Di tích văn hóa Óc Eo: Kho báu giữa đồng bằng sông Cửu Long

Văn hóa Óc Eo, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh là ba nền văn hóa bản địa tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ đầu Công nguyên.

Về gò Cây Thị

“Trụ sở Ban quản lý Khu di tích Óc Eo đang xây dựng mới. Anh cứ men theo con đường nhỏ này đi ngược lên...”, anh cán bộ trong ban quản lý chỉ đường cho tôi. Giữa cánh đồng trồng lúa rộng lớn có một khu đất rộng được dựng cột  che mái, bốn bên thông thoáng. Đó là Khu di tích khảo cổ gò Cây Thị (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Quá khứ xa xưa hiện ra qua những viên gạch cổ xếp sát nhau, xếp thành nhiều tầng, sâu cả chục mét; được chia thành từng ô, từng khoang...
 
“Khu di tích này chính là một phần đô thị có cấu trúc hoàn chỉnh sớm nhất khu vực Đông - Nam Á (vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên) với đỉnh núi Ba Thê là trung tâm. Đây là một thị cảng phồn vinh, một trung tâm tôn giáo, kinh tế, dân cư sống động, giao thương sầm uất. Chúng ta đã sưu tập được rất nhiều cổ vật quý chất liệu vàng, bạc, gốm, sứ... hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang, Bảo tàng Lịch sử Trung ương”, tiến sĩ Ngô Quang Láng hào hứng chia sẻ. Ông là người gắn bó, am hiểu văn hóa An Giang do từng là cán bộ quản lý văn hóa suốt nhiều năm liền; từng ký tên xác nhận vào nhiều công trình khảo cổ có giá trị (bộ sưu tập trùng tu lăng Thoại Ngọc Hầu, hiện vật văn hóa Óc Eo...).
 
 
Hiện vật bình gốm văn hóa Óc Eo

Tại Nam bộ, nhiều di tích Óc Eo đã được phát hiện, khai quật ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Đồng Nai, TPHCM, Tây Ninh… Ở An Giang, di tích Óc Eo phát lộ ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, trong đó tập trung dày đặc, trải rộng từ cánh đồng Óc Eo đến rìa phía Đông núi Ba Thê. Di tích gò Cây Thị trải rộng đến trên 450ha với khu A do nhà khảo cổ người Pháp Louis Malaret ở Trường Viễn Đông Bác cổ phát hiện năm 1942, khai quật lần đầu tiên vào tháng 2-1944; khu B khai quật năm 1999. Cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm (gò Da, gò Cây Me, Giồng Cát, Giồng Xoài, Trung Sơn, Nam Linh Sơn…) có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Năm 2009, vùng đất Thoại Sơn nhiều huyền thoại này càng thêm hấp dẫn khi Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận 2 kỷ lục: Tượng Phật 4 tay và 2 tấm bia đá lâu năm nhất Việt Nam; Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo theo mô hình Linga lớn nhất Việt Nam.

“Văn hóa Óc Eo, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh là ba nền văn hóa bản địa tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ đầu Công nguyên”, tiến sĩ Ngô Quang Láng khẳng định. Với những giá trị văn hóa đặc sắc đó, ngày 27-9-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận Khu di tích văn hóa Óc Eo Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bảo tồn, phát huy di tích Óc Eo

“Chúng tôi vừa tổ chức đưa hiện vật đến phục vụ các trường học trên địa bàn”, tiến sĩ Nguyễn Quang Láng nói khi đưa khách đi tham quan. An Giang đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Óc Eo như đầu tư cả tỷ đồng làm mái che Khu di tích gò Cây Thị; tổ chức hội thảo; in sách, làm phim tài liệu giới thiệu về di tích văn hóa Óc Eo; thành lập tại bảo tàng tỉnh phòng trưng bày, thông tin, lưu trữ cổ vật di chỉ văn hóa Óc Eo; tiếp tục mở rộng khai quật trên những khu vực mới… Đặc biệt, cùng với xây dựng trụ sở mới cho Ban quản lý, công trình Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo quy mô đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhà trưng bày này sẽ quy tụ về đây nhiều hơn các hiện vật, di vật văn hóa Óc Eo phục vụ công tác nghiên cứu, bảo quản và phục vụ công chúng, bạn bè trong ngoài nước.

“Dự kiến lễ công bố quyết định Khu di tích Óc Eo là Di tích quốc gia đặc biệt” sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6-2015”, tiến sĩ Ngô Quang Láng thông báo.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tich-van-hoa-oc-eo-kho-bau-giua-dong-bang-song-cuu-long-a2041.html