Đó chính là tiềm năng vô cùng phong phú để Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh với du lịch biển đảo. Trên đường cong ấy, những cái tên Lý Sơn, Sa Huỳnh, Mỹ Khê như một chấm son còn khá mới mẻ để Quảng Ngãi ghi dấu lên bản đồ du lịch biển, đảo Việt Nam.
Nhiều thuận lợi
Nằm trọn trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Nam, đường sắt Thống Nhất đi qua, gần sân bay Chu Lai... Quảng Ngãi đã gần hơn với bạn bè. Mấy năm gần đây, nhiều dự án lớn được đầu tư vào Lý Sơn và vệt ven biển như đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; cầu Cổ Lũy; hạ tầng các khu du lịch Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Bãi dừa - Cocoland; Khu du lịch tâm linh chùa Thiên Mã... đã mở ra cơ hội vàng để có thể phát triển du lịch biển, đảo thành mũi đột phá chiến lược của tỉnh, mà Lý Sơn được xác định là hạt nhân.
Trông xa như con tàu giữa biển, Lý Sơn mang vẻ đẹp kỳ vĩ và nguyên sơ của một vùng địa chất đặc biệt hình thành từ chục triệu năm trước. Trải bao biến thiên của tạo hóa, thiên nhiên đã để lại cho Lý Sơn những hang Câu, hòn Đụn, cổng Tò Vò, chùa Hang, giếng Tiền cùng hệ sinh thái biển đặc sắc, đa dạng với nhiều rạn san hô lung linh đáy nước. Chả thế mà Lý Sơn đã được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Lượng khách đến với Lý Sơn ngày một nhiều trong mấy năm gần đây cũng chính nhờ ở sức hút đặc biệt này.
Nhắc tới Lý Sơn là nhắc tới vùng đất thấm đẫm văn hóa, lịch sử, nơi những hùng binh của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ hàng trăm năm trước dong thuyền ra biển thực thi chủ quyền Tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Những di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo, những di chỉ khảo cổ học, cùng với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức hằng năm là những di sản văn hóa phi vật thể đáng trân quý, có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch lịch sử đặc thù để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về ý thức bảo vệ chủ quyền.
Những năm gần đây, hạ tầng kinh tế - xã hội và du lịch của Lý Sơn từng bước hoàn thiện, đường sá trên đảo được mở rộng và nhựa hóa. Có điện, Lý Sơn đã "sáng" hơn trên con đường phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Với hơn 1.000 phòng nghỉ của hơn 130 khách sạn, nhà nghỉ, đặc biệt là mô hình homestay, Lý Sơn đã đáp ứng nhiều sự lựa chọn của du khách. Từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn bây giờ chỉ còn khoảng 40 phút với đội tàu cao tốc lúc nào cũng sẵn sàng. Lý Sơn đã trở thành một chấm son trên bản đồ du lịch của nhiều hãng lữ hành, được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn cho mỗi chuyến đi đến miền Trung. Điều đó cho thấy, Lý Sơn hoàn toàn có cơ sở trở thành hạt nhân để loại hình du lịch biển, đảo của Quảng Ngãi phát triển trong tương lai.
Cần một cú huých đủ mạnh
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là sự phụ thuộc vào thời tiết, tính mùa vụ đang kìm hãm sự phát triển của du lịch Lý Sơn. Lượng khách đến hòn đảo này còn rất khiêm tốn, chi tiêu chủ yếu vẫn chỉ là lưu trú và ăn uống, vận chuyển. Nếu so với huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), thì Lý Sơn vẫn còn kém xa về lượng khách và doanh thu. Vì vậy, để Lý Sơn thực sự trở thành một "thiên đường du lịch biển", hòn đảo này cần một chiếc áo đủ rộng. Nếu không mời gọi được những nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm, có thực lực, thì du lịch Lý Sơn vẫn chỉ mãi là tiềm năng mà thôi.
Từ kinh nghiệm của Bà Nà, Sa Pa, Hạ Long, Phan Thiết, Phú Quốc... cho thấy, chỉ khi có nhà đầu tư thật sự bài bản, thì du lịch mới thực sự thay đổi. Nguồn vốn lớn chỉ là một phần, điều quan trọng là cái tầm nhìn xa của nhà đầu tư. Một diện mạo du lịch hiện đại, tên tuổi vang dội ra khu vực và quốc tế như Bà Nà Hill, Sun World Fansipan Legend; Sun World Halong Park, hay những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đạt giải thưởng về kiến trúc của quốc tế ở Đà Nẵng, Phú Quốc... là cả một kỳ tích trong nhiều năm của Sun Group và các tập đoàn lớn. Thế mới thấy, chỉ cần một con sếu đầu đàn đúng nghĩa cất cánh, nhiều con sếu khác sẽ cùng bay theo.
Không thể cứ ì ạch đếm số du khách ở con số vài ba trăm nghìn, mà phải là con số triệu. Muốn thế, Lý Sơn phải là một đô thị du lịch biển được quy hoạch bài bản, phát triển có trình tự, hiện đại, văn minh. Những gì đã làm được thời gian qua của Lý Sơn là rất đáng ghi nhận. Nhưng để Lý Sơn trở thành một đô thị du lịch biển thì chừng ấy là chưa đủ. Khách sạn phải nhiều hơn, đẳng cấp hơn; dịch vụ cũng phải tốt hơn; sản phẩm du lịch cũng phải phong phú, đa dạng hơn. Du khách đến Lý Sơn phải được khám phá sự kỳ thú của thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa biển, trải nghiệm một ngày làm nông dân trên cánh đồng tỏi Lý Sơn, được thưởng thức những món đặc sản do chính tay mình chế biến, để hiểu thêm về hòn đảo thấm đẫm những giá trị văn hóa, lịch sử của tiền nhân.
Từ Lý Sơn đến Mỹ Khê, Sa Huỳnh... du lịch biển, đảo kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới để ngành du lịch Quảng Ngãi thực hiện ước mơ đón từ 3 đến 5 triệu khách/năm. Nhất là khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh hoàn thiện. Lý Sơn sẽ "cất cánh" trở thành một điểm son về du lịch biển đảo, góp phần định vị du lịch Quảng Ngãi trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Đó còn là cách để hòn đảo tiền tiêu này hoàn thành tốt nhất sứ mệnh đảm bảo quốc phòng - an ninh, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Theo Báo Quảng Ngãi
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-vi-du-lich-bien-dao-quang-ngai-can-mot-cu-huych-du-manh-a20564.html