Bí ẩn đằng sau ngôi quán quân các gameshow truyền hình

Có lẽ, ngay cả những người lạc quan và ngây thơ nhất cũng rất khó lòng đặt niềm tin vào sự công bằng của các gameshow.

10 chương trình truyền hình thực tế thì có tới 9 chương trình bị đặt dấu hỏi về sự dàn xếp, thiên vị hoặc ưu ái dành cho các thí sinh "gà cưng", những quán quân được sắp sẵn từ đầu. Gần như tất cả người thắng cuộc trong các gameshow đều vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ người xem, khi các ý kiến đều cho rằng họ không hề xứng đáng!

Có hay không những sự sắp đặt đằng sau ngôi vô địch?

Các nhà sản xuất đều khẳng định không, còn khán giả thì luôn nói có. Thực tế, có hay không bàn tay sắp đặt phía sau những danh hiệu không phải câu hỏi dễ trả lời. Có tới 1001 cách để nhà sản xuất hợp thức hóa sự tham gia của họ vào quá trình lên ngôi của thí sinh, nhưng gần như không có cách nào để thuyết phục khán giả tin rằng trò chơi họ xem hoàn toàn không có vấn đề gì!

Nhìn vào cách các quán quân lên ngôi sau mỗi mùa, người xem có thể hình dung được phần nào sự hỗn loạn phía sau danh hiệu cao quý đó. Thay vì nhận được những trầm trồ, khen ngợi, thứ mà các nhà vô địch này nhận được chỉ là sự nghi ngờ, mỉa mai, thậm chí là phản đối dữ dội từ dư luận. Nếu thật sự lên ngôi nhờ tài năng và sự ủng hộ từ khán giả, thì những phản ứng trái chiều họ nhận được sẽ phải lý giải ra sao?

Ninh Dương Lan Ngọc từng khiến dư luận "dậy sóng" khi đoạt ngôi quán quân Bước nhảy hoàn vũ 2015, vớt lương tin nhắn nhận được vượt trội hơn hẳn so với kẻ về sau Chi Pu. Điều vô lý này đã khiến ngôi quán quân của cô trở nên vô cùng thiếu thuyết phục và có phần vô lý, khi mà số fan của Chi Pu luôn được biết tới như một lực lượng khổng lồ, còn người hâm mộ của Lan Ngọc qua các vai diễn trên màn ảnh lại khá hiếm hoi.




Quang Hùng - Nguyễn Oanh cùng đăng quang Vietnam's Next Top Model.

Nguyễn Oanh từng vấp phải vô số phản ứng khi lên ngôi tại Vietnam Next Top Model 2014, khi rất nhiều khán giả cho rằng cô không hề xứng đáng. Thậm chí, cô còn từng là thí sinh bị ghét nhất trong suốt cuộc thi năm đó và đối với nhiều người xem, việc cô có thể trở thành quán quân giống như một điều không tưởng.

Việc Thu Thủy và Ngân Khánh đồng giành giải quán quân của Bước nhảy hoàn vũ 2014 cũng gây shock cho không ít người xem, khi điều này chưa từng có tiền lệ trong quá khứ. Không những vậy, việc làm kỳ quặc của ban tổ chức còn làm dấy lên những nghi ngờ về việc có hay không một "biện pháp tình huống" để làm vừa lòng cả đôi bên. Rất nhiều ý kiến đã cho rằng gameshow này đang quá dễ dãi và coi thường chính những giá trị mình tạo dựng được, với một kết quả khiên cưỡng và khó lòng lý giải.

Ngược dòng về vài năm trước, những quán quân âm nhạc như Ya Suy hay Vũ Thảo My cũng khiến người hâm mộ thất vọng tràn trề, ngay tại chính thời điểm đăng quang. Sự hạn chế về mặt tài năng cũng như sức hút của những "ngôi sao xẹt" đã khiến cho người xem thất vọng, nhất là khi họ được đặt ở ngôi vị cao nhất của một gameshow lớn.

Việc kết quả cuối cùng của cuộc thi không làm hài lòng số đông khán giả không thể xem là một chuyện bình thường. Bởi mọi cuộc thi đều cố gắng truyền tải thông điệp: Chính khán giả mới là người chọn lựa ra nhà vô địch! Tuy nhiên trên thực tế, quyền lực có thuộc về khán giả hay không thì chỉ có ... nhà sản xuất biết mà thôi!

Những sức ép vô hình phía hậu trường

Nhìn nhận một cách khách quan, có rất nhiều yếu tố tác động tới sự công bằng của gameshow, chứ không hẳn vấn đề hoàn toàn thuộc về trách nhiệm nhà sản xuất. Làm sao để thu hút khán giả, làm sao để đảm bảo những ngôi sao có lượng fan đông đảo có thể tiếp tục trở thành "cần câu khách" cho chương trình, giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với các "quyền lực" phía sau các thí sinh... đều là những bài toán khó có lời giải đáp. Việc của nhà sản xuất không chỉ đơn giản là tổ chức tốt cuộc thi và chọn ra những ngôi sao nhờ chính tài năng của họ, bởi nếu chỉ có vậy thì sản xuất gameshow hẳn sẽ phải là công việc dễ dàng và tốt đẹp nhất trên trái đất!

Có vô số điều kiện để một ngôi sao đồng ý xuất hiện trong gameshow, chứ không chỉ gói gọn trong mỗi cat-xê. Đặc biệt, các ngôi sao nổi tiếng - những người luôn nhận được sự chào đón từ mọi nhà sản xuất - lại luôn có những yêu cầu khó khăn mà nhà sản xuất không thể lắc đầu, nếu không muốn nhìn họ... bắt tay cùng đối thủ. Yêu cầu đó có thể là một sự gửi gắm, một chút ưu ái dành cho "gà cưng" hoặc học trò của họ, thậm chí đôi khi còn là cả ngôi vô địch...

Trường hợp Vũ Thảo My lên ngôi tại The Voice 2013 cũng được cho rằng có sự tác động rất lớn từ phía HLV Đàm Vĩnh Hưng, khi mà năm trước đội của ngôi sao này đã không thể giành chiến thắng. Với tính cách mạnh mẽ và không ưa thất bại của Mr Đàm, việc anh đồng ý ngồi tiếp ghế nóng The Voice đã được nhiều người ngầm đánh đồng với một chiến thắng giành cho đội "ông hoàng nhạc Việt". Trên thực tế, Mr Đàm cũng đã là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các huấn luyện viên khác, sau ngôi quán quân của Thảo My.

Với những thí sinh nổi tiếng, có khả năng bảo đảm sức hút cho chương trình, sự tham gia của họ trong mỗi gameshow sẽ bắt buộc được đảm bảo bằng một vị trí nhất định, ngay từ khi chương trình được bắt đầu. Những thỏa thuận kiểu đó hoàn toàn có thật và hiện hữu trong mọi gameshow, nhất là khi tình trạng khan hiếm ngôi sao đang là vấn nạn chung của mọi chương trình truyền hình thực tế. "Muốn tôi góp mặt ư? Được thôi, nhưng chắc chắn tôi phải tiếp tục xuất hiện cho tới tập xyz." Sự công bằng trong trường hợp này sẽ tồn tại theo theo mô tuýp của Andersen hay anh em nhà Grim - những chuyên gia về cổ tích!

Đừng coi gameshow là thực tế!

Cách tốt nhất để tạo sự thoải mái khi xem các chương trình truyền hình thực tế, đó là hãy coi nó đơn giản chỉ là một trò chơi. Thật vậy, gameshow thực chất cũng chỉ là những trò chơi nặng tính giải trí và đừng nên kì vọng quá nhiều về sự công bằng hay điều gì đó tương tự! Kể cả ngôi quán quân của một trò chơi, đôi khi cũng chỉ là một mảnh ghép để gameshow thêm hoàn thiện, chứ chẳng chứng tỏ điều gì cả!

Một nhà sản xuất lâu năm đã cười lớn khi chia sẻ: "Có 1001 cách để loại một thí sinh ra khỏi một gameshow, bất kể đó là gameshow thuộc lĩnh vực gì. Nên nhớ, phần thắng luôn nằm trong tay nhà tổ chức, bất kể thí sinh có thể hiện ra sao hay tài giỏi thế nào. Hơn nữa, người giỏi nhất không đồng nghĩa với người chiến thắng trong các gameshow bao giờ cả! Người tổ chức gameshow không cần điều đó. Họ làm gameshow, không phải thi đại học!"

Theo Tùng Lâm/Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bi-an-dang-sau-ngoi-quan-quan-cac-gameshow-truyen-hinh-a2059.html