3 quán cà phê có từ thời Pháp thuộc trên đường Đồng Khởi

Có 3 địa điểm trên đường Đồng Khởi đã từng là quán cà phê, khách sạn dưới thời Pháp thuộc, giờ đây vẫn là nơi chốn cà phê thú vị ở TPHCM.

hotel-rotonde-1900-16420673253522138891846-1646799684.jpg
Khách sạn Rotonde năm 1919. Ảnh: Manhhai Flickr

RuNam Bistro và dấu ấn Grand Hôtel de la Rotonde

Khi đến RuNam Bistro trên đường Đồng Khởi để gọi một ly cà phê, du khách bắt gặp một không gian cà phê thấp thoáng bóng dáng cà phê Paris giữa lòng Sài Gòn. Bước vào quán, nhìn qua khung cửa với mái vòm  đằng trước, đối diện bên kia đường Đồng Khởi là khách sạn Majestic với kiến trúc Pháp tuyệt đẹp xây dựng năm 1925. Ít người biết rằng, ngôi nhà của RuNam Bistro này đã khoảng 120 năm tuổi, vốn là một khách sạn có tên Rotonde dưới thời thuộc Pháp, xây dựng trước cả khách sạn Majestic.

Từ view bên hông ngôi nhà, nhìn qua đường Tôn Đức Thắng là Bến Bạch Đằng, xa xa là Bến Nhà Rồng. Cách đây 120 năm (1901), Niên giám Đông Dương có liệt kê khách sạn Rotonde (Hôtel de la Rotonde) nằm ở số 2 đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay), chủ sở hữu là người Pháp. Vào năm 1919, nó có cái tên mới là GRAND CAFÉ-HÔTEL DE LA ROTONDE. Vào năm 1919, khách sạn này đã có mẩu quảng cáo trên báo ở Sài Gòn như sau: Một trong những khách sạn nổi tiếng nhất miền Viễn Đông bởi sự thoải mái, món ăn ngon và rượu vang.

rotonde-hotel-16420681067691249307028-1646799730.jpg
Mẩu quảng cáo của khách sạn Rotonde dưới thời Pháp thuộc. Ảnh: Niên giám Đông Dương

Còn năm 1931, mẩu quảng cáo về khách sạn trên báo có nội dung: Du khách tới Sài Gòn, cho dù đi công tác hay đi chơi sẽ tìm thấy ở Grand Hôtel de la Rotonde dịch vụ và sự tiện nghi tốt nhất.

Đáng chú ý, trên lầu Khách sạn Rotonde này là văn phòng của công ty tàu biển Chargeurs Reunis mà Bác Hồ (Nguyễn Tất Thành) đến xin làm phụ bếp trên tàu Latouche Tréville để đi qua Pháp năm 1911.

Ngày nay, ngôi nhà này ở tầng trệt là cà phê RuNam, phía trên là nhiều nhà hàng. Cà phê RuNam cũng lấy mô hình cà phê-nhà hàng (café-restaurant) như ghi dấu kỷ niệm một thuở của ngôi nhà với bề dày lịch sử đáng kinh ngạc, với khung nhà bên trong vẫn còn giữ lại nhiều nét xưa. 

runambistro-1642067014027202650137-1646799765.jpg
Ngôi nhà RuNam Bistro ngày nay từng là Hôtel de la Rotonde dưới thời Pháp thuộc. Ảnh VGP/Giang Vũ
runam-1642067571048470443575-1646799823.jpg
Từ bên trong quán cà phê nhìn sang bên kia đường là khách sạn Majestic. Ảnh VGP/Giang Vũ

Khách sạn Continental, chỗ ngồi cà phê sáng tuyệt hảo

Từ quán cà phê RuNam Bistro đi ngược lại về hướng Nhà hát lớn, chúng ta sẽ gặp Hotel Continental.

Được bắt đầu xây dựng vào năm 1878 dưới thời Pháp thuộc do ông Pierre Cazeau phụ trách. Khách sạn Continental được khởi công xây dựng với mục đích cung cấp chỗ ở sang trọng đúng kiểu Tây cho những người Pháp tới Việt Nam. Đến năm 1880, khách sạn Continental được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động.

continental1906-16420682798301121581961-1646799863.jpg
Khách sạn Continental năm 1906. Nguồn ảnh: Manhhai flickr

Trong cùng thời điểm đó, ngoài khách sạn Continental còn có các công trình nổi tiếng khác được xây dựng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn và Tòa Đô chánh Sài Gòn. Tất cả những tòa nhà này đều được thiết kế theo lối kiến trúc giống như Tòa Thị chính Paris.

Trước thế chiến Thứ II, Continental Sài Gòn đã đón tiếp rất nhiều khách hàng nổi tiếng như Rabindranath Tagore (nhà thơ Ấn Độ đoạt giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1913), Andre Malraux (tác giả tiểu thuyết "Số phận con người").

continental-hotel-16420685315161140767087-1646799902.jpg
Khách sạn Continental ngày nay. Ảnh VGP/Giang Vũ

Du khách tới đây, ngồi ăn sáng và uống cà phê ngắm nhìn đường phố thật tuyệt vời, vì đó là vị trí ngồi trung tâm nhất của Thành phố. Giờ đây, có lẽ khách sạn không phải là nơi có cà phê ngon nhất như thời thuộc Pháp, vì có rất nhiều quán cà phê khác ra đời chỉ chú tâm vào phát triển cà phê. Tuy nhiên, người ta đến Continental vì ưa thích chỗ ngồi, không gian và có cả hoài niệm nữa.

caphe-continental-16420687342951736237045-1646799935.jpg
Cà phê ở Continental ngày nay. Ảnh VGP/Giang Vũ

Brodard cà phê, một nét ẩm thực Pháp

Vậy nơi nào trên đường Đồng Khởi có cả cà phê ngon và bánh ngon? Cách Continental không xa, thật may mắn là quán cà phê Brodard kiêm nhà hàng và tiệm bánh ngọt vẫn tồn tại đến ngày nay. Brodard xuất hiện ở đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) vào năm 1948, cho tới nay đã hơn 70 năm.

brodard-caphe-16420689979631690610140-1646799969.jpg
Bên trong quán cà phê-nhà hàng Brodard ngày nay. Ảnh VGP/Giang Vũ

Khi mở cửa vào năm 1948, Brodard được biết đến như điểm hẹn yêu thích của giới nghệ sĩ, trí thức và nhà báo, với không gian cà phê trên lầu và quầy bar tại tầng trệt. Nơi đây từng được gọi vui là "Trung tâm Báo chí Sài Gòn" vì phóng viên từ khắp nơi trên thế giới thường chờ tin tức mới bên tách cà phê và chiếc bánh ngọt kiểu Âu thời bấy giờ.

Brodard là cái tên thương hiệu đã ghi dấu ấn sâu đậm vào lòng người Sài Gòn, cùng với Givral hay La Pagode cũng từng tồn tại trên đường Đồng Khởi. Tuy nhiên, Givral và La Pagode đã biến mất theo thời gian và lịch sử đổi thay. Bởi vậy, Brodard còn tồn tại đến ngày nay thật quý giá vô cùng. Tới đây, bạn vẫn còn thấy menu toàn những món ăn "rất Pháp": Cà phê cùng với một chiếc bánh croissant là bữa sáng, bữa lỡ giản dị nhất, còn không là một menu phong phú các món ăn kiểu như nhà hàng Pháp.

banhngot-brodard-16420692044411787796742-1646800003.jpg
Những chiếc bánh đẹp mắt của Brodard. Ảnh VGP/Giang Vũ

Ở đây, bạn cũng có thể tìm được những chiếc bánh kẹo được làm với mẫu thiết kế tinh xảo và lộng lẫy nhất, cũng như bữa trà chiều với bánh ngọt tinh tế và đẳng cấp.

Điều khác biệt nhất của những quán cà phê này là dưới thời thuộc Pháp, người Việt rất có ít cơ hội hoặc không có cơ hội đến cà phê hay nghỉ ngơi tại các khách sạn, cà phê kể trên. Nhung ngày nay, không chỉ người Việt mà du khách khi tới Sài Gòn đều ghé thăm các địa điểm ghi dấu thời gian trên đường Đồng Khởi./.

Theo chinhphu.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/3-quan-ca-phe-co-tu-thoi-phap-thuoc-tren-duong-dong-khoi-a20885.html