Xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An): Trùng tu, tôn tạo di tích đền Trương Hán

Nằm giữa đại ngàn, đền Trương Hán (xã Thọ Sơn, Anh Sơn) dần hiện ra dưới lớp sương của núi rừng Anh Sơn. Việc di tích lịch sử cấp tỉnh này được trùng tu, tôn tạo, không chỉ mang giá trị bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, mà còn có nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh.

trung-tu-4-20220222155848-1645593724.jpg
Đền Trương Hán (xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ảnh: THNA

Mới đây, tại xã Thọ Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã tổ chức lễ động thổ trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp tỉnh đền Trương Hán. Đền Trương Hán được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào cuối năm 2018, thuộc địa phận thôn Hồng Sơn, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn. Đền tọa lạc trên ngọn núi Tả Ngọn, ngoảnh mặt ra con khe Trằng Thượng, tạo nên một không gian kiến trúc linh thiêng nhưng rất gần gũi với thiên nhiên.

Tương truyền, Trương Công Hán là vị tù trưởng người Thái ở bản Khe Trằng (Mường Phục, xã Thọ Sơn) đã có công giúp Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn duy trì binh lương, củng cố lực lượng tiến đánh thành Trà Lân (vùng giáp ranh giữa huyện Con Cuông và Anh Sơn ngày nay), góp phần tạo nên chiến công “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” trong lịch sử chống quân Minh. Sau chiến công này, Trương Hán được Lê Lợi phong chức Khả lãm Quốc Công, giao cho ông quản lý một vùng đất rộng lớn gọi là “Tam bách đỉnh sơn”.

Sau khi ông mất, xét thấy công lao to lớn của ông, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã ban sắc phong và cho lập đền thờ. Hàng năm, con cháu và nhân dân địa phương tế lễ tại đền vào dịp 16/5 âm lịch. Đến năm 1967, do chiến tranh tàn phá đền có dấu hiệu xuống cấp, cụ Trương Công Đường (hậu duệ của Trương Hán) đã chuyển các loại đồ thờ tự tại đền thờ về cất ở nhà mình. Năm 1994, đền xuống cấp nghiêm trọng và buộc phải dỡ bỏ.

trung-tu-2-20220222155911-1645593816.jpg
Lễ động thổ trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp Tỉnh đền Trương Hán. Ảnh: THNA

Hiện nay, đền thờ Trương Hán chỉ còn lại dấu tích của 4 cột trụ trên diện tích mặt nền rộng gần 20m2, nằm trên đỉnh một ngọn đồi thoáng đãng. Một số đồ thờ tự và tế khí của đền vẫn còn được lưu giữ tại nhà cụ Trương Công Xuân (cháu nội của ông Trương Công Đường). Các cổ vật và tư liệu liên quan đến ngôi đền hiện còn gồm: 1 long ngai, 2 cuốn gia phả (chữ Hán), 2 sắc phong, 1 bản đồ viết bằng chữ Hán, 2 chiếc trống, 1 bảo kiếm, 1 khánh đồng và một số đồ tế khí khác.

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, đền thờ Trương Hán trong quá khứ được làm bằng gỗ và hiện nay người dân xã Thọ Sơn cũng thống nhất tiến hành phục dựng một phần của ngôi đền là thượng điện bằng gỗ. Thế nhưng phần lớn mẫu thiết kế đền đài bây giờ đều thiết kế bằng bê tông. Vì vậy, để tìm được đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng phương án thiết kế đền thờ Trương Hán làm bằng gỗ gặp không ít khó khăn.

Do nhiều yếu tố tác động, đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu tôn tạo. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, cũng như đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 486 ngày 1/3/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư phục hồi di tích lịch sử cấp tỉnh đền Trương Hán, kết cấu nhà Thượng Điện làm bằng gỗ lim, kẻ chuyền chụp tứ trụ, mái lợp ngói màu nâu đỏ. Chân tảng bằng đá xanh Thanh Hoá, Hệ thống cửa Thượng song, Hạ bản gỗ Lim…

Dự kiến số tiền hoàn thành Nhà Thượng Điện là 1,5 tỷ đồng.

Việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp tỉnh đền Trương Hán không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, mà còn có ý nghĩa tâm linh và tri ân công lao các anh hùng có công trong sự nghiệp giữ nước, phù trì cho quốc thái, dân an. 

Đây sẽ là địa chỉ sinh hoạt tâm linh, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, tạo tiền đề và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Anh Sơn./.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xa-tho-son-huyen-anh-son-nghe-an-trung-tu-ton-tao-di-tich-den-truong-han-a20707.html