Là địa phương còn gặp không ít khó khăn về kinh tế - xã hội, nơi đây còn có 2 tiểu khu là Đồng Tân và Tân Lập thuộc diện đặc biệt khó khăn. Kinh tế chủ yếu làm sản xuất nông nghiệp vườn đồi, chăn nuôi, đã ảnh hưởng đến việc phối hợp với nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ. Xác định những khó khăn đó lãnh đạo nhà trường đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với Hội phụ huynh học sinh để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đưa ra các giải pháp đúng đắn để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ một cách toàn diện.
Trao đổi với phóng viên phuongnam.net.vn, cô giáo Đinh Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2014 - 2015 này nhà trường có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 380 cháu. Để giúp các cháu phát triển toàn diện trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên và cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng nhận thức và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên; quan tâm bồi dưỡng tin học cho đội ngũ này; đồng thời phát huy tinh thần tự giác trong bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho các cô giáo. Đặc biệt đội ngũ giáo viên trẻ luôn ý thức được việc tự trau dồi phẩm chất đạo đức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ rất quan trọng. Bởi ở bất cứ ngành nghề nào cũng đều rất cần sự yêu nghề, lòng nhiệt huyết, say mê nghề nghiệp. Đặc biệt, đối với những người theo sự nghiệp "trồng người" như giáo viên mầm non như chúng tôi thì đây còn là yêu cầu bắt buộc”.
Cũng theo cô giáo Hương thì nhà trường thường xuyên tổ chức tham gia các hội thi như: Bé khỏe, bé khéo tay, thi giáo viên giỏi các cấp và thi đua trang trí lớp, xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm, môi trường học tập... Từ đó, tập thể cán bộ, giáo viên luôn có ý thức xây dựng trường, lớp xanh - sạch - đẹp và an toàn, đáp ứng yêu cầu giáo dục trẻ.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhà trường luôn chú trọng khâu nề nếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó chú trọng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Nhà trường cũng đã phối hợp với trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho 100% trẻ đang học tại trường; tuyên truyền 100% trẻ từ 0 - 5 tuổi trên địa bàn để cân, đo nhằm phát hiện trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng chiều cao và có biện pháp khắc phục. Nhất là tuyên truyền thực hiện đều đặn việc tiêm phòng các loại vắc xin cho trẻ trong độ tuổi quy định. Tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường đạt 100%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chiếm trên 6%.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường còn được thể hiện ở công tác đổi mới quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục thực chất, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; tăng cường công tác quản lý, sử dụng thiết bị dạy học; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành giáo dục, nhất là đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", đổi mới các hoạt động của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học.
Năm học 2014 - 2015 được tiếp tục xác định với chủ đề: Kỷ cương nề nếp - nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục toàn diện”, nhà trường tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị đồ dùng đảm bảo đủ điều kiện cho việc dạy và học. Ngoài ra, cũng tập trung đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… Phấn đấu giữ vững chất lượng trường chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Bên cạnh sự phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên, lãnh đạo nhà trường đề nghị lãnh đạo các cấp cần quan tâm đầu tư mở rộng khuôn viên trường, xây thêm 5 phòng cho trường để trường có thêm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...
P.V
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/truong-mam-non-dong-le-chu-trong-nang-cao-chat-luong-giao-duc-toan-dien-a206.html