ này là nhân vật lịch sử có thật./.

Hoàng Kiểm

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lieu-trai-vuc-quanh-a21055.html