Cơ duyên trời ban
Ở Việt Nam có không ít người sở hữu những cây quý hiếm hay những đồ vật làm từ gỗ quý . Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Đức (biệt danh là Đức gấu, ở Lương Sơn, Hòa Bình) có lẽ là người đầu tiên có trong tay gốc cây gỗ gù hương khổng lồ, nguyên vẹn có niên đại từ 3.500-4.000 năm tuổi.
Trò chuyện về gốc cây gù hương có “1-0-2” này, ông Nguyễn Công Đức cho biết: “Thực ra, để sở hữu gốc cây gỗ gù hương này cũng là do tôi có cơ duyên. Bắt đầu từ khi mua mảnh đất rộng 12.260,5 m2 ở đây để làm trang trại. Khi đó, tôi và vợ đi chơi ở thủy điện Hòa Bình, trên đường về tôi thấy một nơi cảnh vật rất đẹp, có suối, có cây. Trong khi đang loay hoay quan sát, tôi gặp một cô gái đang giặt đồ ở dưới suối, tôi mới hỏi xem mảnh đất này là của ai. Cô gái bảo đây là mảnh đất của nhà cháu, bố cháu bị bệnh nên đang có ý định bán đi để lấy tiền chữa bệnh. Sau khi tôi ngỏ ý muốn mua, cô gái mới dắt tôi về nhà để gặp bố cô nói chuyện. Sau một hồi thỏa thuận, bố cô ấy đồng ý bán cho tôi mảnh đất này với giá 60 triệu đồng”.
Toàn bộ trang trại của ông Nguyễn Công Đức ("Đức gấu")
Sau khi mua mảnh đất với ý tưởng làm trang trại, ông Đức bắt đầu đi khắp nơi để tìm các loại cây cối khác nhau như cây sung đất, cây dâu gia, cây chay… đem về trồng. Trong một lần xuống vùng Kim Bôi (Hòa Bình) mua cây, ông Đức tình cờ phát hiện gốc cây gỗ gù hương. Ông kể, trong khi đang đợi đánh cây thị ở nhà ông già tên Sáng, người dân tộc Mường, ông bỗng nhìn thấy một khu đất bằng , quang đãng, diện tích khoảng 40 – 50 m2, nhưng lại không có cây mọc cao to như những vùng xung quanh, chỉ có một lớp đất mùn và đám cỏ mọc cao khoảng 4-5 cm. Thấy kỳ lạ nên ông thắc mắc với ông Sáng để biết kỹ hơn. Lúc này, ông già người Mường liền trả lời, đây là một gốc cây gỗ gù hương, ngày trước Pháp đã chặt cây và phần gốc nhô lên đem về nước để làm tinh dầu, bây giờ chỉ còn lại một phần gốc cây nằm sâu dưới đất này.
Nhận thấy gốc cây là của quý hiếm, ông Đức quyết định ngỏ ý mua lại của ông già người Mường với giá 1 triệu đồng. Đắn đo một hồi, ông già người Mường thốt lên “1 triệu à, tôi bán. Nhưng ông mua thì làm sao mà lấy xuống được, đỉnh núi cao như thế này”. Lúc này, ông Đức bắt đầu chuẩn bị vật dụng , thuê nhân công để đào gốc cây và chuyển xuống phía dưới.
Ông Đức và bộ bàn ghế làm bằng gốc cây gỗ gù hương có "1-0-2" ở Việt Nam
Thuê 10 con trâu, mua 200 cây chuối, 5 tạ dây thừng để chuyển gốc cây
Sau khi thỏa thuận mua gốc cây gù hương quý, ông Đức thuê 10 người đàn ông trai tráng khỏe mạnh với giá 20.000 đồng/người/ngày để đào gốc cây lên. Những nhân công này phải đào hì hục suốt 10 ngày, hệ thống rễ cây mới lộ thiên. Ông Đức đếm được khoảng 46 rễ cây cắm xuống lòng đất, toàn bộ gốc cây có đường kính 7m4.
Mặc dù đã đào được gốc cây lộ thiên nhưng làm cách nào để chuyển được gốc cây từ đỉnh núi xuống là điều không hề dễ dàng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Đức quyết định cưa tách rời khoảng 30 rễ cây chuyển xuống trước. Tiếp theo, ông thuê 3 kích (mỗi kích nặng từ 60-70 cân), 10 nhân công, 10 con trâu khỏe mạnh, trả công 30.000 đồng/ngày/con, mua thêm 5 tạ dây thừng, 200 cây chuối (trong đó có 2/3 là cây to, 1/3 là cây nhỏ), ván và các vật dụng khác để di chuyển phần gốc cây còn lại xuống phía dưới.
Rễ cây gỗ gù hương được chế tác thành vật dụng đặt bình hoa
Ngày hôm sau, ông Đức tập trung tất cả các các đồ cần thiết, thuê nhân công vác lên tận nơi. Nhớ lại lúc kéo gốc cây xuống phía dưới, ông Đức cho hay: “Đầu tiên, phải lót ván xuống dưới đất để khi kích không bị lún, sau đó dùng kích, kích gốc cây lên, cứ kích được lên bao nhiêu thì lại lót chuối ở phía bên kia, khi gốc cây cao lên được 45 độ thì ở phía dưới, hô trâu đồng loạt kéo để khúc cây ập xuống vào phía đã lót sẵn chuối. Tiếp theo lại kê ván, kích rồi lật, kéo. Cứ làm như vậy cho đến khi nào gốc cây xuống được phía dưới. Nhưng khi đang kéo gốc cây xuống thì có một đoạn bị hẫng nên khúc cây bị vỡ làm 3”.
18 chiếc ghế được làm từ gỗ cây gù hương
Công đoạn phức tạp nhất là di chuyển gốc cây từ trên đỉnh núi xuống đã thực hiện được nhưng quá trình chở gốc cây về trang trại nằm ở Lương Sơn (Hòa Bình) cũng khó khăn không kém. Để thực hiện việc này, ông Đức thuê một cần cẩu 10 tấn và 2 xe tải. Ông cho biết: “Lúc chở gốc cây về đến trang trại, người dân xung quanh đều bảo là dở hơi, suốt ngày mua toàn tre nứa ở đâu đâu về. Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai hết, tiến hành thuê người đo đạc rồi làm thành các vật dụng khác nhau. Vì khi di chuyển cây từ trên núi xuống bị vỡ làm 3 nên tôi làm luôn thành 3 thứ, một cái bàn nhỏ 3 chân, một bàn uống nước cỡ lớn, 1 chiếc giường ngủ. Phần rễ cây đã được tách rời, tôi làm thành 18 chiếc ghế”.
Để làm hoàn thiện những vật dụng này, ông Đức mất khoảng 2 tháng. Tổng tất cả các chi phí, từ khi mua gốc cây, thuê người đào và vận chuyển gốc cây về mất khoảng 28 triệu. Mỗi năm, ông Đức đều đánh bóng chiếc bàn một lần. Ông Đức cũng cho hay, sở dĩ ông quyết định lấy một phần gốc cây gù hương để làm giường ngủ do hương thơm của gỗ không chỉ xua đuổi các loại muỗi mà còn giúp trị chứng đau đầu. Khi nằm lên gốc cây này, tạo cho người nằm cảm giác thư giãn, đầu óc thông thoáng, cơ thể mát mẻ.
Chiếc bàn 3 chân làm từ gốc cây gù hương
Cũng theo ông, sau khi đục một miếng gỗ gù hương và mang đi kiểm tra, được biết gốc cây này có niên đại từ 3500-4000 năm tuổi. Biết tin ông Đức sở hữu gốc cây có “1-0-2” này, nhiều người từ Bắc tới Nam đã đến thăm trang trại của ông và ngỏ ý muốn mua lại. “Có một Việt kiều Mỹ đã trả giá cho gốc cây này là 2 tỷ 2 nhưng tôi lắc đầu không bán. Sau này, cũng có một người ở miền Nam cất công ra đây đòi mua với giá 1 tỷ 8 nhưng tôi cũng không bán. Bây giờ tôi sống thì tôi còn giữ lại cho mình, nếu sau này tôi mất, tôi sẽ di chúc cho con tôi tặng cho một nhà văn hóa nào đó chứ nhất quyết không bao giờ bán”.
Theo Ngày Nay