Phát triển nông thôn
Phát triển nông thôn (PTNT) cũng chính là phát triển nông nghiệp. Ở thập niên 80 của thế kỷ XX, Ngân hàng Thế giới (WB) làm mới định nghĩa PTNT là một chiến lược được hoạch định để cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người nghèo ở nông thôn. Phát triển nông thôn phải nhằm cải thiện mức sống của đa số người nghèo ở nông thôn, làm cho họ có khả năng tự phát triển và cần có sự huy động và phân bố các nguồn lực và sự phân phối công bằng đầu ra trong một khuôn khổ chính sách phù hợp ở các mức độ quốc gia và vùng, bao gồm cả việc nâng cấp thể chế và kỹ năng. Theo đó, vai trò của nhà nước trong PTNT là thúc đẩy phát triển các thể chế, cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công cũng như cung cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thông tin, liên lạc, hỗ trợ hình thành tổ chức nông dân, cung cấp dịch vụ khuyến nông và trợ cấp tín dụng, vật tư đầu vào.
Phát triển nông thôn là một quá trình có sự tham gia, nhấn mạnh giao quyền cho cư dân nông thôn để họ có thể kiểm soát tiến trình phát triển theo những ưu tiên mà họ lựa chọn. Phát triển nông thôn lại gắn với mục tiêu giảm nghèo của các quốc gia dựa trên tiếp cận lý thuyết sinh kế bền vững. Giảm nghèo trở thành vấn đề trung tâm của PTNT. Các chính phủ hiện nay đang có xu hướng chuyển từ tiếp cận nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều.
Việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn chính là mục đích của PTNT. Phát triển nông thôn là một quá trình thay đổi bền vững có chủ ý về xã hội, kinh tế, văn hóa và môi trường nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương, thể hiện ở ba mục tiêu: Một là, cải thiện năng lực cạnh tranh của nông nghiệp. Hai là, cải thiện môi trường và cảnh quan nông thôn. Ba là, cải thiện chất lượng đời sống nông thôn và khuyến khích đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, là “cải thiện các điều kiện của cộng đồng nông thôn một cách tổng thể, bao gồm kinh tế và chất lượng cuộc sống ở các phương diện, như môi trường, sức khỏe, kết cấu hạ tầng và nhà ở”. Mô hình PTNT bao gồm ba phương diện kinh tế, xã hội và chính trị, tạo ra năng lực và cơ hội để người dân nông thôn tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển, tạo ra năng lực và cơ hội để tham gia quá trình chính trị và phát triển xã hội toàn diện.
Phát triển nông thôn nhằm làm chuyển biến nông thôn trên các phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và thể chế; quan tâm toàn diện đến phúc lợi người nghèo và cộng đồng nông thôn thụ hưởng, bao gồm các lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Nói cách khác, các quan niệm hiện đại đều nhấn mạnh sự kết hợp giữa việc cải thiện mức sống kinh tế và xã hội cho cư dân nông thôn, nhất là người nghèo và bền vững về môi trường; lấy con người làm trung tâm và phát triển đa ngành.
Phát triển nông thôn phải bảo đảm nguyên tắc của phát triển bền vững và lấy con người làm trung tâm
Nguyên tắc bền vững đòi hỏi PTNT phải có tăng trưởng kinh tế, nhưng thành quả của tăng trưởng phải được chia sẻ hài hòa và công bằng cho tất cả thành viên của cộng đồng nông thôn. Đồng thời, việc khai thác và sử dụng tài nguyên cho phát triển phải hợp lý, bảo vệ được môi trường tự nhiên và phải bảo đảm khả năng sử dụng tài nguyên của các thế hệ tương lai. Nguyên tắc lấy con người làm trung tâm đòi hỏi có nhận thức đúng đắn về vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn trong tiến trình phát triển.
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được chú trọng trong đường lối cách mạng của Đảng ta. Trong giai đoạn hiện tại, Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân”(1). Nhằm cụ thể hóa đường lối đó, trong Quyết định số 1600/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-8-2016 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát của Chương trình trong giai đoạn hiện nay là: “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”.
Các mục tiêu cụ thể cũng được đặt ra là, đến năm 2020 khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28%; đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; đồng bằng sông Cửu Long: 51%); khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 13,8; đồng bằng sông Hồng: 18; Bắc Trung Bộ: 16,5; duyên hải Nam Trung Bộ: 16,5; Tây Nguyên: 15,2; Đông Nam Bộ: 17,5; đồng bằng sông Cửu Long: 16,6); cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
Như vậy có thể nói, bốn cột trụ trong PTNT hiện đại được thể hiện rõ nét trong mục tiêu chương trình nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước ta đã chỉ ra. Trong đó nổi bật là quan điểm bảo đảm nguyên tắc của phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm khi mục tiêu tối thượng trong đường lối của Đảng và Nhà nước ta là “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.
Những thách thức trong phát triển nông thôn ở nước ta hiện nay
Theo đường lối PTNT của Đảng, trong hơn 30 năm đổi mới, nông thôn nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ với nhiều thành quả phát triển toàn diện và có tính ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt bình quân 3,1%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 3,6%/năm(2). Nông nghiệp công nghệ cao trở thành “làn sóng mới” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, bước đầu cạnh tranh được với hàng ngoại và hướng tới xuất khẩu. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện trên cơ sở phát huy lợi thế của cả nước và mỗi địa phương gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong 5 năm 2011 - 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước và 7 quy hoạch vùng, địa bàn cụ thể,... góp phần quan trọng duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của ngành(3).
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất manh mún, đạt năng suất thấp, phân tán vẫn là chủ yếu, nhất là các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng chưa đạt yêu cầu. Tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng chững lại, phát triển kém bền vững, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp ngày càng thấp, đời sống nông dân ở một số vùng ngày càng khó khăn, phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao; sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn thấp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 63 tỉnh, thành phố, đến nay cả nước đã thu được những kết quả tích cực nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra và chưa bền vững, chưa gắn với phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Chương trình chưa đạt được mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã đề ra (hiện mới đạt 14,5%). Các xã đã tập trung cao phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới do cấp xã đảm nhận nhưng chưa quan tâm đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn. Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 34%, ở đồng bằng sông Hồng là 23,5% thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%. Một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn chưa chính xác.
Có thể nói, PTNT nước ta hiện đang tồn tại những thách thức đáng kể về các khía cạnh, như phát triển chưa có tính bền vững, môi trường nông thôn xuống cấp, tốc độ ô nhiễm gia tăng, đáng lưu ý là những thay đổi giá trị về mặt văn hóa và sự gia tăng của tệ nạn xã hội.
Tính bền vững của phát triển nông thôn
Nhiều nghiên cứu, đánh giá gần đây về PTNT ở nước ta hiện nay đều tỏ ra lo ngại về tính bền vững của nó. Cụ thể, như sự bất bình đẳng về phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc, các nhóm xã hội; an sinh xã hội ở nông thôn chưa được bảo đảm, nhất là với các tầng lớp yếu thế (người nghèo, người già, người cô đơn, khuyết tật...). Nhìn chung, “kết cấu hạ tầng nông thôn, từ điện, đường, trường, trạm, chợ, nước,... đều còn thấp kém. Trình độ trang bị công cụ ở nông nghiệp vẫn rất thô sơ, lao động chân tay là chủ yếu. Nông thôn bị tụt hậu, kết cấu hạ tầng chất lượng thấp, mới đáp ứng một phần đời sống, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kém bền vững trong phòng, chống thiên tai, ô nhiễm môi trường”(4).
Môi trường nông thôn
Môi trường và cảnh quan nông thôn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng ô nhiễm về rác thải rắn, nguồn nước và không khí gia tăng. Hiện nay, bài toán khó chưa có lời giải là xử lý rác thải rắn do đời sống sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn cộng với tình trạng sử dụng bao túi ni lông, hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn cả nước. “Việt Nam hiện có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm khoảng 73% số dân của cả nước. Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. CTR sinh hoạt khu vực này có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải làm vườn và phần lớn đều là chất thải hữu cơ dễ phân hủy. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% đến 55%. Phần lớn CTR được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mỗi năm tại khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và CTR phát sinh từ nhóm làng nghề tái chế phế liệu (kim loại, giấy, nhựa...) với nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người(5).
Bên cạnh đó, tình trạng sụt giảm và ô nhiễm nguồn nước ngầm ở nông thôn đang hiện hữu và gây tác hại xấu đến sức khỏe người dân nông thôn.
Ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn, nhất là ở các vùng phát triển làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ đang là bài toán nan giải mặc dù đã có nhiều cố gắng khắc phục từ Trung ương đến địa phương. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở nước ta hiện nay có khoảng gần một nghìn làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ, trong đó có hàng trăm làng nghề mà những quy trình sản xuất có sử dụng những hóa chất độc hại, như làng nghề gỗ, làng nghề sắt, thủy tinh, bao bì, thuốc, giấy,... gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe, tính mạng của người dân ở trong khu vực.
Thay đổi về giá trị văn hóa nông thôn và sự gia tăng của tệ nạn xã hội
Với thành quả của công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, kinh tế - xã hội đất nước đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, kéo theo đó là những thay đổi các giá trị văn hóa, đó là sự chuyển đổi từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đời sống xã hội ở nông thôn hiện nay đã có quá nhiều sự thay đổi so với thời kỳ trước đổi mới. Những giá trị truyền thống đang dần mất đi, thay thế vào đó là những giá trị mới trong lối sống thôn quê.
Vẫn những hình thức hiếu hỉ ngày xưa đó, những lễ hội làng quê đó nhưng ý nghĩa đã có phần khác. Yếu tố thị trường hàng hóa, yếu tố giá trị vật chất thực tiễn và thực dụng đã rõ rệt hơn. Người ta ít chú ý hơn đến những ý nghĩa tình cảm truyền thống, các lễ nghĩa lâu đời trong các ứng xử cộng đồng; người ta sống hối hả hơn, tính toán hơn và năng động hơn cũng như phấn đấu nhiều hơn cho sự gia tăng thu nhập và địa vị cá nhân và gia đình trong cộng đồng thôn quê tưởng như rất xưa cũ ấy. Rất nhiều thứ ở làng quê tưởng vẫn vậy mà không phải vậy.
Ở nhiều vùng làng quê, nhất là ở những làng quê có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cuộc sống của người dân tuy giàu có hơn nhưng lối sống cũng biến đổi nhanh hơn, tệ nạn xã hội diễn ra phức tạp hơn, như cờ bạc, rượu chè, hút chích ma túy, mại dâm, bạo lực xã hội đen cùng với tệ nạn tham nhũng, “cường hào” địa phương. Thực tế đó đang là nỗi nhức nhối ở nhiều vùng quê vốn yên bình từ vài thập niên trước đó.
Các nghiên cứu về văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, phương thức phát triển nặng về khai thác phục vụ lợi ích các nhóm thay vì phát triển bền vững. Văn hóa chưa gắn với phát triển mà vẫn được xem như địa hạt của hoạt động tuyên truyền. Đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, văn hóa ứng xử,... nghiêng về tuyên truyền hô hào vận động thay vì hoạt động thiết thực; hành chính hóa hoạt động văn hóa thay vì dành không gian cho các tổ chức tham gia chiến lược phát triển...
Vai trò của văn hóa trong phát triển nông thôn
Theo quan điểm PTNT hiện đại, bốn cột trụ kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và thể chế là động lực của PTNT, là những yếu tố phải đạt đến của một nông thôn phát triển và từ đó tạo ra được thành quả của PTNT là tăng trưởng và giảm nghèo bền vững. Các động lực của PTNT phải được hình thành và từ đó thúc đẩy tiến trình PTNT. Nói cách khác, tạo ra các động lực của PTNT cũng là các nội dung mà các chương trình PTNT phải nhắm vào để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho cư dân nông thôn.
Phương diện văn hóa trong phát triển nông thôn dường như còn rất ít được đề cập ngay cả trên thế giới. Năm 1992, tại Ri-ô Đê Gian-nê-rô (Bra-xin), Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển, và 10 năm sau đó (năm 2002) tại Giô-han-ne-xbớc (Cộng hòa Nam Phi), Hội nghị Thượng định thế giới về phát triển bền vững đã có sự bổ sung, phát triển cụ thể hơn các văn kiện quốc tế được đưa ra trước đó khi coi phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp hài hòa, hợp lý và chặt chẽ giữa ba mặt trong phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Trong ba mặt đó, việc phát triển bền vững về kinh tế chú trọng đến tốc độ tăng trưởng ổn định trong một thời gian tương đối dài, bảo đảm chất lượng tăng trưởng thể hiện ở hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sự phát triển bền vững về xã hội hướng trọng tâm vào các khía cạnh tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm, ổn định đời sống người dân; bảo vệ và phát triển bền vững về môi trường tập trung vào việc đề phòng, ngăn ngừa, khắc phục các loại ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường; khai thác hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ diện tích rừng hiện có, chống đốt rừng và chặt phá rừng tự nhiên, nhất là rừng nguyên sinh, để lấy đất sản xuất, lấy đất trồng cây công nghiệp hoặc làm bãi chăn thả gia súc. Như vậy, sự phát triển về cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường tạo thành một chỉnh thể thống nhất tạo nên sự phát triển bền vững theo quan điểm mới hơn(6).
Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng, trong các văn kiện chính thức và rất quan trọng nêu trên của cộng đồng thế giới, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội vẫn còn khá mờ nhạt, chưa có vị trí xứng đáng như nó phải có. Song, cũng chính trong giai đoạn này, UNESCO đã nhận rõ tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển và trong việc điều tiết kinh tế - xã hội hiện đại thể hiện ở việc phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (1988 - 1997). Vào đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, trên thế giới đã thống nhất nhìn nhận rằng phát triển bền vững không chỉ là phát triển ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, mà còn cần sự phát triển bền vững về văn hóa với tư cách là trụ cột thứ tư.
Riêng ở khía cạnh PTNT, cần quan tâm đến di sản văn hóa ở nông thôn bao gồm các phong cảnh tự nhiên và nhân tạo; các di tích lịch sử, các công trình xây dựng truyền thống. Di sản văn hóa còn là một nền văn hóa thừa kế, dựa trên lịch sử của nhân dân, văn học dân gian và tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán lâu đời; truyền thống ẩm thực, nghệ thuật, nghề thủ công và công nghiệp. Di sản này rất khác nhau giữa các vùng và giữa các cộng đồng dân tộc. Sự đa dạng về di sản văn hóa làm cho các địa phương có đặc trưng riêng và điều này tạo ra sự thu hút với mọi người, và là nền tảng để phát triển du lịch văn hóa địa phương như là một nguồn lợi kinh tế bổ sung vào nền kinh tế nông thôn. Bảo vệ bản sắc văn hóa của nông thôn là một thách thức rất lớn của PTNT, khi đô thị hóa ngày càng mở rộng(7).
Ở nước ta, mặc dù từ lâu, Đảng ta đã rất chú trọng đến đường lối phát triển nền văn hóa dân tộc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi phát triển văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn “chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế... Trong hoạt động kinh tế, chưa chú ý đến các yếu tố văn hóa, các yêu cầu phát triển văn hóa tương ứng”(8).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (tháng 6-2014) cũng chỉ rõ cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Đại hội XII của Đảng một lần nữa vạch rõ: Chúng ta vẫn “chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường”(9).
Từ khía cạnh PTNT, có thể nói nếu không coi trọng yếu tố phát triển văn hóa sẽ không thể có PTNT bền vững.
----------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 281
(2), (3) Nguồn: http://www.vaas.org.vn, 2016
(4) Nguyễn Quang Thuấn: “Vấn đề xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam”. Tạp chí Xã hội học, số 4 (116), 2011, tr.3 - 4
(5) http://www.nhandan.com.vn, Chủ nhật, ngày 16-9-2018
(6) Nguyễn Trọng Chuẩn: Văn hóa và sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, Tạp chí Xã hội học, số 2 (138), 2017, tr. 9
(7) Trần Tiến Khai: Tổng quan cơ sở khoa học cho phát triển nông thôn bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, số 3 (42), 2015
(8) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1998, tr. 52 - 53
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2016, tr. 67, 86
Xuân Trường
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-trien-nong-thon-va-vai-tro-cua-van-hoa-trong-phat-trien-nong-thon-o-nuoc-ta-a20582.html